Bộ Tư pháp vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành, trong đó, có sự kiện ngành đón nhận Huân chương Sao vàng, Khánh thành Khu Di tích quốc gia Cơ quan Bộ Tư pháp trong Kháng chiến, Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp...
1. Ngành Tư pháp đón nhận Huân chương Sao vàng
Ngành Tư pháp đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng - ghi nhận 65 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Ngành Tư pháp, nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ cán bộ Tư pháp trên con đường phấn đấu vì sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Khánh thành Khu Di tích quốc gia Cơ quan Bộ Tư pháp trong Kháng chiến
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thế hệ Ngành Tư pháp hôm nay đã nỗ lực xây dựng và hoàn thành (giai đoạn 1) Khu Di tích quốc gia Cơ quan Bộ Tư pháp trong Kháng chiến tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, điều mong mỏi trong nhiều năm qua của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp cả nước.
Công trình mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tình cảm và sự tri ân đối với thế hệ cán bộ Tư pháp đầu tiên của nước nhà, đối với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang; ghi sâu những lời dạy có ý nghĩa cốt yếu của Bác Hồ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Ngành:
Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người.
Ở đời và làm người là phải yêu nước thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức.
Phải cố gắng làm cho pháp luật dân chủ ngày càng tốt hơn, nhiều hơn.
Cán bộ Tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân…
3. Giúp Chính phủ hoàn thành việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trong giai đoạn Chiến lược mới 2011 - 2020, Ngành Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sơ kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết trong 5 năm qua, chuẩn bị một bước quan trọng cho việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các khoá XIII và XIV tới đây.
4. Trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô và tổ chức thành công Hội thảo “1000 năm Thăng Long - Hà Nội - Những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước”
Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Tư pháp đã vinh dự được Chính phủ giao chủ trì xây dựng và đã trình Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 vừa qua hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò quốc gia đặc biệt của mình, đồng thời đã tổ chức thành công Hội thảo “1000 năm Thăng Long - Hà Nội - Những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước”.
5. Cơ bản kiện toàn xong hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương
Hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, cơ bản đã kiện toàn xong một phần quan trọng, nhờ đó kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền đạt được tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, giảm mạnh án tồn đọng, đồng thời đã triển khai bước đầu có hiệu quả việc thí điểm mô hình Thừa phát lại tại TP HCM.
6. Quốc hội thông qua Luật Nuôi con nuôi và Việt Nam gia nhập Công ước Lahay về nuôi con nuôi
Lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật Nuôi con nuôi và sau gần 2 chục năm tham dự đàm phán, Chủ tịch nước quyết định việc Việt Nam ký Công ước Lahay về nuôi con nuôi, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế về nuôi con nuôi.
7. Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia được thành lập. Nghị định về bán đấu giá tài sản được ban hành
Bằng việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Quyết định số 2369/2010/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản, lần đầu tiên sau gần 65 năm thành lập nước, đã ra đời Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia ở Trung ương, 05 Phòng Quản lý Lý lịch tư pháp ở 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bộ phận quản lý Lý lịch tư pháp ở các tỉnh trong cả nước, tạo bước ngoặt mang tính lịch sử cho sự phát triển của thiết chế quan trọng này trong một Nhà nước pháp quyền; thể chế về dịch vụ bán đấu giá tài sản được hoàn thiện thêm một bước, tạo bước đột phá đối với công tác bán đấu giá tài sản công, bao gồm cả quyền sử dụng đất, vào nền nếp, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chống lãng phí, tiêu cực.
8. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp lần đầu tiên với tư cách là Đảng bộ cấp trên cơ sở
Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đại hội đầu tiên với tư cách là Đảng bộ cấp trên cơ sở, thời điểm đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp; là điều kiện quan trọng để tiếp tục nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng.
9. Năm tổ chức cán bộ hướng về cơ sở
Tiếp tục Chủ trương hướng về cơ sở, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương kiện toàn cơ bản xong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp; phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thành công việc tổng kết quá trình 25 năm xây dựng và trưởng thành cùng các tổ chức pháp chế, chuẩn bị một bước quan trọng cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Ngành trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước.
10. Thành lập Trường Trung cấp Luật Vị Thanh
Được sự quan tâm phối hợp của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các Sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang, Bộ Tư pháp đã thành lập Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, trường Trung cấp Luật thứ hai của cả nước (sau Trường Trung cấp Luật thành phố Buôn Ma Thuột) và là trường đào tạo luật đầu tiên của Bộ đặt tại khu vực Tây Nam Bộ, tạo bước đột phá về đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực pháp luật cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không những ở trình độ trung cấp mà cả cử nhân và các nghề tư pháp.
PLVN