Ngọn đèn trước gió
Chiều, nắng đã vơi. Chúng tôi đến thăm “xóm chạy thận” tại một góc nhỏ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Những con người ở đây ngồi lặng lẽ với những câu chuyện đời, chuyện bệnh đã bạc màu. “Xóm chạy thận” đang hiện hữu 55 bệnh nhân chạy thận người nhà vẫn đang thắc thỏm, chạy đua từng ngày với thần chết.
Ở xóm nhỏ ấy còn nhiều lắm những cảnh đời éo le. Những người bệnh ở đây tâm sự với chúng tôi, mỗi ngày mở mắt ra họ thấy mình còn sống là may mắn, bởi có khi người mới trò chuyện với mình hôm qua, nay không còn nữa, do tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột. Rất nhiều người bệnh ví mình như dây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình, bà con.
Có người chỉ cách quê vài ba chục cây số nhưng cả năm trời mới được nhìn thấy ngôi nhà, vì cuộc sống phải bám lấy những chiếc máy lọc thận. Hầu như trong mỗi người bệnh không còn khái niệm về thời gian, trong đầu họ chỉ tồn tại lịch chạy thận 3 lần/tuần. Đối với hầu hết những người bệnh đang chạy thận ở đây, ngày về của họ rất mịt mù.
Đa phần bệnh nhân đến chạy thận đều thuộc hộ nghèo nên được nhà nước hỗ trợ tiền thuốc. Tuy nhiên, để giảm cơn đau, họ cũng cần tiền để mua thêm thuốc điều trị, rồi tiền ăn, chi phí sinh hoạt.
Trong khi lại phải đối diện với những biến chứng đến tim mạch, khớp, dạ dày, não… nên dường như họ chẳng còn chút sức lực để mưu sinh. Dù vậy những lúc đỡ mệt, họ vẫn đi dọc theo các hành lang, con đường nhặt nhạnh từng chai nhựa, mảnh giấy để bán, góp thêm vài đồng bạc lẻ cho cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề.
Xóm về đêm. Cơn đau nhức, bụng trương phồng lên khiến giấc ngủ của họ chẳng tròn. Có người chẳng ngủ được cứ đi tới đi lui, miệng không ngừng xuýt xoa. Có người tức bụng, ngồi dựa vào tường hoặc tựa đầu lên thùng giấy mà chợp mắt.
Gần 10 năm, tại “xóm chạy thận”, chị Khom phải tự lo cho mình. |
“Lá rách” đùm lấy nhau
Nhưng trên tất cả niềm đau, tình người vẫn ấm nồng. Nỗi đau thể xác, mặc cảm là kẻ sống bám, sống thừa khiến người chạy thận đâm ra cáu bẳn, thất thường. Vất vả, cực nhọc có. Mệt mỏi, rã rời có. Nhưng người thân của họ vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ, vững vàng. Chúng tôi nhìn thấy những người vợ tần tảo nhóm than hồng để sưởi ấm, nhẫn nại xoa bóp cho người chồng bị biến chứng bại liệt, rồi lật đật đẩy xe lăn đưa chồng vào chạy thận cho kịp giờ.
Bà Nguyễn Thị Sến (60 tuổi, vợ ông Quý) cho biết: “Hơn 7 năm rồi, ngày ngày tôi dùng xe lăn đưa ổng vào phòng chạy thận, rồi đi chợ, cơm nước, đêm đến lại buông mùng, đắp mền. Còn sống ngày nào thì lo cho ổng ngày đó thôi”.
Không chỉ có bệnh nhân và người nhà, xóm còn thường xuyên đón những người thân đặc biệt. Đó là một nhân viên nhà lễ tang, người vẫn được “xóm” chạy thận gọi bằng hai tiếng thân thương “chú Hai”, mỗi ngày trực vẫn dành thời gian ghé thăm, có khi ăn chung một bữa cơm đạm bạc nhưng thắm tình. Rồi chị vé số, cô ve chai, xóm lại thêm tiếng cười, thêm niềm vui.
Và, như một cách thể hiện sự quan tâm đến mọi bệnh nhân, số điện thoại di động của bác sĩ trưởng khoa được dán cẩn thận ở các vị trí dễ quan sát để người bệnh có thể liên lạc, phản ánh mọi thắc mắc. Thỉnh thoảng xóm lại được những nhà hảo tâm sưởi ấm bằng những suất cơm chay, những phần quà nhỏ.
Theo tìm hiểu, vì lịch chạy thận của mỗi bệnh nhân phổ biến là 3 lần/tuần, nhà xa, sức khỏe không cho phép, nhiều năm nay, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường ăn, ở ngay tại bệnh viện. Lúc đầu, họ nằm nghỉ rải rác dọc các hành lang, gốc cây gần khoa Nội thận - Lọc máu. Đến tháng 6/2012, bệnh viện tổ chức một khu nhà tạm cho bệnh nhân và người nhà. Số lượng bệnh nhân chạy thận và người nhà lưu trú lại bệnh viện ngày một đông, lan sang cả hành lang của Nhà vĩnh biệt.
Cuộc sống vật vạ, chắp vá cho qua ngày ấy giảm hẳn khi nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10/2016. Mừng lắm! Không biết nói sao hết cái mừng vui trong bụng. Bởi đã sống nhiều năm trong cảnh tạm bợ, chật chội, mùa mưa ẩm thấp, dột nát, giường chiếu thì ọp ẹp, có gì dùng nấy... Nên hôm nay, được sống trong tiện nghi, sạch sẽ ngay tại nơi điều trị, chúng tôi không biết phải nói sao cho hết lòng biết ơn”, ông Dũng bộc bạch.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định, cho biết: “Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng tôi gửi lời tri ân sâu sắc trước tấm lòng của các tổ chức, cá nhân dành cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định”.
Nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10/2016. |
Càng về chiều, “xóm chạy thận” càng thêm phần hiu hắt. Nhịp sống nơi đây cứ âm thầm diễn ra, âm thầm như nỗi đau bệnh tật của họ. Dù vậy, đôi khi họ vẫn tìm cho mình niềm vui nho nhỏ quanh những ván cờ, những câu chuyện về con cháu, gia đình.
Dù tương lai là một dấu chấm hỏi đối với họ nhưng xã hội vẫn không bỏ rơi họ, vẫn luôn bên họ khi họ khó khăn nhất. Đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất đối với bệnh nhân nơi đây.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện thành lập năm 2008 với 10 máy chạy thận nhân tạo. Ðến nay, với 33 máy chạy thận nhân tạo và 5 ca chạy thận/ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là nơi tập trung nhiều bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Lắk.