Các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA đang mở ra nhiều cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế và việc loại bỏ các rào cản thuế quan. Tuy nhiên, đồng thời chúng cũng đặt ra những thách thức đáng kể trong lĩnh vực tài chính, bao gồm việc cạnh tranh với các tổ chức quốc tế, áp lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xu hướng dịch chuyển lao động tài chính ra nước ngoài.
Để vượt qua những khó khăn này, các tổ chức tài chính tại Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu rộng về các hiệp định FTA, thúc đẩy hợp tác trong đào tạo và triển khai các chính sách thu hút nhân tài. Những biện pháp này sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, thực trạng tỷ lệ dư nợ tín dụng của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh còn khá thấp. Theo quan sát của chúng tôi tại KTPC, vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân chính phía doanh nghiệp và phía ngân hàng.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị hồ sơ vay vốn đạt chuẩn. Trong bối cảnh các cán bộ tín dụng phải đáp ứng chỉ tiêu về dư nợ và đồng thời đảm bảo an toàn vốn, hồ sơ không đầy đủ hoặc thiếu thông tin thuyết phục thường dẫn đến việc ngân hàng từ chối cho vay.
Đối với các cán bộ tín dụng, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Chính vì vậy, họ thường chọn giải pháp an toàn thay vì chấp nhận rủi ro với các hồ sơ không rõ ràng, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhỏ hoặc khách hàng mới.
Về phía ngân hàng, có sự khác biệt đáng kể trong năng lực của cán bộ tín dụng giữa Việt Nam và các ngân hàng tại châu Âu. Ở châu Âu, cán bộ tín dụng thường có kinh nghiệm làm việc tại các công ty kiểm toán, quỹ đầu tư hoặc bộ phận quy hoạch đầu tư trước khi chuyển sang lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vậy, họ sở hữu kỹ năng phân tích sâu sắc, hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá chính xác khả năng trả nợ. Điều này giúp họ đưa ra quyết định tín dụng hiệu quả và minh bạch hơn.
Ngược lại, cán bộ tín dụng tại Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm đa ngành, nhiều người dành cả sự nghiệp làm việc duy nhất trong ngành ngân hàng mà không trải qua các vai trò khác trong lĩnh vực tài chính. Do đó, khả năng phân tích và đánh giá hồ sơ vay vốn của một số cán bộ còn hạn chế.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – cố vấn Công ty KTPC chuyên tư vấn tận dụng FTA, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh. |
Để giải quyết vấn đề này, ông Cường cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngân hàng và các tổ chức đào tạo để tổ chức các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ tín dụng.
Việc này không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
"Việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng là yếu tố rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Để làm được điều này, KTPC có thể phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu.
Những chương trình này sẽ giúp cán bộ ngân hàng hiểu rõ hơn về tiềm năng và cơ hội của các doanh nghiệp đang tận dụng FTA, từ đó không chỉ mở rộng cơ sở khách hàng mà còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn" - ông nói thêm.
Cũng theo ông Cường, một điểm đáng lưu ý là các ngân hàng châu Âu hiện nay áp dụng rất phổ biến các công cụ hiện đại để đánh giá hồ sơ vay vốn và phân tích rủi ro. Những công cụ này dựa trên dữ liệu và tiêu chí khách quan, giảm thiểu sự phụ thuộc vào cảm tính trong quá trình ra quyết định của cán bộ tín dụng.
Nếu các ngân hàng Việt Nam ứng dụng các công nghệ tương tự, sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả tín dụng và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang các thị trường FTA.
KTPC sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cùng mạng lưới các chuyên gia, kể cả chuyên gia người Việt tại châu Âu, để triển khai các chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng. Những chương trình này không chỉ giới thiệu các công cụ hiện đại mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giúp ngành ngân hàng Việt Nam đồng hành hiệu quả hơn với doanh nghiệp trong việc khai thác tối đa các cơ hội mà FTA mang lại.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề quan trọng là đào tạo, cả với cán bộ ngân hàng và doanh nghiệp. Các cán bộ ngân hàng không chỉ cần đào tạo chuyên sâu về tín dụng, mà còn phải hiểu rõ các FTA và quy định quốc tế để có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với việc đào tạo cán bộ ngân hàng, việc hiểu rõ về các hiệp định FTA rất cần thiết, vì mỗi hiệp định lại có những quy định khác nhau. Điều này yêu cầu cán bộ ngân hàng phải nắm vững các quy chế, để có thể hỗ trợ khách hàng chính xác. Nếu không, sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề, đặc biệt là trong những giao dịch xuất nhập khẩu.
Như vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, đặc biệt là trong việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cần đồng thời hỗ trợ ngân hàng và cán bộ tín dụng nâng cao năng lực đánh giá rủi ro và khả năng thu hồi vốn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tạo điều kiện cho các quyết định tín dụng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.
KTPC mong muốn phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức liên quan để triển khai những chương trình hướng đến các doanh nghiệp trong các ngành nghề cụ thể, nhằm giúp họ tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu.