Theo HSBC Việt Nam, trên thị trường đang xuất hiện 3 thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm tài chính, gồm:
Giả mạo đường dây nóng của ngân hàng trên công cụ tìm kiếm
Lợi dụng mục quảng cáo trên Google Searches, tội phạm tài chính dùng thủ đoạn đăng tải số điện thoại đường dây nóng giả để mạo danh ngân hàng. Số điện thoại giả mạo này sẽ xuất hiện khi khách hàng tìm kiếm thông tin liên lạc của ngân hàng.
Khi có nhu cầu, khách hàng gọi đến đường dây nóng là số điện thoại giả mạo và không biết rằng mình đang nói chuyện với nhóm tội phạm mạo danh là nhân viên ngân hàng.
Vì cho rằng số điện thoại đang được gọi là đường dây nóng thật của ngân hàng nên khách hàng tin tưởng và chia sẻ thông tin của chính mình (tên đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu, OTP) theo hướng dẫn của chúng.
Với loại hình tội phạm này, khách hàng cần lưu ý: OTP và PIN là thông tin tuyệt mật. Chỉ có tội phạm mới yêu cầu khách hàng chia sẻ thông tin tuyệt mật.
Chuyển hướng cuộc gọi
Tội phạm thường giả là nhân chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để gọi hỗ trợ giải quyết sự cố về bảo mật. Tội phạm yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp nhất định nhằm mục đích đăng ký chuyển hướng cuộc gọi, từ đó các cuộc gọi đến số điện thoại của nạn nhân sẽ được tự động chuyển sang số điện thoại của tội phạm.
Tội phạm sẽ đăng nhập vào tài khoản của nạn nhân trên các ứng dụng của tổ chức tài chính và yêu cầu thay đổi mật khẩu. OTP để xác nhận thay đổi mật khẩu sẽ được gởi qua cuộc gọi đến số điện thoại của nạn nhân, mà lúc này đã được tự động chuyển hướng đến số điện thoại của tội phạm. Tội phạm sẽ ngay lập tức tiến hành các giao dịch lừa đảo ngay sau khi nhận OTP và thay đổi mật khẩu.
Với loại hình tội phạm này,khách hàng cần lưu ý: Khách hàng hãy liên lạc tổng đài của công ty viễn thông hoặc đến các điểm giao dịch của công ty viễn thông để kiểm chứng thông tin trước khi thực hiện các yêu cầu.
Lừa đảo dưới hình thức quyên góp từ thiện
Đây là hành vi lừa đảo mà kẻ lừa đảo mạo danh một tổ chức từ thiện có thật hoặc giả là một người cần sự giúp đỡ, để kêu gọi người khác quyên góp tiền.
Những cuộc xung đột gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại lớn và làm tăng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp dưới hình thức quyên góp điều này cũng tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người để trục lợi. Một số phương thức lừa đảo từ thiện phổ biến mà tội phạm thường xuyên sử dụng có thể kể đến như: qua thư điện tử, quảng cáo biểu ngữ, các bài đăng/chia sẻ trên mạng xã hội, cuộc gọi và tin nhắn kêu gọi đóng góp.
Ngoài ra, bên cạnh nội dung liên quan đến cứu trợ, những kẻ lừa đảo có thể đính kèm các liên kết và tập tin độc hại để lừa đảo nạn nhân nhấp vào. Các liên kết và tập tin độc hại này phát tán phần mềm đánh cắp thông tin trên máy tính cá nhân và thiết bị di động.
Với loại hình tội phạm này, cần lưu ý: hãy cẩn trọng với các bài đăng kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, tìm hiểu thật kỹ cá nhân/tổ chức mà bạn muốn giúp đỡ trước khi chuyển tiền. Cẩn thận trước những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Ngoài ra, HSBC cũng lưu ý, khách hàng cần đảm bảo thông tin liên lạc khi cung cấp cho ngân hàng là đầy đủ, chính xác và cập nhật. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra sao kê ngân hàng gửi qua thư điện tử/ngân hàng trực tuyến. Nếu có bất kỳ giao dịch nào, khách hàng không nhận ra, thì cần liên hệ ngay với ngân hàng.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu