Chúng tôi gặp Bách trong một ngày tháng 10 trời lạnh và mưa tầm tã. Thời tiết Hà Nội trở lạnh thất thường khiến một bác sĩ trẻ khỏe mạnh như Bách cũng phải đầu hàng. Bệnh cảm cúm khiến bác sĩ Bách phải mặc thêm một chiếc áo khoác dày cộp bên trong chiếc áo blouse trắng.
Công việc bận rộn khiến Bách chỉ có thể dành ra 30 phút chóng vánh để ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Anh mời chúng tôi vào căn phòng làm việc hàng ngày trên bệnh viện, căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn khoảng 10 mét vuông, đủ để kê 1 chiếc giường tầng và 1 bộ bàn ghế...
Bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề y, sớm được tiếp xúc với môi trường y tế song lựa chọn ban đầu của Bách lại là trường Đại học Giao thông Vận tải.
“Bố tôi sau khi đi chiến trường Miền Nam về lại không có cơ hội học ngành y nên đã chuyển qua học Giao thông vận tải. Trong cuộc sống hàng ngày tôi cũng giúp đỡ bố nhiều trong các công việc sửa chữa chính vì thế mà tôi có đam mê với việc các loại thiết bị, máy móc và mong muốn trở thành kỹ sư”, Bách chia sẻ.
Với những đóng góp thiết thực, ý nghĩa của mình cho cộng đồng, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách 31 tuổi (Phòng C3, Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) vinh dự nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý. Là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2022, Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2021” của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021 và xuất sắc lọt Top 10 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 và rất nhiều bằng khen của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, sang đến thế hệ thứ 3 của gia đình chưa có người nối nghiệp nên ông nội của Bách luôn trăn trở và mong muốn một trong những đứa cháu của mình sẽ tiếp tục công việc ấy. Và rồi qua những bài kiểm tra, ông đã nhìn thấy những tiềm năng trong con người Bách.
“Mặc dù khi đó tôi đã đậu vào Đại học Giao thông Vận tải và bắt đầu đi học rồi nhưng ông nội vẫn kiên quyết thuyết phục bố cho tôi chuyển sang học y”.
Để chuyển sang ngành y là một điều cực kỳ khó khăn với Bách. Suốt nhiều đêm anh trăn trở suy nghĩ về nghề y – một trong những nghề cao quý như vậy chắc chắn sẽ có những thách thức lớn. Rồi làm sao để vượt qua những “cây cao bóng cả” của gia đình? Nhưng nhờ sự động viên hết lòng của ông nội, cuối cùng Bách cũng tìm được cảm hứng với công việc cứu chữa người bệnh sau suốt nhiều đêm tìm tòi, nghiên cứu...”, Bách nhớ lại.
Những nỗ lực không mệt mỏi năm cuối cấp giúp Đỗ Doãn Bách được cử đi học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y khoa Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài, anh trở về nước, tiếp tục theo học chuyên sâu ngành tim mạch tại Đại học Y Hà Nội và về công tác tại Viện Tim mạch, BV Bạch Mai.
Chia sẻ về lý do chọn đi sâu vào nghiên cứu chuyên ngành tim mạch, Bách tâm niệm “Trái tim cũng như một ngôi nhà cũng có cửa, có đầy đủ đường điện, đường nước. Van tim như cánh cửa luôn đóng mở, đường nước là mạch máu nuôi quả tim, đường điện chính là luồng điện giúp trái tim hoạt động. Và khi là một bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì mình cũng giống như những người kỹ sư vậy”.
Bên cạnh công tác chuyên môn, bác sĩ Bách cũng tham gia nghiên cứu và phát triển các đề tài Nhà nước liên quan đến bộ môn Tim mạch. Anh cũng cùng nhiều đồng nghiệp tổ chức các hoạt động cộng đồng như khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ em.
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, tháng 3/2020, bệnh viện Bạch Mai phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 và bị phong tỏa. Bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp phải cách ly ở bệnh viện 21 ngày. Trong thời gian này, anh tích cực tìm hiểu sâu về virus SARS-CoV-2, đồng thời, đưa thông tin chính thống về căn bệnh lên trang cá nhân để người dân không bị hoang mang, hiểu nhầm về đại dịch.
