Tỷ giá là tổng hoà của nhiều mối quan hệ, không chỉ liên quan đến xuất, nhập khẩu, nhập siêu, mà còn liên quan đến vay nợ và trả nợ nước ngoài, cung - cầu ngoại tệ… Vì vậy, tỷ giá được ví như một cái “huyệt” quan trọng, “bấm” vào nó để tăng hay giảm sẽ tác động đến các mối quan hệ trên.
Trong cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến vấn đề tỷ giá.
Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm 2008, khi nói về chống lạm phát đã đề cập đến tác động làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước của tỷ giá.
Tại cuộc họp lần này, Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ.
Theo Thủ tướng, không chỉ là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát càng trở nên bất trị mà nghiêm trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.
Tỷ giá là tổng hoà của nhiều mối quan hệ, không chỉ liên quan đến xuất, nhập khẩu, nhập siêu, mà còn liên quan đến vay nợ và trả nợ nước ngoài, đến cung - cầu ngoại tệ, đến nhập khẩu lạm phát và khuyếch đại lạm phát ở trong nước…
Vì vậy, tỷ giá được ví như một cái “huyệt” quan trọng; “bấm” vào nó để tăng hay giảm sẽ tác động đến các mối quan hệ trên.
Trong khi đó, “huyệt” này chịu nhiều sức ép trong đó có bốn yếu tố quan trọng. Yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu, có thể còn được gọi là cái gốc của tỷ giá là nhập siêu, bởi nhập siêu làm mất cân đối cán cân thương mại, làm mất cân đối cán cân thanh toán, tạo sức ép lên tỷ giá.
Nhập siêu trong điều kiện lạm phát của thế giới đang gia tăng sẽ làm phát sinh nhập khẩu lạm phát; nếu tỷ giá tăng sẽ làm cho lạm phát ở trong nước bị khuyếch đại (hàng nhập tính bằng VND sẽ bị tăng kép: vừa tăng do giá tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá tăng).
Nhập siêu năm 2011 phải được hạ xuống, bảo đảm không quá 16% so với kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu đầu năm 18% - tức là giảm mức nhập siêu từ dự kiến trên 14 tỷ USD xuống dưới 12 tỷ USD.
Nhập siêu do 5 yếu tố chính tác động. Một, sản xuất trong nước tiếp tục mất cân đối so với đầu tư và tiêu dùng cuối cùng, thiếu hụt vẫn chiếm trên 10%GDP, trong khi tỷ lệ tiết kiệm/GDP thấp hơn tỷ lệ đầu tư/GDP (năm 2006 là 36,3% so với 41,5%, năm 2009 là 29,2% so với 42,7%, ước năm 2010 là 28,5% so với 41,9%). Mức chênh lệch tăng lên này làm cho vay nợ nước ngoài tăng lên và nhập siêu cũng theo đó mà tăng lên.
Hai, cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển đổi, tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; sản xuất trong nước, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu đã phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu.
Ba, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước thấp, do hiệu quả đầu tư thấp, do năng suất lao động thấp, do chi phí vay vốn cao, chi phí thuê mua mặt bằng sản xuất, kinh doanh lớn, do các chi phí bất hợp lệ, bất hợp pháp còn không nhỏ…
Bốn, việc sử dụng hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật, về phá giá, về an toàn thực phẩm,… của các nước đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng, trong khi của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài lại chưa được làm quyết liệt.
Năm, về tư duy, trong một số cán bộ các ngành, các cấp vẫn cho rằng đối với Việt Nam nhập siêu là tất yếu; một số cơ sở ham giá rẻ trong việc nhập khẩu cho đầu tư, tiêu dùng từ các nước; một bộ phận dân cư sùng bái hàng ngoại, coi nhẹ tiết kiệm,…
Vì vậy, để giảm nhập siêu cần có giải pháp để tác động vào các yếu tố trên. Nghị quyết của Chính phủ về mặt này đã nêu: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Bộ Công thương trong quý II năm 2011 ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung - cầu hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất nhập khẩu; bảo đảm nhập siêu không quá 16%,…
Yếu tố quan trọng thứ hai là do tình trạng găm giữ đô la. Tổng nguồn USD của cả nước không thiếu. Lượng USD trôi nổi trên thị trường cũng không ít, chưa kể lượng vàng nếu được quy đổi ra USD. Tuy nhiên, do tình trạng USD hoá ở Việt Nam khá cao, tình trạng găm giữ USD của doanh nghiệp, người dân, thậm chí của cả một số doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại, hiện rất cao; quan hệ ngoại tệ với ngân hàng thương mại chủ yếu bằng hình thức vay và cho vay, chứ không phải bằng việc mua đứt, bán đoạn. Hiện tượng này phổ biến bởi tâm lý lo ngại rủi ro do biến động tỷ giá, do việc mua, bán chưa thật dễ dàng.
Thủ tướng đã phát đi ba mệnh lệnh, dứt khoát không để tỷ giá thả nổi, dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hoá cứ tiếp tục bất chấp pháp luật như thế này, dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.
Diễn biến thực tế của thị trường đang có xu hướng ổn định trở lại sau quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng và giảm biên độ giao dịch từ ±3% xuống ±1%, rõ nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu đã bán ngoại tệ thu được cho ngân hàng, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do không còn lớn như trước, giá vàng trong nước có xu hướng giảm trở lại và chênh lệch với thị trường thế giới cũng giảm đi nhiều so với trước.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, mà phải được điều hành linh hoạt, thận trọng, có phong cách điều hành phù hợp theo nguyên tắc không thả nổi, giữ trong tầm kiểm soát, ổn định và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.
Theo Chinhphu.vn