1. Cách đây 70 năm, ngày 28 tháng 8 năm 1945, cùng với việc tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngành Tư pháp dân chủ cách mạng Việt Nam được thành lập. Được sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, với truyền thống Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo, ngành Tư pháp đã được tôi luyện, từng bước trưởng thành trên những chặng đường Cách mạng vô cùng vẻ vang và hào hùng của dân tộc.
Ngay sau khi được thành lập, Bộ Tư pháp đã được phân công chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành hàng trăm sắc lệnh về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, về dân sự, hình sự, về các quyền tự do cá nhân; tham gia tích cực việc soạn thảo Hiến pháp 1946, xác lập các nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ nhân dân, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và củng cố bộ máy nhà nước, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập. Với chức năng quản lý và thực hiện công tác tư pháp, bao gồm cả công tác xét xử, công tố, quản lý trại giam, quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (Luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá viên,...) và hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch,...), Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp được thành lập tại 3 kỳ Bắc, Trung, Nam, đã khẩn trương, tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp, toà án địa phương, duy trì các tổ chức nghề luật, thừa phát lại, đấu giá viên, tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Trong những năm đầu kiến thiết hoà bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, Bộ Tư pháp tập trung giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Hiến pháp mới (1959) và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp với tình hình xã hội mới. Từ năm 1960, sau khi TAND và VKSND trở thành hai hệ thống độc lập tách khỏi Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện.
Trong suốt 20 năm tiếp theo, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do Vụ Pháp chế của Phủ Thủ tướng (thành lập tháng 10/1957) đảm trách giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính. Từ tháng 9/1972, Ủy ban Pháp chế được thành lập để giúp Hội đồng Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp luật và pháp chế, đặc biệt là trong việc xây dựng pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về kinh tế, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ở các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật. Sau khi đất nước thống nhất, Ủy ban Pháp chế đã tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, lập và trình Hội đồng Chính phủ công bố Danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước để phổ biến và thi hành, tạo nên sự thống nhất về mặt pháp luật của nước nhà sau hơn 20 năm bị chia cắt, bảo đảm pháp chế XHCN trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hiến pháp 1980 xác định đường lối quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Trước yêu cầu của sự nghiệp tái kiến thiết đất nước sau chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, tháng 11/1981, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội khoá VII, Bộ Tư pháp được tái thành lập theo Nghị định 143 của Hội đồng Bộ trưởng để kế thừa, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Pháp chế, đồng thời tiếp nhận lại nhiệm vụ quản lý các toà án địa phương về mặt tổ chức. Với đội ngũ cán bộ tư pháp được bổ sung những luật gia trẻ, được đào tạo chính quy từ các nước XHCN anh em, cùng với các luật gia, Luật sư dưới chế độ cũ ở miền Nam, tự nguyện phục vụ nền Tư pháp XHCN, công tác tư pháp được đẩy mạnh trên cả nước Việt Nam thống nhất.
Bước vào thế kỉ 21, Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trong đó khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ngành Tư pháp với hai chức năng cơ bản, đặc trưng và xuyên suốt là quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp, được đặt vào vị trí đặc thù, với trách nhiệm lớn lao là cầu nối trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước. Trong suốt 15 năm qua, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp luôn lấy việc thực hiện những mục tiêu, yêu cầu cụ thể của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo đường lối của Đảng làm thước đo chất lượng, hiệu quả công việc và sự trưởng thành, tiến bộ của Ngành. Thông qua những ý kiến tham mưu, đề xuất về mặt chính sách, những sáng kiến về mặt giải pháp của Ngành trong việc hình thành và triển khai tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong việc đổi mới phương thức quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp và cải cách các công cụ quản lý của Ngành, các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp đã từng bước được đổi mới, đi vào chiều sâu. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, với những kết quả đạt được từ các hoạt động giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật đến các hoạt động quản lý nhà nước, các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, công tác tư pháp trên phạm vi cả nước đang ngày càng thấm sâu hơn vào từng việc làm thiết thực, giúp cho quốc kế, dân sinh; ngày càng gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường, xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp và một số lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng mạnh mẽ.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tặng quà cho các cháu học sinh xã Minh Thanh |
Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược xây dựng pháp luật, xác định bổ sung nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016-2020 và triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội định hướng chương trình lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV, với những ưu tiên cho các lĩnh vực đang còn thiếu hoặc yếu; xây dựng và ban hành kịp thời những đạo luật có tính khả thi cao nhằm điều chỉnh những lĩnh vực trọng điểm, có ý nghĩa then chốt đối với phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý liên quan đến những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, bảo đảm thực thi quyền tự do, dân chủ của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, cùng với việc hoàn thiện pháp luật, toàn Ngành cũng sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật, mà khởi đầu là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp liên quan trực tiếp đến người dân như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, xử lý vi phạm hành chính… nhằm đưa công tác tư pháp thực sự đến gần và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, triển khai hiệu quả nhiệm vụ về thi hành án hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công và nâng cao chất lượng các hoạt động Luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý; triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, đề án trong các lĩnh vực này, bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ các cơ quan tư pháp, nhất là ở cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp, khắc phục sự bất cập, chưa tương xứng, chưa phù hợp giữa mô hình tổ chức, số lượng, chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức so với yêu cầu nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với TANDTC, VKSNDTC trong việc đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên; phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đào tạo đội ngũ LS bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013, quan tâm đào tạo các Luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có thể hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Lễ khánh thành Trường Trung cấp Luật Vị Thanh |