Phương án 1, ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở TCty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4m, rộng 15m, sâu 31m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3m.
Theo BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị.
MRB đánh giá phương án này ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.
Phương án 2 (phương án ban đầu), ga C9 được đặt trước trụ sở TCty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150m; rộng 21,4m; sâu 20m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5m.
Nhà ga có 4 cửa lên xuống, xây theo mô hình 3 tầng song song đồng mức. Tầng trên cùng là sảnh, ở giữa là khu vực kỹ thuật và dưới cùng là nơi đón trả khách. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là 3.870 tỷ đồng.
Theo MRB, ưu điểm của phương án 2 là hướng tuyến ngầm và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 phù hợp với quy hoạch được duyệt. Việc này giúp tránh được rắc rối, khiếu kiện pháp lý khi đổi hướng tuyến, diện tích giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, phương án này đang bị nhiều ý kiến phản đối do phần lớn nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm. Bộ VH,TT&DL và một số chuyên gia cho rằng vị trí này vi phạm Luật Di sản.
Phương án 3, ga ngầm C9 được bỏ hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến đường sắt đô thị số 2 đi vào vận hành. Tàu sẽ chạy từ ga C8 đến thẳng C10 giúp thời gian vận hành giảm một phút.
Dù không cần xây nhà ga, MRB cho biết vẫn cần công trình sơ tán hành khách và hệ thống thông gió do khoảng cách giữa ga C8 và C10 lên đến 2,65km. Đơn vị thiết kế đề nghị xây một lối thoát hiểm đề phòng cháy nổ và một số cửa ra vào đường hầm phục vụ sửa chữa, duy tu tuyến.
Đánh giá về phương án này, MRB cho rằng bỏ ga C9 tiết kiệm nhất. Tổng mức kinh phí xây đoạn hầm từ C8 đến C10 chỉ còn hơn 3.320 tỷ. Diện tích đất cần giải phóng ít nhất. Tuyến giữ nguyên được hướng tuyến như quy hoạch trước đó và không xâm phạm đến vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, bỏ ga ngầm C9 sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc quanh di tích hồ Hoàn Kiếm; giảm hành khách dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả mạng lưới đường sắt đô thị. Không có ga ngầm C9 cũng làm giảm sự thuận tiện của người dân khi di chuyển trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, ảnh hưởng đến lộ trình hạn chế xe cá nhân sắp tới.
Phương án xây dựng nhà ga C9 sau khi tuyến hoàn thành cũng không được khuyến nghị do khó khăn trong thi công, nguy hiểm tới hành khách, chi phí lớn kèm thời gian thi công kéo dài.
Từ phân tích nêu trên và mục tiêu sớm tiếp tục thực hiện dự án, MRB đề xuất cân nhắc phương án 2 (ban đầu) và phương án 3 (bỏ ga C9) nhằm tránh các thủ tục bổ sung phức tạp và điều chỉnh chủ trương đầu tư do chi phí tăng.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5km, trong đó đoạn trên cao 2,6km, đoạn ngầm gần 9km. Tổng đầu tư của dự án hơn 34.670 tỷ, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Hơn 10 năm sau khi được phê duyệt, vị trí ga C9 vẫn chưa được thống nhất. Một số bộ, ngành, chuyên gia lo ngại hoạt động xây dựng, vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ảnh hưởng lớn đến vùng bảo vệ khu di tích hồ Hoàn Kiếm, tác động tiêu cực đến cảnh quan.