Bác sỹ cảnh báo: 'Chơi bóng cười, cô ấy bắt đầu có giọng nói khàn và ria mép mọc dài'

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - TS.BS Trần  Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Một thanh niên thường xuyên bị viêm họng và mất giọng nói "nam tính" của mình sau một thời gian sử dụng bóng cười. Và bạn gái của anh, sau những lần chơi bóng cười đã bắt đầu có giọng nói khàn và ria mép mọc dài tới mức cô ấy phải cạo râu hàng tuần.

Cười thả phanh chỉ với 25.000 đồng

Bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Chất khí nitrous oxide khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. 

Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên, cứ làm như vậy 4 – 5 lần. Khí cười N2O theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí bật cười thích thú, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái.

Ở một số nước Châu Âu, đây là chất kích thích được bán hợp pháp tại các bar, hộp đêm. Nhưng bên cạnh việc được hợp pháp hóa, các bác sĩ tại đây vẫn khuyến cáo giới trẻ không nên sử dụng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh người sử dụng, hệ tim mạch mà nặng hơn là không kiểm soát được bản thân, trầm cảm dẫn đến thiệt mạng. 

Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng nó chỉ thực sự trở thành cơn sốt của giới trẻ trong một vài năm gần đây. Đặc biệt, số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả "bóng cười" không cao, chỉ từ 20.000 đồng - 50.000 đồng/quả. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là dân chơi cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.

Tại các quán bar trên Hà Nội, không khó để tìm thấy hình ảnh những nam thanh nữ tú hít hà những quả bóng nhiều màu, ôm nhau cười ngặt nghẽo, cùng lắc lư theo điệu nhạc.

22h, tại một quán bar trên phố Trần Nhật Duật (Hà Nội), tiếng nhạc sập sình, các nam thanh nữ tú lắc lư theo điệu nhạc. Càng về khuya, lượng người vào quán càng đông. Xen lẫn tiếng nhạc là những tiếng hò hét, những tiếng cười không ngừng nghỉ từ nhiều hướng khác nhau. 

Nhìn về hướng quầy bar, một nhân viên phục vụ nam đang bơm những quả bong bóng đủ màu rồi đưa cho khách. Hầu hết, mọi người trong quán bar trên tay đều cầm ít nhất 1 quả bóng, có người còn gọi nhiều lần. Các nam thanh nữ tú hít quả bóng đủ màu sắc rồi ôm nhau vừa lắc theo điệu nhạc vừa cười một cách điên cuồng.

 Khách gọi và sử dụng bong bóng sẽ phải gửi tiền luôn sau khi nhận bóng. Một quả bóng tại đây được bán với giá 50.000 đồng/quả. Với số tiền bỏ ra vừa phải để có được một quả “bóng cười” nên các bạn trẻ thoải mái sử dụng để phục vụ nhu cầu bản thân. Khách hàng muốn sử dụng bao nhiêu đều được đáp ứng bấy nhiêu.

Theo Anh Tuấn (một khách hàng có mặt tại quầy bar và cũng là một tay chơi thường xuyên sử dụng bóng cười) cho biết: “Đây là bóng cười. Giờ vào bar mà không biết đến những loại này thì quê lắm. Nhạc vui thế này phải thêm một quả bóng cười thì mới thêm vui. Hít 1 quả bóng thôi thì bao nhiêu buồn phiền cũng tan biến hết, các cuộc vui cùng bạn bè cũng trở nên hưng phấn hơn”.

Tuấn cũng cho biết thêm: “Khi sử dụng bóng cười đầu tiên sẽ có cảm giác lâng lâng, sảng khoái và sau đó sẽ là những trận cười bất tận. Không hiểu sao sử dụng bóng cười bọn em lại thấy thông tường và có hứng với chuyện thiên hạ hơn. Lũ bạn em bình thường chẳng bao giờ thấy bàn đến chuyện chính trị nhưng sau khi sử dụng bóng cười thì chúng nó chém gió từ chuyện bầu cử Mỹ, chiến tranh Syria một cách rất rôm rả”.

