Đây cũng là bộ ba mẫu xe thường trực trong danh sách ôtô kém khách nhất thị trường Việt Nam.
Trong đó, Mitsubishi Pajero vẫn là cái tên đáng tiếc bởi đây vốn được xem là một trong những mẫu xe việt dã mạnh mẽ nhất thị trường, xếp cạnh Toyota Land Cruiser và Toyota Land Prado.
Nhưng việc Pajero thường rơi vào nhóm bán chậm cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, phân khúc mà Pajero đang tham gia vốn không phải là nơi các hãng xe tập trung vào sản lượng mà chủ yếu nhằm mục tiêu phát triển thương hiệu.
Cũng bởi vậy mà dù được đánh giá cao hơn song mẫu xe gần như cạnh tranh trực tiếp với Pajero là Toyota Land Cruiser cũng dễ rơi vào tình cảnh tương tự. Với phân khúc SUV cỡ lớn này, việc đạt sản lượng bán hàng cao mới là điều bất ngờ.
Chẳng hạn với Land Cruiser, dù sản lượng bán hàng mỗi tháng chỉ một đến hai con số song đó không phải là ế ẩm mà thực tế, việc đạt lượng bán thấp là do hãng xe Nhật Bản chỉ nhập khẩu nhỏ giọt nhằm mục đích phát triển thương hiệu. Thậm chí, người tiêu dùng mua Land Cruiser hay thấp hơn một chút là Land Prado đều phải xếp hàng chờ đợi.
Cũng là đáng tiếc song 2 mẫu xe mang thương hiệu Mekong là Pronto và Premio lại mang ý nghĩa khác. Cả Proton lẫn Premio đều nằm trong các phân khúc đang khá sôi động trên thị trường là bán tải và SUV cỡ trung.
Vấn đề ở chỗ, cho dù giá bán thấp nhưng cả 2 mẫu xe này đều bị đánh giá thua kém khá nhiều so với các mẫu xe cùng hạng từ giá trị thương hiệu, chất lượng đến thiết kế khiến cho khả năng cạnh tranh thấp và việc liên tục lọt danh sách bán chậm nhất thị trường đã trở nên... bình thường.
Với thương hiệu Suzuki, tháng 4/2017 là một bước tiến dài khi chỉ còn 2 mẫu xe nằm trong danh sách kém khách là Ciaz (đứng thứ 7) và Ertiga (đứng thứ 10). Bộ đôi SUV “song sinh” cỡ nhỏ là Vitara và Grand Vitara đã tạm thời rời xa danh sách không mấy vui vẻ này.
Có thể thấy rằng, mức sản lượng bán hàng thấp của đa số các mẫu xe trong danh sách không phải là sự ế ẩm mà ít nhiều phụ thuộc vào chiến lược của từng hãng xe. Từ Toyota Land Cruiser đến Honda Odyssey hay Mitsubishi Pajero đều là những cái tên vốn chỉ mang trên mình “sứ mệnh” thương hiệu chứ không phải mục tiêu bán hàng.
Đây cũng là lý do để tháng 4/2017 xuất hiện một cái tên mới toanh trong danh sách là Chevrolet Trax. Mẫu SUV đô thị này được GM Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc nhằm phát triển thương hiệu. Bởi vậy, khi đưa về Việt Nam, hãng xe Mỹ giữ nguyên mọi trang bị để Trax trở thành mẫu xe hiện đại nhất phân khúc. Đổi lại, giá bán của Trax nhỉnh hơn các đối thủ và theo nhận định, số tiền chênh lệch xem ra vẫn là mức giá hời để người tiêu dùng sở hữu các công nghệ mà Trax đang có.
Cũng bởi không phải “gánh” nhiệm vụ doanh số nên việc những mẫu xe này có lượng bán ra thị trường ít thường không khiến các hãng xe phiền lòng. Với đa số các hãng xe, nhiệm vụ doanh số đã có những sản phẩm khác lo liệu.
Chẳng hạn với Toyota, mẫu sedan cỡ nhỏ Vios đạt sản lượng thấp hay với Honda, City bán chậm mới là điều đáng lo ngại. Vấn đề là Vios hay City lại thường xuyên góp mặt trong nhóm xe bán chạy nhất thị trường.
Tháng 4/2017, thị trường ôtô Việt Nam không có tác động gì đáng kể từ chính sách. Thế nhưng, tổng sức mua trên toàn thị trường lại bất ngờ lao dốc mạnh ở ngay thời điểm được cho là đáng ra sẽ tiếp tục tăng lên.
Sự sụt giảm bất ngờ về sức mua cũng ít nhiều lý giải cho hiện tượng xáo trộn ở cả danh sách xe bán chạy nhất và xe kém khách nhất. Trong bối cảnh này, sẽ rất khó để dự đoán được tình hình thị trường thời gian tới. Và, cũng không loại trừ khả năng danh sách xe kém khách nhất sẽ còn tiếp tục có sự xáo trộn mạnh cùng sự xuất hiện của vài cái tên mới.