Hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022); 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hoá lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947-20/5/2022); 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022) Thái Nguyên tự hào là nơi ghi dấu ấn của những ngày tháng cách mạng và lịch sử hào hùng của dân tộc.
Lịch sử ghi nhận, từ ATK Định Hóa, Thái Nguyên – trung tâm của an toàn khu Trung ương, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhiều chủ trương lớn: Chiến dịch phản công Việt Bắc, chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, các chiến dịch biên giới. Đặc biệt là phê duyệt kế hoạch tác chiến, quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Những quyết sách quan trọng ra đời tại mảnh đất ATK Thái Nguyên đã càng thêm khẳng định vị trí, vai trò của đất và người nơi đây với cách mạng Việt Nam, với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ như Người đã nhận định khi lựa chọn Thái Nguyên làm điểm đứng chân của các cơ quan Đảng, Chính phủ: “Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng, tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”.
Thời kỳ vận động Cách mạng tháng 8 (1939-1945) Định Hóa là một trong 3 căn cứ cách mạng nổi tiếng của cả nước (sau Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai). Sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến, đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa một lòng theo Đảng, gắn bó với cách mạng, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Cùng với các di tích của vùng chiến khu Việt Bắc Khu di tích ATK Định Hóa được đánh giá là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trong lịch sử, di tích từng được biết đến qua nhiều tên gọi khác nhau, như An toàn khu, Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Trung ương, là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Năm 1981, Khu di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia.
Di tích thành phần nằm trong ATK hết sức phong phú gồm 13 di tích: Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa). Nhà tù Chợ Chu do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1916, nâng cấp năm 1942, từng làm nơi giam giữ các chiến sĩ Việt Nam yêu nước và cách mạng.
Hiện nay, di tích còn hai nền nhà dài, chạy song song (bên ngoài là nhà giam, bên trong là nhà ăn), nền nhà gác và bốt gác; Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng quân (xã Định Biên, huyện Định Hóa).
Sáng ngày 15/5/1945, lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân được diễn ra tại thửa ruộng Nà Nhậu (phía trước ngôi đình làng Quặng); Địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Khau Tý năm 1947 (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) từ trung tuần tháng 5 năm 1947 đến đêm ngày 20/5/1947.
Địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 - 1954), xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Tại đây, Bác đã soạn thảo, ký nhiều văn kiện quan trọng và cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định quan trọng, đem lại thắng lợi cho cuộc chiến Đông Xuân (1953 - 1954).
Cụm di tích Bác ở Khuôn Tát: Cây đa, Đoạn suối Khuôn Tát - nơi Bác tắm, giặt và câu cá, Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Nà Đình (xã Phú Đình, huyện Định Hóa). Tại địa điểm này, Bác đã từng ở và làm việc từ ngày 20/11/1947 đến tháng 01 năm 1954.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, núi Hồng |
Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển (1947 - 1949). Đây là nơi làm việc trong thời kỳ đầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng và Báo Sự thật tại ATK Định Hóa.
Địa điểm Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 - 1954). Đây là trụ sở làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng Tổng Quân ủy và địa điểm Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuội.
Thắng cảnh thác Khuôn Tát xã Phú; Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là nơi đã diễn ra Hội nghị quyết định việc đổi tên Hội Nhà báo Việt Nam thành Hội Những người viết báo Việt Nam (ngày 21/4/1950).
Địa điểm thành lập Ủy ban hòa bình Việt Nam. Trong kháng chiến, Ủy ban này đã có những chủ trương, chính sách cổ vũ, động viên nhân dân ta và kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, góp sức vào cuộc kháng chiến.
Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu; Địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948).
An Toàn Khu (ATK) Định Hóa thực sự là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, một Thủ đô kháng chiến với các vùng di tích trọng điểm: Pác Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa, Chợ Đồn, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang) có ý nghĩa và giá trị trên nhiều mặt. Đặc biệt, ATK Định Hóa là nơi khởi phát, tổ chức chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương…
Gần đây nhất, ngày 24/6/2021, ATK một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1008/QĐ-TTg về tiếp tục Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt. ATK Định Hóa, trở thành điểm quan trọng về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và là điểm du lịch lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc. Quyết định trên thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện một địa chỉ, gắn với lịch sử dân tộc.
Xét ở góc độ văn hóa và lịch sử, ATK không chỉ là tài sản và Di tích quý báu của Việt Nam, nó còn rất xứng là Di sản của nhân loại. Bởi chính lịch sử và văn hóa gìn giữ nền độc lập của dân tộc Việt Nam đã nói lên điều đó.
Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng đất và người Thái Nguyên vẫn luôn nhớ và tự hào vì đã chở che, bảo vệ cho Người và an toàn khu Trung ương trong thời gian sống và làm việc tại đây; Người dân Thái Nguyên tự hào vì đã được góp sức vào một trong những trang hào hùng, chói lọi nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam./.