Theo báo cáo của IQAir - công ty theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - ô nhiễm không khí trung bình hàng năm ở khoảng 90% quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích đã vượt quá mức hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm mục đích giúp chính phủ các nước xây dựng các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
IQAir thực hiện đánh giá chất lượng không khí thông qua việc đo lường nồng độ phân tử bụi mịn được gọi PM2.5. PM2.5 đến từ các nguồn như đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng, đồng thời có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác.
Dữ liệu về chất lượng không khí trong báo cáo trên được thu thập từ hơn 30.000 máy đo tại 7.300 địa điểm thuộc 131 quốc gia, Reuters đưa tin.
Theo đó, chỉ 6 quốc gia (Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, New Zealand) cùng 7 vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Caribe (gồm cả đảo Guam và Puerto Rico) đều đáp ứng các hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO, tức mức độ tập trung phân tử bụi mịn PM2.5 lý tưởng là 5 microgram trên một mét khối khí (mg/m3) hoặc thấp hơn.
Kết quả khảo sát của IQAir cũng cho biết rằng 7 quốc gia là Chad (ở châu Phi), Iraq, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Burkina Faso, Kuwait và Ấn Độ có chất lượng không khí kém và xa hướng dẫn của WHO với ô nhiễm không khí trung bình trên 50 mg/m3, CNN đưa tin.
Vào tháng 9/2021, WHO đã thắt chặt các hướng dẫn về ô nhiễm không khí hàng năm bằng cách giảm lượng hạt mịn cho phép từ 10 xuống 5 mg/m3.
Trên thế giới, mỗi năm có hàng triệu người tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), trong năm 2016 đã có khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm có liên quan đến vật chất dạng hạt mịn.
Tuy nhiên, nếu các hướng dẫn mới nhất về việc giảm lượng hạt mịn được áp dụng vào thời điểm đó, WHO cho rằng ca tử vong có thể giảm gần 3,3 triệu ca.