Theo AP, thông tin trên được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo. Năm 2012, các chuyên gia dự báo năm 2018 toàn cầu sẽ có 14 triệu ca mắc ung thư mới và 8 triệu người tử vong. Như vậy con số mới đã vượt xa dự báo từ 6 năm trước.
Hơn 50% bệnh nhân ung thư tử vong là ở châu Á, khu vực bị ô nhiễm nặng nề. Châu Âu chiếm 23% ca bệnh còn Mỹ 21%. Châu Phi có ít bệnh nhân ung thư nhất thế giới, chỉ xấp xỉ 7% nhưng tỷ lệ tử vong lại cao, chủ yếu do phát hiện muộn và thuốc men hạn chế.
Tại các nước giàu có, nỗ lực phòng ngừa đã giúp ngăn chặn ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển, số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng bởi liên quan đến sự phát triển kinh tế và xã hội.
Tiến sĩ Freddie Bray đứng đầu IARC dự đoán đến năm 2040, thế giới sẽ có 29 triệu bệnh nhân ung thư, trong đó 16 triệu người tử vong. Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Đơn vị Bệnh tật không truyền nhiễm thuộc WHO cho biết dân số già là nguyên nhân quan trọng làm tăng tỷ lệ ung thư.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách ngăn chặn các yếu tố chính gây bệnh bao gồm thuốc lá, rượu bia, lười vận động và ăn uống thiếu khoa học. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cần tăng tốc độ tiếp cận chẩn đoán và điều trị ung thư. “Bệnh ung thư không còn là án tử nữa”, tiến sĩ Krug nhấn mạnh./.