Tự hào vì tuổi trẻ được cống hiến hết mình
Tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng, y tế địa phương bị quá tải trầm trọng, hàng chục nghìn cán bộ y, bác sĩ, tình nguyện viên trên cả nước được kêu gọi và được điều động vào hỗ trợ các tỉnh, thành phía nam. Như nhiều bác sĩ trẻ khác, bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách cũng đăng ký xung phong vào Nam chống dịch.
Khoảng 5 giờ sáng tôi đang trong ca trực đêm thì nhận cuộc điện của Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện thông báo phải gấp rút lên đường vào miền Nam chi viện. Sau đó tôi tức tốc về nhà thu dọn vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân để lên đường, đến 8 giờ tôi đã có mặt tại Bệnh viện để tập hợp chuẩn bị lên máy bay, Bách kể lại.
“Tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Ngồi trên máy bay, tôi thấy trong mình hừng hực sức trẻ và tự hào vì biết những việc mình làm đều có ích cho xã hội. Mặc dù biết cuộc chiến sẽ khốc liệt, với nhiều gian nan, vất vả. Nhưng tôi biết nơi ấy, người dân, người bệnh đang rất cần mình…”, bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách bộc bạch.
Với vai trò là bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng tại bệnh viện Dã chiến số 16 TP HCM do bệnh viện Bạch Mai phụ trách, đối với Bách, những ngày tháng khoác lên mình các bộ đồ bảo hộ, chứng kiến lằn ranh sinh tử mong manh của các F0 nặng, nỗ lực cùng đồng nghiệp cứu chữa cho họ... là những trải nghiệm mà cả đời anh không thể nào quên được.
Trong những ngày tháng chống dịch đầy gian nan, khó khăn ấy, bệnh nhân để lại ấn tượng, khiến Bách cảm thấy day dứt nhất là trường hợp một sản phụ vừa sinh và con chị đều bị F0.
Bác sĩ Bách cho biết, khi cả hai cùng sốt và người mẹ trở nặng, anh đã phải huy động thêm người đến hỗ trợ. Khi người mẹ chuyển sang nguy kịch, y tế địa phương không thể giải quyết được, bác sĩ Bách đã cố gắng hỗ trợ đưa chị vào Bệnh viện dã chiến 16 để điều trị.
Mặc dù lúc đó bác sĩ cũng không dám chắc có ca nào xuất viện để nhường giường cho bệnh nhân hay không. Nhưng bác sĩ Bách vẫn quyết định hỗ trợ và cuối cùng đã sắp xếp được giường bệnh. Sau đó, bác sĩ Bách đã trực tiếp đặt ống nội khí quản, điều trị cho bệnh nhân. Song điều đáng buồn là bệnh nhân vì đã trở nặng nhanh nên không thể qua khỏi.
"Đó là điều mà tôi và các cộng sự vô cùng tiếc nuối, chúng tôi lại chứng kiến có thêm một trẻ em nữa trở thành mồ côi vì dịch bệnh", Bác sĩ Bách tiếc nuối chia sẻ.
Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành – đồng hành cùng Nhân dân
Ngoài công việc là một bác sĩ trực tiếp chống dịch, Đỗ Doãn Bách cũng là một trong những thành viên sáng lập và vận hành Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khởi xướng, nhằm hỗ trợ, đồng hành giúp đỡ F0 từ xa.
Lý giải về tầm quan trọng của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Bách cho rằng: “Người dân, khi nhiễm COVID-19 dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ vì quá nhiều ca tử vong. Họ cố gắng để có thể liên lạc được với y tế cũng như làm sao để vào bệnh viện điều trị càng nhanh càng tốt. Điều này gây nên tình trạng quá tải trong bệnh viện, khiến cho những bệnh nhân nặng không còn giường để điều trị kịp thời. Bởi vậy, mục đích của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành là tiếp cận sớm với người bệnh COVID-19, sàng lọc, tư vấn y tế và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân cả thể chất và tinh thần. Đồng thời, phối hợp với y tế địa phương để hỗ trợ nhập viện cấp cứu với các bệnh nhân nặng”.
