Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật mà nói thì đây là cái ác thực sự, cái ác thường trực trong mỗi con người mà thay vì cảm hóa, chuyển biến nó bằng suy nghĩ thiện, việc thiện, nhân tính thì người ra lại nuôi dưỡng nó, để nó bộc lộ. Điều này thực sự đã gióng lên hồi chuông báo động về sự phi nhân tính, phi đạo đức đang “lên ngôi” trong mỗi gia đình, mỗi thành viên gia đình, nhất là ở những người bà, người mẹ. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã bày tỏ suy nghĩ lý giải vấn đề.
- Bà Trần Thị Hương: Bản thân tôi là một người mẹ và tôi thực sự không thể tin được khi nhìn hình ảnh các vết thương trên người các cháu bé, nhưng tôi nghĩ vết thương về tinh thần của các cháu còn đau đớn và dai dẳng hơn nhiều.
Cũng có rất nhiều ý kiến cố gắng lý giải nguyên nhân như sự cách biệt giữa các thế hệ ngày càng rộng cùng với nhịp sống hối hả cạnh tranh khiến mọi người không còn thời gian cho gia đình, dành cho nhau. Xu thế gia đình hạt nhân khiến cho nhiều cha mẹ phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường hoặc người giúp việc mà buông lỏng trách nhiệm giáo dục gia đình. Tôi cho rằng còn một lý do nữa là việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ tâm lý trong khi áp lực cuộc sống ngày càng tăng, sự thiếu chuẩn bị về tâm lý cho những người trong cuộc khi gia đình ly hôn hoặc tái hôn cũng khiến cho người ta không biết cách xử lý khủng hoảng tâm lý.
Những vụ việc này thực sự đang đặt ra yêu cầu ngày càng cấp thiết phải có các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ cách trò chuyện với con khi gia đình trải qua các giai đoạn khó khăn cũng như hoạt động tư vấn tâm lý cho tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, ngay từ quá trình làm thủ tục ly hôn.
Vụ việc cháu bé K. ở Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ vỡ lở đã cho thấy một sự thật là ông bà nội, ngoại, mẹ đẻ 2 năm liền không gặp mặt cháu dù ở cùng một thành phố. Tất nhiên, người trong cuộc ai cũng có lý do biện minh cho việc một thời gian dài không gặp con cháu mà không thấy sốt ruột, thắc mắc. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng từ vụ việc này có thể thấy mối quan hệ gia đình hiện nay đã trở nên lỏng lẻo, lỏng lẻo đến nỗi mà việc không gặp người thân trong một thời gian dài (không phải vì lý do đi xa), ông bà không gặp cháu, mẹ không gặp con… mà người ta cũng cảm thấy bình thường, không sốt ruột. Phải chăng vai trò của những người phụ nữ trong gia đình vốn được coi là mối dây kết nối tình thân với bản năng làm bà, làm mẹ đã trở nên mờ nhạt, hay còn vì lý do gì khác. Bà có cái nhìn như thế nào từ góc độ tổ chức Hội của những người phụ nữ?
- Bà Trần Thị Hương: Câu chuyện của cháu bé K ở Hà Nội trong mấy ngày gần đây thực sự là rất đau lòng. Tôi được biết rằng mẹ cháu bé đã rất cố gắng để liên lạc với con nhưng đều bị người cha ngăn cản. Có thể nói là quyền thăm con sau khi ly hôn của người mẹ đã bị vi phạm. Qua theo dõi nhiều vụ việc cũng như các đơn thư mà Hội LHPN Việt Nam nhận được, chúng tôi thấy rằng nhiều phụ nữ đang gặp khó khăn vì người chồng cũ đã không thực hiện đúng bản án ly hôn về quyền thăm con, chi phí nuôi con, phân chia tài sản… Do đó, rất cần quan tâm đến việc tăng cường bảo đảm thi hành án sau ly hôn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Về phía Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp Hội tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn, đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ cũng như kiến nghị giải quyết và theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cơ quan chức năng đối với các vụ việc liên quan đến việc đảm bảo quyền cho phụ nữ khi ly hôn. Trong thực tế, Hội đã thực hiện kiến nghị giải quyết đối với nhiều vụ việc giành quyền nuôi con sau ly hôn của phụ nữ.
Trong vụ việc tương tự xảy ra với một bé gái tên Th. sinh ngày 26/3/2010 bị cha ruột và mẹ kế bạo hành ở Kiên Giang, ngay sau khi nắm được vụ việc, Hội Phụ nữ đã xuống làm việc trực tiếp với địa phương nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em và thăm hỏi, động viên gia đình. Sau đó cán bộ Hội đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ mẹ ruột cháu là chị Huỳnh Thị Bích Vân sinh năm 1990, hiện ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp làm thủ tục đề nghị TAND huyện Châu Thành thay đổi quyền nuôi con cho chị.
Còn nói về hoạt động của Hội Phụ nữ để nâng cao vai trò làm mẹ trong gia đình thì có thể khẳng định công tác này được Hội đặc biệt chú trọng và triển khai bằng nhiều hình thức như truyền thông, tập huấn, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” với các mô hình tại địa phương. Về nội dung, không chỉ quan tâm đến việc “nuôi” mà còn hỗ trợ kiến thức, kỹ năng “dạy” trẻ. Ngoài các kiến thức chung về bảo vệ an toàn cho trẻ ngay từ trong gia đình, phòng ngừa trẻ rơi vào tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, lao động nặng nhọc, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước..., thì Hội còn áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời để tổ chức hoạt động giáo dục cha mẹ phù hợp với độ tuổi của trẻ em, ví dụ như nuôi dạy trẻ trong 1000 ngày đầu đời; hướng dẫn cách trò chuyện, giáo dục về giới tính cho con trong độ tuổi vị thành niên...
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng xây dựng và phát triển mô hình hỗ trợ cha mẹ và gia đình trong bảo vệ trẻ em như “Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi”, “Nhóm trẻ chơi dưới 3 tuổi cùng cha mẹ” tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Câu lạc bộ cha mẹ nuôi dạy con tốt. Hội chủ trì triển khai Đề án ‘‘Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đến năm 2020” hỗ trợ kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục nhằm tạo điều kiện cho các gia đình nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tại KCN, KCX có chỗ gửi con an toàn; đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục về chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ là công nhân lao động.
Ngoài ra, Hội cũng tham mưu, đề xuất chính sách để hỗ trợ phụ nữ có thể làm tốt vai trò làm mẹ, ví dụ đã đề nghị thành công chính sách hỗ trợ thai sản cho phụ nữ nghèo là người dân tộc khi sinh con, qua đó giúp chị em có thêm điều kiện chăm sóc bản thân và con sau khi sinh...
Xin cảm ơn bà!