Tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bắc Kạn có lợi thế, tiềm năng lớn về nông, lâm nghiệp, với tổng diện tích hơn 413 nghìn ha đất lâm nghiệp, hơn 44 nghìn ha đất nông nghiệp, cộng với lượng nước mặt ước tính hơn 3,4 tỷ m3/năm đã hội đủ điều kiện cơ bản để phát triển các vùng nông, lâm nghiệp. Do đó, Bắc Kạn cũng luôn xác định đây là lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong những năm qua, Bắc Kạn đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa, có địa chỉ đầu ra. Nhờ đó, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về trồng rừng, đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Tỉnh Bắc Kạn phát triển nông nghiệp bền vững, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ |
Từ năm 2016 đến 2020, Bắc Kạn cũng chuyển giao khoa học kỹ thuật theo Chương trình 135 và 30a cho 06 xã với 14 lớp tập huấn cho 750 nông dân; tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn, chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm cho 15 mô hình. Tỉnh đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng thực hiện hơn 20 dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông sản, đặc sản.
Thông qua các đề tài, dự án, Bắc Kạn có sáu sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo Bao thai Chợ Ðồn, miến dong, cam, quýt, gạo nếp Khẩu nua Lếch, hồng không hạt. Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, miến dong Tài Hoan và Nano curcumin Bắc Hà đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia. Có hơn 120 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm có mặt ở thị trường các thành phố lớn, như: Gạo nếp Khẩu nua Lếch, cucurmin nghệ, miến dong...
Cho đến nay, tỉnh đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt. Bắc Kạn cũng trở thành điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp và thực hiện chương trình mỗi làng xã một sản phẩm (OCOP).
Bắc Kạn còn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, trong tổng số hơn 372.000 ha đất nông nghiệp có rừng, tỉnh có tới khoảng 100.000 ha rừng trồng. Trong đó, có hơn 17 nghìn ha rừng gỗ lớn, có gần 1.000 ha rừng có chứng chỉ FSC. Tỉnh hiện cũng có 354 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản với công suất 241.512 m3 gỗ, 9.460 tấn lâm sản ngoài gỗ. Đến năm 2020, khối lượng gỗ khai thác đạt 224.160 m3, tổng giá trị lâm sản khai thác đạt hơn 700 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị của lâm sản gỗ chiếm hơn 80%.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng chú ý, song thực tế cho thấy, giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thấp, quy mô vẫn nhỏ, lẻ, thiếu ổn định, chậm phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản... Đây là những hạn chế khiến ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh khó phát triển bền vững.
Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững
Xác định nông, lâm nghiệp là ngành sản xuất chủ lực, tháng 3/2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hướng chủ đạo được xác định là phát triển sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, đổi mới quan hệ sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị. Đồng thời, Bắc Kạn cũng xác định phát triển nông, lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm đặc sản, hữu cơ.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Một trong những chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII dự kiến sẽ triển khai trong nhiệm kỳ là "Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".
Theo đó, trong giai đoạn năm 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao...; có 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Mục tiêu đặt ra cho các sản phẩm cây ăn quả là 100% diện tích phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ...
Miến dong là một trong những sản phẩm tỉnh Bắc Kạn hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ |
Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ bám sát nội dung Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng giúp gắn kết giữ giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền và sản xuất nông nghiệp. Mang đến một loại hình dịch vụ thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nông thôn cho du khách. Các hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Sự kết giữa nông nghiệp với du lịch cũng là cơ hội quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường...
Với định hướng ưu tiên phát triển ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước nâng cao đời sống vật chất của người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm 2,46%/năm, góp phần đưa mục tiêu xây dựng nông thôn mới sớm về đích.