Mạng lưới chỉ mất khoảng 10 ngày xây dựng và đưa hệ thống đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/8 - 10/10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành đã thực hiện hơn 1 triệu cuộc gọi thành công với 3 triệu phút gọi… Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại Bình Dương do bác sĩ Bách trực tiếp vận hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân và gọi 200.000 cuộc thành công với 450.000 phút đàm thoại.
Qua hệ thống công nghệ, các bác sĩ và tình nguyện viên tiếp nhận thông tin bệnh nhân từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương. Từ đó tư vấn, phân loại bệnh nhân theo thang từ 1 đến 4, hướng dẫn và trấn an bệnh nhân, hạn chế các trường hợp tử vong do không được tiếp cận y tế kịp thời. Với những trường hợp bệnh nhân trở nặng thì sẽ được điều phối, liên hệ y tế địa phương giúp bệnh nhân sớm được chuyển tới bệnh viện điều trị.
Bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách – đặt nhiệm vụ cứu chữa người bệnh lên hàng đầu. |
Với cường độ làm việc liên tục, 8 tiếng một ca, thời gian còn lại bác sĩ Bách lại tham gia vào Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, thời gian một ngày của anh đã gần như không còn nữa.
"Một ngày tôi nhận tới 100 cuộc điện thoại cầu cứu từ bệnh nhân, thực sự rất áp lực. Nhiều công việc cứ cuốn tôi đi, tôi cũng quên luôn cảm giác bị đói bụng. Nhưng chỉ những lúc bận rộn, những lúc làm việc hết mình và được nghe tin vui từ bệnh nhân, họ gửi lời động viện cảm ơn tới các y, bác sĩ... lúc đó chúng tôi lại có động lực để làm việc hết mình, dù có áp lực đến đâu", Bách tự hào chia sẻ.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đang được chuyển giao cho Bộ Y tế và bắt đầu bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội. Anh hy vọng đây sẽ là tiền để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.
Luôn tuân thủ quy tắc khám chữa bệnh theo quy định pháp luật
Trong suốt những năm tháng công tác tại bệnh viện Bạch Mai, Thạc sĩ – Bác sĩ Đỗ Doãn Bách luôn tuân thủ những quy tắc khám chữa bệnh chung cũng như đặt ra cho mình những nguyên tắc riêng.
Anh hiểu rằng không ai muốn mình phải nhập viện và một khi đã vào viện thì bệnh nhân sẽ luôn ở trạng thái lo lắng, mất bình tĩnh. Do đó, khám chữa bệnh luôn cần phải có trình tự, sẽ không có bất kỳ sự ưu tiên nào nếu không phải trường hợp cấp cứu đặc biệt.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời dựa trên nghị định Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế sau khi dịch COVID-19 bùng phát, vậy nên bác sĩ Bách và những người cộng sự của mình cũng luôn cố gắng để tuân thủ đúng những quy định đã đề ra.
“Khi tư vấn cho bệnh nhân, chúng tôi sẽ cho bệnh nhân điền vào từ khai báo để căn cứ vào đó để đưa ra nhận định. Các bác sĩ hoàn toàn không được đưa ra hướng dẫn điều trị hay kê đơn qua điện thoại vì đây là vi phạm pháp luật. Trong quá trình điều trị, toàn bộ những thông tin cá nhân của bệnh nhân sẽ được giữ bí mật. Đặc biệt, trước khi làm việc tất cả các bác sĩ đều phải ký cam kết bảo mật thông tin người bệnh”, bác sĩ Đỗ Doãn Bách khẳng định.
Bất kỳ một lĩnh vực nào cũng cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, ngành y tế cũng không ngoại lệ. Bác sĩ Đỗ Doãn Bách tâm niệm: “Một khi đã khoác lên mình chiếc áo trắng blouse thì cũng là lúc khoác lên mình trách nhiệm của một lương y. Vậy nên các bác sĩ chúng tôi luôn tuân thủ đúng những quy định của pháp luật, đặt nhiệm vụ cứu chữa người bệnh lên hàng đầu”.