Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, trong ngày 17/9 đến ngày 23/9, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân có triệu chứng sốt. Sau khi được sàng lọc loại trừ COVID-19, bệnh nhân được chuyển vào khoa lâm sàng.
Tại đây, các bệnh nhân tiếp tục được thăm khám, làm các xét nghiệm và được chỉ định cấy máu gửi lên Khoa Vi sinh. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei trên mẫu máu.
Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh Whitmore được thực hiện dựa trên các xét nghiệm nuôi cấy, phân lập và định danh vi khuẩn trong máu, nước tiểu, đờm hoặc tại phần da bị tổn thương… Đa phần các bệnh nhân vào trong trường hợp sốt cao chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân được tìm các nguyên nhân qua khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và cấy máu ngay trong cơn sốt để tìm ra loại vi khuẩn gây bệnh.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phân lập được 5 ca bệnh nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei gây ra bệnh Whitmore.
Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, tiến triển nhanh, khó chẩn đoán. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ CKII. Đỗ Quốc Tuấn – Trưởng khoa vi sinh cho biết: “Bệnh Whitmore thường ít gặp, các triệu chứng lâm sàng không điển hình. Để chẩn đoán xác định cần cấy máu vi khuẩn. Do vậy, để phục vụ cho phân lập vi khuẩn B. pseudomallei cần được chỉ định nuôi cấy vi khuẩn càng sớm càng tốt với các bệnh phẩm phù hợp từ các vị trí nhiễm khuẩn hoặc cấy máu, đặc biệt, chỉ định nuôi cấy trước khi dùng kháng sinh. Với chuyên khoa Vi sinh, việc nuôi cấy và xác định vi khuẩn B. pseudomallei, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị máy và hoá chất cho xét nghiệm thì kinh nghiệm thực hành là yếu tố rất quan trọng để đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh Whitmore”.
Các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo cách phòng chống bệnh Whitmore như sau:
Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, khi cần tiếp xúc cần sử dụng đồ bảo bộ (găng tay, ủng…) đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.