[links()] “Các ngân hàng Việt Nam có thể phải đối diện với ít nhất 4 loại rủi ro sau khi sáp nhập” - đó là cảnh báo của các chuyên gia tư vấn tài chính nước ngoài liên quan đến xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng cơ bản.
Xu hướng sáp nhập đang là vấn đề “nóng” trên thị trường NH Việt Nam. |
Rủi ro thanh khoản là rủi ro lớn nhất…
Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế, ở Việt Nam khái niệm quản trị rủi ro (QTRR) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) dù đã được đổi mới và cập nhật nhưng nhìn chung còn khá khác lạ so với chuẩn mực chung của thế giới, nhất là trong cách tiếp cận và nhìn nhận khái niệm này.
Tại không ít NHTM, các cán bộ làm công tác QTRR coi đây là công tác thường nhật, mang tính chất kiểm tra thủ tục nhiều hơn. Ví dụ, khách đến vay thì đánh dấu xem cái gì có, cái gì chưa có. Trong khi thực tế QTRR hiện đại không phải như vậy. Để tiến tới chuẩn quốc tế, VN cần thay đổi cách quản trị rủi ro theo danh sách.
Có 4 loại rủi ro mà các NHTM Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình tái cơ cấu, đó là: hối đoái, lãi suất, tín dụng, thanh khoản. Trong đó, rủi ro thanh khoản được các chuyên gia Công ty TNHH Ernst & Young (E&Y) cho rằng “là một trong những rủi ro lớn nhất với NHTM và vai trò của nó ngày càng quan trọng thời gian gần đây”.
Một vấn đề đối với NHTM Việt Nam là làm sao huy động được vốn rẻ, bởi nếu thanh khoản gặp khó khăn, NH không huy động được vốn thì phải đóng cửa, sáp nhập, và các NH Việt Nam đang phải theo xu hướng sáp nhập để giải quyết bài toán thanh khỏan này.
“Tôi nghĩ rằng, bài toán thanh khỏan phụ thuộc chặt chẽ vào niềm tin với NH nói chung và NH có vấn đề nói riêng. Nếu NH duy trì được niềm tin của khách hàng thì khách hàng sẽ gửi tiền tại NH đó” - ông Hubert Knapp - Giám đốc dịch vụ, tài chính NH của E&Y nhận định.
4 rủi ro “hậu” sáp nhập
Với xu hướng sáp nhập đang là vấn đề “nóng” trên thị trường NH Việt Nam, một vấn đề được đặt ra là sau khi sáp nhập các đơn vị này phải đối mặt với các rủi ro gì, xử lý như thế nào?
Chuyên gia tư vấn Lim Eng Hong nhận định: “Ngành NH Việt Nam có hoạt động sáp nhập khá giống ngành NH Malaysia trước đây, khi đó có hơn 20 NH được sáp nhập thành 10 NH và giờ chỉ còn 8 NH”.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn tài chính, “hậu sáp nhập” NH thường bộc lộ những dấu hiệu rủi ro không khó để nhận dạng. Rủi ro NH phải đối mặt sẽ gồm 4 loại chính.
Một, nếu sau sáp nhập 6 tháng các NH không tìm được tiếng nói chung trong vận hành thì việc sáp nhập có thể sẽ có nguy cơ thất bại lớn. Hai, rủi ro về nhân sự khi các NH phải tính toán đối với một số vị trí nhân sự nhất định xem cần cho họ cơ hội khác hay cho họ nghỉ.
Ba, rủi ro công nghệ khi các NH phải cân nhắc việc tích hợp hạ tầng công nghệ với nhau. Bốn, rủi ro về truyền thông, khi không chỉ nhân viên NH mà cả khách hàng, công chúng cần hiểu sau khi sáp nhập, NH này đang làm gì, đang hoạt động như thế nào. Nếu không rõ ràng, niềm tin giảm sút, dẫn đến khó khăn thậm chí đổ vỡ trong hoạt động.
Nguyễn Thành