Bảo tồn phát huy nguồn cội của văn hoá dân tộc
Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” lần thứ Nhất được Ban biên tập Báo Pháp luật Việt Nam “thai nghén” trong một thời gian dài. Với trăn trở và mong muốn “bảo tồn và phát huy giá trị nguồn cội của dân ca trong kho tàng văn hóa, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương V về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thông qua cuộc thi, BTC mong muốn tìm ra những tài năng âm nhạc, góp phần truyền thông hình ảnh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa bảo tồn và phát triển nền âm nhạc nước nhà nói chung và dòng nhạc Tây Nguyên nói riêng. Mặt khác, sự kiện còn kêu gọi cộng đồng cùng xây dựng tình đoàn kết, xây dựng các chương trình thiện nguyện có ý nghĩa trong xã hội” (Trích lời ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập, Trưởng ban tổ chức cuộc thi).
Hàng trên: Phó Tổng biên tập Trần Ngọc Hà - Trưởng Ban Tổ chức và Nhạc sĩ Nguyễn Cường - Trưởng Ban Giám khảo trao giải Nhất cho thí sinh K’So Sơn. |
Cuộc thi phải nhiều lần hoãn lại vì trong bối cảnh dịch Covid phức tạp. Thế nhưng, niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc Tây Nguyên đã khiến cho Ban tổ chức nhận hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày của các thí sinh đăng ký. Bằng rất nhiều cố gắng, đầu năm 2022 cuộc thi đã được khởi động lại. Hàng ngàn thí sinh chuyên và không chuyên trong cả nước đã “vượt khó” để vượt qua vòng sơ tuyển.
Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã được Ban tổ chức mời về làm giám khảo với mong muốn tìm ra những thí sinh xuất sắc nhất như NS Nguyễn Cường, Ca sĩ Siu Black; NS Võ Cường, Ca sĩ Đại tá, NSND Rơ Chăm Phiang, Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm…
Ban Tổ chức tặng kỷ niệm chương cho Ban Giám khảo và các đơn vị tài trợ, hỗ trợ. |
Ngay sau đêm Bán kết 2 của cuộc thi. Nhạc sĩ Võ Cường, một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều bài hát về đất và người Tây Nguyên, trưởng đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông nhận xét “Các thí sinh tại vòng Bán kết 2 đều là những bạn có chất giọng, kỹ thuật tốt, hình thức đẹp. Việc lựa chọn bài hát phù hợp, chất giọng cuốn hút cùng sự chuẩn bị chu đáo về trang phục đã giúp thí sinh phát huy được ưu điểm của bản thân. Trải qua nhiều vòng thi, 25 thí sinh đã được trải nghiệm, trưởng thành và "cháy" hết mình với đam mê ca hát. Với tôi đêm Bán kết 2 thực sự hấp dẫn và đáng để thưởng thức”.
“Truyền lửa” cho người yêu âm nhạc Tây Nguyên
Ngay sau khi được xướng tên trong khoảnh khắc đạt giải nhất cuộc thi, giây phút được xướng tên, Ksor Sơn đã không giấu nổi xúc động. Vẻ mạnh mẽ của một chàng trai Gia Rai đã dành chỗ cho một trái tim đầy yêu thương. Ngay trong giây phút quan trọng, thiêng liêng của mình Sơn đã dành những lời cảm ơn tới người mẹ đã tần tảo nuôi sáu anh em Sơn khôn lớn. Những lời tâm sự mộc mạc của Sơn đã khiến cho khán giả rơi nước mắt. Sự hồn hậu của người mẹ, sự mộc mạc của núi rừng đã khiến Sơn có một giọng hát “đẹp”.
Sơn không dùng nhiều kỹ thuật trong âm nhạc, nghe Sơn hát chúng ta như nghe thấy âm vọng của núi rừng. Sau cuộc thi, Sơn đã tất bật trở về với công việc thường nhật tại nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng). Sơn nói “Dù đứng ở đâu, sân khấu nào tôi cũng muốn quảng bá, truyền tải nền âm nhạc Tây Nguyên đến với những người yêu âm nhạc. Tây Nguyên không chỉ nuôi Sơn lớn, mà còn là hơi thở của tôi. Vì thế, tôi công hiến cho nghệ thuật bằng tất cả tình yêu và sự vô tư trong tâm hồn của người nghệ sĩ”.
Sơn cho biết thêm, giải nhất của cuộc thi không chỉ chắp cánh âm nhạc cho Sơn bay xa mà chính là động lực để Sơn “truyền lửa đam mê” cho những đồng nghiệp, những người em Gia Rai, Ba Na, những em nhỏ chưa có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc có niềm tin, động lực để đến với âm nhạc cội nguồn dân tộc mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường - Trưởng Ban Giám khảo nhận xét thí sinh. |
Nhạc sĩ Nguyễn Cường trở lại với vai trò giám khảo ghế nóng Liên hoan "Tiếng hát Đại ngàn" toàn quốc lần thứ Nhất. Tác giả của những bản tình ca bất hủ về Tây Nguyên sẽ đảm nhận vai trò giám khảo tại một sân chơi âm nhạc đậm chất Tây Nguyên Đại ngàn trên toàn quốc. Chính sự xuất hiện của ông đã khiến người ta trông đợi hơn về chất lượng của các cuộc thi thực tế hiện tại. Sinh ra tại Hà Nội, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có duyên với những ca khúc sáng tác về Tây Nguyên. Từ lần đầu tiên đến Tây Nguyên này, ông đã bị cuốn hút vì cái nắng cái gió, cà phê, vì thiên nhiên và con người tại vùng đất này. Các tác phẩm của ông đa dạng, sâu sắc và tràn đầy những khí sắc riêng. Sáng tác của Nguyễn Cường với giai điệu phóng khoáng, ca từ giàu tính dân tộc, Những giọng hát gắn liền với các sáng tác của Nguyễn Cường như: NSƯT Y Moan, Siu Black, Ngọc Khuê, Vương Dung...
“Hoạ mi núi rừng” Siu Black động viên tinh thần thí sinh. |
Nhạc sĩ sáng tác ra những ca khúc tuyệt phẩm mang đậm chất Tây Nguyên như: Em muốn sống bên anh trọn đời, Đôi mắt Pleiku, Mái đình làng biển, Em hát thương ai, Cho tình yêu bay lên bồng bềnh… đánh giá, Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” toàn quốc lần thứ Nhất do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đạt “chuẩn” về tính nghệ thuật, như bất cứ cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp nào. Với các thí sinh tham gia cuộc thi, đây chính là sân chơi đầu tiên chắp cánh đưa họ đến gần hơn với sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp.