Ấn Độ ra phán quyết lịch sử tìm lại công bằng cho phụ nữ Hồi giáo

Phụ nữ Ấn Độ biểu tình đòi công bằng trong ly hôn
Phụ nữ Ấn Độ biểu tình đòi công bằng trong ly hôn
(PLO) - Trong tuần qua, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết về một đạo luật ly hôn gây tranh cãi trong hiến pháp của nước này. Đây có thể nói là chiến thắng mang tính bước ngoặt đối với phụ nữ Hồi giáo, những người lâu nay nói rằng họ bị xâm phạm quyền bình đẳng. 

Theo Reuters, luật pháp Ấn Độ cho phép người đàn ông có thể ly dị vợ của họ một cách đơn giản và nhanh chóng chỉ bằng cách là phát âm từ “Talaq” 3 lần (có nghĩa là ly hôn trong tiếng Ả Rập) liên tiếp. Điều này khiến không ít phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ bất mãn trước “điều luật” bất bình đẳng giới và thiếu công bằng. Thậm chí, đôi khi người chồng chỉ nhắn tin qua ứng dụng Whatsapp và Skype hoặc gọi điện cho vợ chứ không trực tiếp phát ngôn.  

Bị chồng bỏ chỉ vì còn đòi mua pháo hoa

Cô Farha bị chồng ly hôn vào tháng 10/2016 chỉ vì anh ta tức giận khi con gái đòi tiền để mua pháo hoa trong một ngày lễ. Chồng của Farha làm việc tại một cửa hàng gia đình về buôn bán kim cương, nhưng từ sau khi ly hôn cô phải tự  lo cho cuộc sống của mình và các con mà không được nhận bất kỳ trợ giúp nào. “Anh ta không cho tôi lấy một đồng kể từ sau khi ly hôn”, Farha nói. 

Sau cuộc ly hôn chớp nhoáng, mất đi nguồn tài chính chỉ trong tít tắc, Farha không biết phải làm gì để nuôi sống bản thân và các con do cô không hề có công ăn việc làm ổn định sau nhiều năm ở nhà làm nội trợ. Vì không có tiền nên Farha không thể rời khỏi nhà của chồng cũ. Cô ở tầng trên, chồng cô sống ở bên dưới. Không có cách nào dễ dàng để theo đuổi một vụ kiện tại tòa án vì hình thức ly hôn với 3 từ “talaq” không bị cấm chính thức. Cô đã tìm đến Bharatiya Muslim Mahila Andolan (BMMA) – một mạng lưới gồm những tổ chức và những nhà hoạt động đòi quyền lợi cho phụ nữ Hồi giáo để nhờ giúp đỡ. BMMA cũng đã gởi một bản kiến nghị lên Tòa án Tối cao Ấn Độ xem xét việc ban hành một lệnh cấm đối với talaq. 

Điều mong muốn duy nhất của cô lúc này là lo cho các con có được một cuộc sống đầy đủ nhưng theo luật pháp hiện hành của Ấn Độ, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lợi cho những người phụ nữ như Farha sau khi đã ly hôn với chồng. “Trong một xã hội Hồi giáo còn tồn tại talaq, phụ nữ không hề có chỗ đứng. Một người đàn ông có thể bỏ vợ bất kì lúc nào với bất cứ lí do gì”, Farha nói.

Đơn kiện về hình thức ly hôn này lên Tòa án Tối cao không phải là lần đầu tiên. Năm 1985, một người phụ nữ tên Shah Bano đã kiện người chồng sau khi ông ta bỏ và không cung cấp bất cứ hỗ trợ nào cả. 

Tìm lại công bằng cho phụ nữ Hồi giáo

Theo hãng tin CNN, phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ ngày 22/8/2017 được một ủy ban gồm 5 thẩm phán thuộc các tôn giáo chính ở nước này là Ấn Độ giáo, Kito giáo, Hồi giáo, Đạo Sikh và Hỏa giáo công bố. Trong phán quyết, các thẩm phán cho rằng laq” là trái với hiến pháp và không đúng tinh thần của đạo Hồi. Cũng theo các thẩm phán, tục lệ này đã tùy tiện cho phép những người đàn ông Ấn Độ phá vỡ hôn nhân một cách kỳ quái và bất thường.  

Cuối cùng, người đứng đầu là Chánh án JS Khehar đã thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết theo đa số. Kết quả, 3 trong 5 thẩm phán thống nhất quan điểm, tục lệ “3 lần talaq” đi ngược lại với tôn chỉ của Hiến pháp Ấn Độ và cả giáo lý Hồi giáo. Và theo phán quyết này, chính phủ sẽ cần phải đưa ra Luật ly hôn mới, thay thế cho hủ tục trên trong vòng 6 tháng. 

Phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ được đánh giá là dấu mốc mang tính lịch sử của ngành tư pháp nước này khi sẵn sàng thay đổi tục lệ vốn đã ngấm sâu trong tư tưởng các thế hệ người Hồi giáo Ấn Độ. Hiện nay, ít nhất 20 quốc gia đa số Hồi giáo khác, gồm cả những nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka đã cấm “3 lần Talaq” công khai hoặc ngầm hiểu. 

Vào tháng 3, 1 triệu phụ nữ cũng đã ký tên vào một bản khiếu nại chống lại hình thức ly hôn này. Khiếu nại được bởi tổ chức  Muslim Rashtriya Manch (MRM), một tổ chức Hồi giáo liên kết với tổ chức những người theo đạo Hindu là Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS). 

Năm ngoái, Chính phủ đã đệ trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ bản kiến nghị có chữ ký của 50.000 phụ nữ kêu gọi ban hành lệnh cấm sử dụng tùy tiện tục lệ “3 lần talaq” và giờ đây phán quyết đã được đưa ra. 

Lệnh cấm lại càng trở nên mạnh mẽ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tiên đã lên tiếng chống lại hình thức ly hôn này vào năm 2016 với lập luận rằng Ấn Độ không thể để cuộc sống của người phụ nữ bị hủy hoại bởi 3 từ và thậm chí là thiếu tôn trọng đến mức là nói 3 từ này qua tin nhắn hay điện thoại. Ông cũng đã nêu lại vấn đề nhức nhối này cách đây vài tuần trong một bài phát biểu trong ngày kỷ niệm 70 năm độc lập của Ấn Độ. 

Ông Modi ca ngợi đây là phán quyết mang tính lịch sử. Nó trao sự bình đẳng cho người phụ nữ Hồi giáo và là biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ để trao quyền cho phụ nữ. Không những thế, quyết định của Tòa án Ấn Độ còn thúc đẩy đảng cầm quyền của ông Modi thực hiện mong muốn về thay đổi Bộ luật Dân sự, kết thúc việc áp dụng luật tôn giáo cho các vấn đề dân sự. 

Maneka Gandhi, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Phát triển trẻ em Ấn Độ nói rằng, “Tòa án tối cao có quyền can thiệp vào cuộc sống của từng cá nhân và họ đã làm như vậy”. 

Bà Zakia Soman - đồng sáng lập Phong trào phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ chia sẻ: “Đây là dấu mốc lịch sử không chỉ của phụ nữ Hồi giáo mà là của tất cả phụ nữ Ấn Độ bởi họ đã mất 70 năm mới nhận được phán quyết này”. 

Theo Luật sư Balaji Srinivasan, đến ngày 21/8/2017, một phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ có thể bị đuổi ra khỏi nhà một cách tùy tiện và không được giải thích lý do. Nhưng bây giờ, bất kỳ người đàn ông Hồi giáo nào ở Ấn Độ muốn ly dị vợ cũng sẽ phải tuân theo lệnh cấm của tòa án. Đây là một điều rất quan trọng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc cấm “talaq”, đặc biệt là giới lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo. Cộng đồng đa sắc tộc của Ấn Độ có nhiều tôn giáo, với những luật lệ riêng về kết hôn, ly hôn và thừa kế - những vấn đề được coi là “luật riêng”. Và một số người lo sợ rằng đa số Hindu đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Hồi giáo trong xã hội. Được biết, người Hồi giáo chiếm khoảng 14% trong số 1,3 tỷ người Ấn Độ.

Được biết, Ấn Độ không có Luật Dân sự thống nhất. Thay vào đó, Luật Ấn Độ có nhiều vấn đề như hôn nhân, ly hôn, tiền cấp dưỡng và thừa kế được quy định khác nhau cho các thành viên ở từng cộng đồng tôn giáo. “3 lần talaq” là một phần của Luật Cá nhân Hồi giáo.Các học giả Hồi giáo lý giải, kinh Koran ghi rõ từ “talaq” phải được nói ra 3 lần riêng biệt, trong 3 tháng (tức 90 ngày). Nếu sau thời hạn trên, hai vợ chồng không thể hòa giải thì ý muốn ly hôn của người chồng sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 91.

Sau khi phán quyết được đưa ra, Hội đồng Luật cá nhân Hồi giáo Ấn Độ nói rằng họ sẽ lên tiếng phản đối. “Thực tế chỉ có 3 trong 5 thẩm phán cho rằng hành vi này là bất hợp pháp, cho thấy quyết định của tòa án là không rõ ràng”, ông Maqsood Hasani Nadvi,  thành viên của Hội đồng cho biết. 

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.