Nợ xấu tăng cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực cho duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, việc triển khai thực hiện Nghị định nói riêng và phát triển thủy sản nói chung vẫn gặp nhiều vấn đề như: một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay). Các vấn đề, bất cập trên xuất phát từ việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ; Công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt nhiều chủ tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay đóng tàu; Công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao, nhất là việc đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Một số ngư dân cho đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên có tư tưởng lợi dụng, chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ...
Còn theo báo cáo của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), kết quả thi hành án trong xử lý tài sản là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của cơ quan THADS các tỉnh, thành phố ven biển từ năm 2015 đến tháng 10/2022: Tổng số thụ lý phải giải quyết là 202 việc, tương ứng 2.240 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 129 việc, tương ứng 1.290 tỷ đồng. Số chưa có điều kiện là 73 việc, tương ứng 949 tỷ đồng. Đã giải quyết xong 15 việc, tương ứng 200 tỷ đồng (đạt 11,6% về việc, 15,5% về tiền so với tổng số có điều kiện thi hành).
Nhìn vào các con số trên cho thấy, số tiền phải thi hành liên quan đến tài sản bảo đảm là tàu cá theo Nghị định 67 là rất lớn, nhưng số tiền thi hành được thì lại rất nhỏ (15,5% giá trị về tiền). Số chưa có điều kiện thi hành án còn lại theo Luật THADS, định kỳ cơ quan THA vẫn phải xác minh, xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành (vì người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập để THA) và số này cứ tồn đọng từ năm này qua năm khác, trở thành “gánh nặng” đối với chấp hành viên.
Trước những khó khăn của việc thi hành tài sản bảo đảm là tàu cá, Tổng cục THADS cũng như các cơ quan THADS địa phương đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ, như tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường công tác xác minh, phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng đặc biệt là phía ngân hàng để thi hành án. Thực tế có nhiều địa phương có những cách làm rất sáng tạo, nhờ đó xử lý nhanh tài sản là tàu cá, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do càng để lâu, hư hỏng thiệt hại càng nặng nề. Tuy nhiên, đó là những giải pháp trước mắt, lâu dài cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn.
Đề xuất cơ cấu lại thời gian trả nợ
Chấp hành viên kiểm tra tàu cá đang nằm bờ. |
Từ những thực tế nêu trên, nhiều địa phương đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trình Chính phủ xem xét ban hành theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá. Theo đó, các chủ tàu vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 chưa trả nợ đúng hạn cho ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Trong trường hợp chủ tàu không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản (chủ tàu kinh doanh thua lỗ kéo dài, không có biện pháp/khả năng khắc phục), không trả được nợ vay đúng hạn cho ngân hàng thương mại thì cho phép chuyển nhượng tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67. Tuy nhiên, chủ tàu mới phải có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác thủy sản và được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận. Chủ tàu mới mua lại tàu trên cơ sở kết quả xác định giá tàu của tổ chức thẩm định giá, thỏa thuận thống nhất giữa chủ tàu cũ, chủ tàu mới, ngân hàng thương mại. Chủ tàu mới được ngân hàng thương mại xem xét cho vay để thanh toán một phần chi phí mua tàu (nếu có nhu cầu) theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép do hiện nay công tác này còn những hạn chế, bất cập. Một số tàu cá vỏ thép hoạt động trên 30 tháng đã đến chu kỳ kiểm tra, tuy nhiên các chủ tàu chưa thực hiện đưa tàu lên đà sửa chữa, duy tu theo quy định, dẫn đến nhiều tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu. Đồng thời xem xét, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Nghị định 67 để ngư dân dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ duy tu bảo dưỡng định kỳ vì hiện nay thủ tục này theo phản ánh của ngư dân còn rất rườm rà, phức tạp.
Các cơ quan liên quan cần sớm tổ chức đánh giá, rà soát lại toàn bộ chủ tàu được hỗ trợ vay vốn, từ đó xác định, chủ tàu nào hoạt động có hiệu quả thì sẽ được tiếp tục hỗ trợ các chi phí bảo hiểm, tiền dầu, trang thiết bị bảo đảm hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận. Với các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, tàu nằm bờ, cố tình không trả nợ, các địa phương cần phối hợp với cơ quan THADS và các ngân hàng để xử lý dứt điểm.
Bộ Tư pháp phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ tình hình thực tiễn, xem xét thực hiện việc miễn giảm (nhất là phần lãi đối với khoản vay) theo đúng quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức tín dụng, bảo đảm xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài; Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) và các cơ quan chuyên môn cần có phương án đào tạo hợp lý nâng cao kiến thức và kỹ năng vận hành, sử dụng tàu vỏ thép; đào tạo hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt theo công nghệ mới cho thuyền viên để giúp chủ tàu bảo đảm nguồn nhân lực tổ chức sản xuất hiệu quả.
Các cơ quan THADS trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình cần chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp, đề xuất các giải pháp xử lý tài sản là tàu cá bảo đảm tiến độ, hạn chế các thiệt hại do các vụ việc bị kéo quá dài, tài sản bị xuống cấp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc xác minh tài sản bảo đảm; trong việc xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ miễn giảm, giãn số nợ (gốc, lãi) đối với các khoản nợ còn lại sau khi bán tài sản thế chấp không đủ trả nợ cho ngân hàng và tăng cường tuyên truyền pháp luật về THADS để người dân tự nguyện chấp hành; tăng cường năng lực cho các chấp hành viên, bảo đảm xử lý hiệu quả những vụ việc thu hồi nợ bằng tài sản bảo đảm là tàu cá...