Không chỉ có mặt trong các quán bar mà ngay cả những quán nước vỉa hè trên phố cổ Hà Nội cũng bày bán mặt hàng này. Chỉ cần 1 chiếc bàn với vài ba chiếc ghế, các bạn trẻ vô tư hít những trái bóng đủ màu sắc trên hè phố.

Do bán ở vỉa hè nên giá của những quả bóng cười cũng mềm hơn. Chỉ với 25.000 đồng – 35.000 đồng, các bạn trẻ có thể cười thả ga với thú chơi mới này. Nếu có nhu cầu sử dụng “bóng cười”, chỉ cần nói với nhân viên của quán thì ít phút sau sẽ có “hàng” ngay lập tức.

Bất ngờ hơn khi bóng cười còn được bán dạo ngay tại các tuyến phố cổ. Một số thanh niên đi xe máy treo biển “bóng cười giá 25k/quả”, giao bán hàng dọc các tuyến phố. Và không ít bạn trẻ vì tò mò nên cũng thử.

Mai Anh (một khách hàng của dịch vụ bóng cười dạo) cho hay: “thấy người ta bán trên phố đi bộ, mà trông nó cũng hay hay nên mình cũng thử. Sau 1 trận cười xong thấy người vẫn bình thường nên chắc không sao”.

Mua bán công khai

Việc mua bán, kinh doanh bóng cười cũng khá công khai và để mua loại bóng này là điều không hề khó. Theo một số dân buôn, “bóng cười” du nhập vào Việt Nam bằng con đường du lịch của Tây balô vào khoảng năm 2010. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn có mặt ở nước ta, nhiều đại lý kinh doanh “bóng cười” trong nước “mọc lên như nấm sau mưa”.

Chỉ cần gõ cụm từ “bán bóng cười” trên công cụ tìm kiếm google, bạn sẽ tìm thấy hàng loạt các địa chỉ, cửa hàng kinh doanh bóng cười với những lời rao kích thích sự tò mò “Dân chơi thứ thiệt mới chơi loại này”; “Cafe bóng cười cực chất giá lại mềm”; “Hãy để lại những khoảnh khắc đẹp và vui vẻ bên bạn bè cùng funkyball”...

Trên một trang web bán bóng cười, người bán đưa ra những lời quảng cáo hết sức bóng bẩy về bóng cười: “Bạn đang muốn vui tới bến cùng nhóm bạn, bạn đang cần cho cô nàng đang cưa cười thả ga hay bạn đang thất tình muốn giải sầu. Hãy để bóng cười Funky giúp bạn thực hiện những điều đó.

Với một liều lượng vừa đủ được nạp vào cơ thể, khí N2O gây hưng phấn, sảng khoái, gây cười, tạo không khí vui vẻ, dễ gắn kết mọi người trong các bữa tiệc, hoặc giảm stress khi vui chơi tại bar, club, karaoke…”

Để khách hàng tin tưởng sử dụng, người bán hàng còn khẳng định chắc nịch: “Đặc biệt bóng cười không gây nghiện, an toàn với sức khỏe. Do vậy khí cười N2O là chất kích thích được bán hợp pháp tại các hộp đêm tại một số nước châu Âu”.

Trên trang web này còn cẩn thận đăng cả clip về cách hướng dẫn sử dụng bóng cười. Theo đó, người dùng sẽ lắp những bình khí cười vào một thiết bị bơm chuyên dụng, sau đó bơm khí vào trái bóng cười. Người chơi chỉ cần ngậm vào đầu quả bóng, hít vào và thổi ra khoảng 4-5 lần. Và sau đó là sự xuất hiện của những trận cười thả ga.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua bóng cười với số lượng lớn PV được Vũ – chủ một cửa hàng bán bóng cười tại Hà Nội mời chào: “Khí nén dạng chai mini bên em bán giá rẻ nhất Hà Nội, chỉ 25.000 đồng. Có loại bình khí ga bóng cười 5kg thổi được từ 250 – 350 quả thì có giá hơn 2 triệu. Loại bình lớn hơn nữa 20kg, thổi được 1000 – 1200 quả thì có giá hơn 6 triệu”.

Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn về giá, anh ta trấn an: “Mình bao giá ở Hà Nội, bọn mình chốt giá rẻ nhất rồi. Hơn nữa nếu mua nhiều thì sẽ có ưu đãi giảm giá. Bạn chắc chắn mua thì mình sẽ báo giá cho”. Vũ còn cho biết thêm “giá bây giờ còn rẻ hơn hồi mới có nhiều rồi. Trước kia mình bán toàn hơn triệu cho 1 kg khí”.

Khi PV thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của bóng cười, Vũ nhanh nhẹn trả lời: “Hàng được nhập từ Ý và Mỹ, ống màu xanh của Ý, ống màu trắng của Mỹ, không gây hại đến sức khỏe, bên nước ngoài người ta được sử dụng công khai”.

Tuy nhiên, theo lời của dân “nghiền bóng cười”, thì loại khí cười nhập khẩu có rất ít và giá thường cao hơn. Loại khí này được nhập dưới dạng nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm, đồ uống (khí tinh khiết hoặc hỗn hợp), có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Còn loại khí cười được bày bán tại quán bar, cà phê chủ yếu là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Nụ cười ảo, hiểm họa thật

Những người kinh doanh bóng cười vẫn luôn khẳng định thú vui này không ảnh hưởng đến sức khỏe và họ chứng minh bằng việc tự mình sử dụng trong các cuộc vui với bạn bè. Còn người chơi thì thấy pháp luật không cấm, nước ngoài vẫn sử dụng nên cũng vô tư sử dụng mà không để ý đến những tác hại.

TS.BS Trần  Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Trong bóng cười có nitơ oxit. Đó là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Khí N2O khi hít vào sẽ thẩm thấu qua niêm mạc, các tuyến nang ở trong phổi rồi đi vào máu lên não và kích thích vào trung tâm thần kinh gây cười. Cũng vì thế mà dù không có lý do gì cả nhưng cứ hít phải khí này thì người ta cười. Hiện nay khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau.

Nếu sử dụng khí N2O với nồng độ thấp sẽ tạo ra sự phấn khích cho con người. Tuy nhiên, sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, mệt mỏi, uể oải thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê pha ma túy. Sử dụng nhiều dễ dẫn tới trầm cảm, thậm chí có thể sẽ gây nghiện. 

“Còn việc hít khí oxit nitơ trực tiếp từ một hộp gây giảm lưu lượng oxy tới não, hoặc một bộ phận của cơ thể. Nếu oxy không được cung cấp đầy đủ liên tục trong một vài phút có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. Chơi bóng cười có thể gây tử vong cho người đang có bệnh hen suyễn hoặc bệnh về đường hô hấp khác, vì khí từ bóng cười có thể làm người sử dụng bị ngạt thở”, TS Thu phân tích.

Đồng thời, bóng cười cũng nguy hiểm khi dùng đồng thời với chất gây nghiện khác như thuốc lắc. Sự kết hợp có thể gây lú lẫn, đau đầu và có thể tử vọng nếu hiệu ứng như vậy kéo dài trong 2-3 phút. Thậm chí, khi sử dụng lâu dài, bóng cười có thể gây ra mất trí nhớ.

“Một người sử dụng bóng cười đã cho biết anh thường xuyên bị viêm họng và mất giọng nói "nam tính" của mình sau một thời gian sử dụng bóng cười. Bây giờ giọng anh nghe giống như một cô gái và bạn gái của anh, sau những lần chơi bóng cười (hít nitrous oxide) đã bắt đầu có giọng nói khàn và ria mép mọc dài tới mức cô ấy phải cạo râu hàng tuần”, TS Thu kể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết tác động của nitơ oxit trên hormone vẫn chưa được xác minh rõ ràng. “Có khả năng bóng cười được pha chế N2O với nhiều loại khí khác để tăng cường cảm giác hưng phấn và dẫn đến sự thay đổi về nội tiết”, BS Thu cảnh báo.

Đọc thêm

Nghiên cứu ADN mở ra cơ hội mới trong điều trị ung thư

Nghiên cứu ADN mở ra cơ hội mới trong điều trị ung thư
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra rằng quá trình sửa chữa ADN có thể xác định cách các tế bào ung thư chết sau xạ trị, từ đó giúp cải thiện tỷ lệ điều trị và chữa khỏi ung thư.

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.