Điểm mới và đáng chú ý nhất trong thông tư vừa ban hành là quy định tại điều 37 về việc đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu nhựa (PET) được khuyến khích thực hiện trước ngày 31-12-2020. Điều này có nghĩa là chỉ khuyến khích người dân thực hiện, đồng thời bỏ tất cả quy định bắt buộc người dân phải đổi GPLX bằng giấy sang vật liệu PET trong Thông tư 58/2015/TT-BGTVT.
Thông tư 12/2017/TT-BGTVT cũng quy định người có GPLX có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi GPLX trước khi hết thời hạn sử dụng; người có GPLX bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi GPLX trước thời hạn.
Trước đó, điều 57 của Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định đổi GPLX ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET phải thực hiện xong trước ngày 31/1/2016; GPLX mô tô không thời hạn, GPLX các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng của thời hạn này, người có GPLX bằng giấy chưa đổi sang thẻ PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp GPLX mới. Với quy định này, nhiều người đã ồ ạt đi đổi GPLX vì sợ phải thi lại khiến nhiều điểm đổi GPLX quá tải.
Bộ GTVT bỏ quy định buộc đổi bằng lái xe vật liệu giấy sang nhựa PET |
Cuối năm 2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” quy định tại Thông tư 58 về lộ trình chuyển đổi GPLX sang thẻ PET. Cơ quan này cho rằng việc buộc người dân chuyển đổi GPLX bằng giấy sang thẻ PET là không có cơ sở pháp lý, đồng thời đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng nội dung gây nhiều tranh cãi này. Bộ GTVT đã phải xây dựng dự thảo Thông tư 12 theo hướng bỏ những quy định trái luật đã nêu.
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), khẳng định về nguyên tắc, GPLX còn thời hạn hay vô thời hạn thì người dân được sử dụng bình thường, lực lượng CSGT không thể xử phạt.
Theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, GPLX là một loại giấy tờ để người dân chứng minh một quyền của mình. Nếu muốn quy định về thời hạn của GPLX thì phải được quy định từ cấp nghị định của Chính phủ trở lên, cấp bộ hay địa phương không có quyền đó.
Ông Sơn cũng cho hay vừa qua, nhiều cơ sở cấp đổi GPLX luôn trong tình trạng quá tải, chưa kể vì muốn làm nhanh thì người dân phải mất thêm tiền cho “cò” dịch vụ.
Đánh giá về những bất cập do Thông tư 58/2015/TT-BGTVT gây ra, TS Lê Hồng Sơn cho rằng thông tin được nêu trong đó là tùy tiện khiến người dân lo sợ nếu không đi đổi GPLX thì sẽ bị xử phạt tiền và thi lại lý thuyết để được cấp mới. Điều đó có nghĩa đã gây ảnh hưởng tới quyền sử dụng tài sản của người dân và làm cho người dân hiểu sai. Do đó, phải xử lý trách nhiệm của những người đưa ra nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định đó.
“Cần xử lý kỷ luật những cán bộ này chứ không thể chỉ xử lý theo kiểu rút kinh nghiệm” - ông Sơn bày tỏ và nói Bộ GTVT đã ban hành văn bản có quy định trái luật như thế thì ít nhất phải có lời xin lỗi người dân, còn cao hơn xin lỗi là xác định trách nhiệm của mình để xử lý hậu quả.