Đi tìm nguyên nhân
Đã rất lâu rồi, người ta không còn nhớ bộ phim hoạt hình Việt Nam ra rạp sau cùng là từ bao giờ? Và người ta cũng tò mò xem đến bao giờ mới lại có thêm một bộ phim hoạt hình Việt Nam được ra rạp nữa. Trong khi đó, tháng nào, năm nào cứ đều đều các “bom tấn” hoạt hình của các nước trên thế giới lại tràn vào Việt Nam.
Bên cạnh sự vắng bóng ở rạp, hoạt hình Việt dành cho thiếu nhi trên sóng truyền hình cũng vô cùng hiếm hoi, mờ nhạt; cộng với khung giờ quá ít ỏi cũng là điều khiến không ít người đam mê bộ môn nghệ thuật thứ 7 nhận ra phim hoạt hình Việt Nam có một “lỗ hổng” quá lớn.
Được biết, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hàng tỷ đồng để sản xuất phim. Tuy nhiên, không có phim nào đến được với công chúng hoặc đến nhưng không sâu sắc, không có tầm ảnh hưởng. Ở các liên hoan phim, giải Cánh Diều cũng dễ dàng nhận thấy thiếu quá nhiều lĩnh vực phim hoạt hình. Có chăng thì là những sản phẩm không gây được tiếng vang, sản xuất chỉ để đưa đi dự liên hoan. Một hạn chế nữa của hoạt hình nước ta là từ lâu chỉ coi phim hoạt hình như một thứ minh họa cho những bài học từ truyện cổ tích hoặc ngụ ngôn và chỉ dành cho thiếu nhi.
Trong khi đó, những bộ phim hoạt hình được cho là “bom tấn” của thế giới xuất hiện ở hầu khắp các rạp trên cả nước như: “Xì trum”, “Minion”, gần đây nhất đang ra rạp là “Kungfu Panda 3” ngay lập tức con trẻ và cả người lớn đều háo hức muốn xem vì hình ảnh đẹp, hấp dẫn, hài hước và thậm chí là bài học cuộc sống nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Để vùng trống phim hoạt hình lớn và ai cũng có thể nhận ra như hiện nay có lẽ lỗi đầu tiên phải kể đến biên kịch – quá hiếm biên kịch tham gia vào lĩnh vực viết kịch bản phim hoạt hình. Hay nói đúng hơn, chẳng có nổi một biên kịch nổi tiếng trong lĩnh vực đáng lý cần sự đầu tư và sôi động này.
Lấp “lỗ hổng” thế nào?
Phim hoạt hình Việt Nam từ xưa đến nay, bên cạnh mang nặng tư tưởng chỉ dành cho thiếu nhi còn bị “ám ảnh” bởi nhãn quan giáo dục, giáo huấn của người lớn. “Thực tế ai cũng thích đưa con mình đi xem là để giải trí, để cười, chứ nếu hoạt hình mà giảng giải hoặc ngầm ý các đạo lý sâu xa như đối với người lớn thì trẻ con khó tiếp thu được sẽ không thích” - chị Minh Hà (Hai Bà Trưng) chia sẻ trong một lần đưa con đi xem phim “Kungfu Panda”.
Nhiều người cho rằng, phim hoạt hình chuyển thể từ cổ tích sẽ rất thu hút các trẻ em đến xem vì sinh động hơn, hình ảnh bước ra từ câu chuyện chân thực hơn. Nhưng nếu đi mãi hoặc chỉ dựa vào đó mà khai thác thì liệu chăng có được lòng trẻ nhỏ? Nhiều người nghĩ hoạt hình chỉ cần giáo dục nhân ái, sự lương thiện như trong mấy câu chuyện cổ tích là ổn.
Nhưng hoạt hình muốn thành công thì biên kịch cần phải bỏ thời gian và tâm trí ra để đi tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ thế nào và ứng xử ra sao với cuộc sống, với các mối quan hệ của trẻ… Như vậy sẽ thiết thực hơn bởi vốn dĩ cuộc sống đâu có như trong mấy câu chuyện cổ tích.
Hay nói cách khác, nhà biên kịch cần đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ nếu muốn xây dựng một tác phẩm đi sâu vào lòng công chúng. Làm sao để có một bộ phim mà trẻ nhỏ đến xem để hiểu, người lớn đến xem vì tò mò và muốn biết mình sẽ và nên làm gì nếu điều trong phim xảy ra đối với cuộc sống của chính con mình.
Hơn hết, khi xây dựng tác phẩm phải lắng nghe ý kiến góp ý của trẻ em hơn là quan tâm người lớn sẽ nghĩ gì. Và xa hơn nữa, cần thường xuyên mở các lớp viết kịch bản cho thiếu nhi dưới sự hướng dẫn của các nhà biên kịch chuyên nghiệp, cùng các tác giả nhí xây dựng những kịch bản điện ảnh đủ chất lượng làm phim.
Xưa nay, việc đưa văn hóa Việt ra thế giới dưới hình thức hoạt hình là một bài toán khó mà chưa ai tìm ra lời giải. Liệu rằng nếu lĩnh vực phim hoạt hình được đầu tư hơn, Nhà nước có chính sách thoáng hơn, không phải chỉ đặt hàng ở các đơn vị nhà nước mà đặt niềm tin vào những người trẻ, vào các đơn vị tư nhân thì phim hoạt hình Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển? Hy vọng rằng câu hỏi này sẽ sớm có lời giải để lấp được “lỗ hổng” hoạt hình Việt Nam tại các phòng vé./.