Cụ thể, Luật THADS 2014 đã sửa đổi, bổ sung 6 điều liên quan đến biện pháp bảo đảm thi hành án, cụ thể là các điều liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án (điểm a, khoản 1 Điều 7, điểm a khoản 1 Điều 7b, khoản 3 Điều 31) và các điều về thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án (Điều 66, 67, 68, 69).
Theo khoản 2 Điều 66 Luật THADS quy định: “Người yêu cầu CHV áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”. Tuy nhiên, chưa quy định để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba dẫn đến khó khăn, gây phức tạp thêm vụ việc.
Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hướng xử lý việc giải quyết bồi thường thiệt hại hoặc nghiên cứu khả năng quy định đương sự cũng phải nộp một khoản tiền tạm ứng khi yêu cầu CHV áp dụng biện pháp bảo đảm (tương tự như khi họ yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).
Ngoài ra, Luật đã bổ sung biện pháp bảo đảm thi hành án “phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” vào Điều 67, cách thức thực hiện tương tự biện pháp phong tỏa tài khoản, nhằm tạo điều kiện tốt hơn để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án. Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung các vấn đề về biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự tại Điều 68. Đáng chú ý là quy định CHV yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng và thông báo cho đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.
Mặt khác, để hạn chế sai phạm đáng tiếc xảy ra, xử lý những trường hợp CHV không xác định được quyền sở hữu, sử dụng tài sản trên cơ sở các tài liệu có được, Luật THADS đã sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, CHV phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với giấy tờ, tài sản để thi hành án giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định pháp luật.
Khi có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, CHV phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định. Trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì CHV phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Song, Luật lại chưa có cơ chế bảo đảm việc CHV thực hiện quyền về quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Trên thực tế, chưa có quy định cụ thể, cơ chế để cơ quan công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ CHV thực hiện quyền này (cơ quan công an yêu cầu phải có kế hoạch cưỡng chế trước). Do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ CHV tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.