Các bị cáo đưa ra xét xử gồm Lương Văn Tâm (SN 1975), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN 1994) cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ; và Cao Minh Quyết (SN 1986, trú tại xóm 3 Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp).
Rất đông người dân tập trung tham dự phiên tòa xét xử lưu động |
Theo cáo trạng VKSND huyện Quế Phong, vào cuối tháng 4/2015, Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình và Lữ Văn Hùng rủ nhau sang làm thuê cưa xẻ gỗ cho người dân ở bản Nậm Bống, huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn, Lào). Xong việc, cả ba dấu một số dụng cụ xẻ gỗ trong rừng để lần sau sang Lào lấy cho tiện rồi về nhà.
Hiện trường phát hiện bãi khai thác gỗ Sa mu |
Do đi qua khu rừng giáp ranh biên giới Việt – Lào quan sát thấy có nhiều gỗ quý, sáng ngày 23/6/2015, Lương Văn Tâm liền rủ Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình, Lữ Văn Dương (đã chết trong quá trình điều tra nên đình chỉ điều tra đối với đối tượng) và Cao Minh Quyết đi khai thác gỗ trái phép, cưa xẻ làm phản rồi kéo sang bên Lào bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Hoài, Bình, Dương, Quyết đã đồng ý.
Cả nhóm “góp vốn làm ăn”, mỗi người góp 500 ngàn đồng để mua thức ăn và dụng cụ phục vụ việc cưa xẻ gỗ. Các đối tượng thỏa thuận mỗi bộ phản (gồm 02 tấm gỗ) sau khi bán được Tâm là thợ chưa chính sẽ được hưởng 500 ngàn đồng Hoài sẽ được hưởng 100 ngàn đồng vì Hoài có máy cưa, số tiền còn lại sau khi trừ chi phí sẽ chia đều cho cả hội.
Những khúc gỗ đã được xe thành tấm để đưa ra rừng |
Sáng ngày 27/6/2015, các đối tượng đi xe máy mang theo các vật dụng và dụng cụ cưa gỗ đến bản Nậm Bống cất dấu xe máy trong rừng rồi đi bộ theo đường rừng ngược trở lại địa phận đất Việt Nam để tìm gỗ khai thác. Khoảng 13h ngày 03/7/2015, các đối tượng bị Tổ tuần tra liên ngành gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Công an và xã đội Hạnh Dịch, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra tuyến biên giới Việt - Lào phát hiện bắt quả tang. Thu giữ 1 máy cưa xăng và các lam cưa, xích cưa; xăng, các dụng cụ khác.
Ngày 5/7/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đã thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường thuộc Khoảnh 11, Tiểu khu 59, là vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thuộc địa phận xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Tại hiện trường để lại 03 cây gỗ sa mu bị khai thác trái phép.
Kết quả trưng cầu xác định có 235,240 m3 Sa mu dầu |
Kết quả trưng cầu giám định 3 mẫu gỗ từ 03 cây gỗ bị khai thác trái phép, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) kết luận, 3 mẫu gỗ giám định cùng một loại gỗ; có tên là Sa mu dầu với khối lượng 235,240 m3.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, tỏ ra ăn năn hối hận và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Hành vi của các bị cáo không những ảnh hưởng về kinh tế, thiên nhiên mà còn ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các bị cáo ngoài gây thiệt hại về khối lượng gỗ sa mu dầu với khối lượng đặc biệt lớn, còn gây thiệt hại đến hệ thực vật rừng xung quanh các cây gỗ bị khai thác trái phép, làm mất nguồn gen quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn.
Bốn đối tượng nhận 19 năm tù giam cho tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng |
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt 4 bị cáo tổng số 19 năm tù giam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, trong đó: Lương Văn Tâm 6 năm tù giam; Vi Văn Hoài 5 năm tù giam; Vi Văn Bình 4 năm tù giam; Cao Minh Quyết 4 năm tù giam. Về dân sự, các bị cáo buộc phải nộp phạt tổng số tiền là 35 triệu đồng./.