Được đăng ký hành nghề ngoài giờ
Ngày 7/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2019/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ 50) quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/7/2019, thay thế Thông tư số 18/2014/TT-BQP ngày 17/4/2014 của Bộ Quốc phòng quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.
Về phạm vi điều chỉnh, NĐ 50 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng; Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng; Đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.
Nghị định này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc đăng ký hành nghề, Điều 13 NĐ 50 quy định, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng. Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, không được đồng thời phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc Bộ Quốc phòng.
Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng được đăng ký hành nghề ngoài giờ và làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ không thuộc Bộ Quốc phòng. Thủ tục đăng ký hành nghề thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc Bộ Quốc phòng nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.
Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng không được đăng ký là người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.
Mỗi năm, người hành nghề phải tham gia tối thiểu 24 tiết học
Theo NĐ 50, hàng năm, người hành nghề phải tham gia đào tạo tối thiểu 24 tiết học cập nhật kiến thức y khoa liên tục thường xuyên trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề được tham gia các khóa cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Về nhân lực, theo Điều 16, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của khoa chuyên môn đó.
Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.
Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Quốc phòng quyết định.
Trường hợp người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy phép hoạt động trước thời điểm NĐ 50 có hiệu lực thì thực hiện theo Thông tư số 18/2014/TT-BQP.