Theo đó, báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh tại trường THPT Tây Giang, huyện Tây Giang, Sở Y tế Quảng Nam ghi rõ, vào ngày 10/1, các lực lượng chức năng và TTYT Dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin về một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong.
Sở Y tế, UBND huyện Tây Giang đã chỉ đạo TTYT Dự phòng tỉnh, TTYT huyện Tây Giang, Ban Giám hiệu trường THPT Tây Giang nhanh chóng nắm bắt tình hình và thành lập các đoàn công tác để điều tra, giám sát ngay trong ngày và báo cáo cụ thể cho lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Tây Giang và Viện Pasteur Nha Trang, đồng thời khẩn trương tiến hành các biện pháp chuyên môn để kiểm soát, khống chế tình hình dịch bệnh nếu có.
Những đứa trẻ ở Tây Giang, Quảng Nam |
Sau khi có thông tin báo cáo từ TTYT Dự phòng tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế cùng đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND huyện Tây Giang và đã đến trường THPT Tây Giang để kiểm tra, tiếp tục chỉ đạo và bàn các biện pháp triển khai phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, Huyện uỷ, UBND huyện Tây Giang đã họp khẩn cấp bàn các biện pháp đối phó với tình hình, đồng thời phân công các đồng chí thường vụ huyện uỷ đi về từng xã để tuyên truyền, vận động cho nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu, nhất là với những gia đình có con em đang theo học tại trường THPT Tây Giang.
Viện Pasteur Nha Trang cũng đã cử đoàn công tác đến trường THPT Tây Giang vào ngày 16/1 nhắm hỗ trợ khống chế dịch bệnh.
Qua quá trình can thiệp tích cực và sau khi trao đổi thống nhất với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Quảng Nam cho biết, qua giám sát, phát hiện, theo dõi tại thực địa đã ghi nhận 5 trường hợp mắc/nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó và 8 người có nguy cơ mắc do tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Trong 5 trường hợp mắc bệnh, 3 ca đã được điều trị ổn định; 2 ca đã tử vong.
Thực hiện xét nghiệm ở 12/13 ca (do 1 ca không lấy được mẫu bệnh phẩm vì chẩn đoán áp xe thành sau họng). Đã có kết quả của 12/12 mẫu xét nghiệm, có 1 ca dương tính (đã tử vong).
“Đến thời điểm 16 giờ ngày 16/01, số ca mắc/nghi ngờ mắc bệnh còn sống sức khoẻ đã ổn định. Chưa phát hiện thêm ca mắc/nghi mắc bệnh bạch hầu từ ngày 11- 16/1”, Sở Y tế Quảng Nam báo cáo.
Trước tình hình đó, ngành Y tế Quảng Nam đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình 5 trường hợp nặng/tử vong và tại khu điều trị tại TTYT Tây Giang, tại trường THPT, trường dân tộc nội trú huyện Tây Giang.
Từ ngày 10/1 đến nay, TTYT huyện Tây Giang cử đội chống dịch gồm 2 Bác sỹ, 4 y sỹ, 1 dược dược sỹ, 1 KTV xét nghiệm cùng với lực lượng y tế xã, YTTB (các xã A vương, A xan, Dang- nơi có bệnh nhân nặng/tử vong), bám sát địa bàn thực hiện các hoạt động chống dịch.
Hiện tại, về lâm sàng, tất cả các ca còn sống đều đáp ứng tốt với điều trị. Đồng thời cử cán bộ y tế tiếp tục giám sát, phát hiện sớm điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại hộ gia đình cho đến khi tình hình ổn định.
Tây Giang là huyện miền núi cao, thuộc huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, có 10 xã/thị trấn với dân số: 16.076 người, hơn 90% là đồng bào dân tộc ít người.