Chuyện tình bên sông Lam

Từ một người lính đẹp trai, sau 5 năm gia đình nhận được giấy báo tử, anh trở về lưng còng rạp, hàm răng trên bị cày nát... Và lá thư 16 trang của người liệt sỹ không được con nhận cha ấy đã được lưu trong Những lá thư thời chiến đầy nước mắt và nghiệt ngã...

Có những chuyện tình đẹp hơn tiểu thuyết. Có những nỗi  đau nghiệt ngã hơn mọi nỗi đau. Từ một người lính đẹp trai, sau 5 năm gia đình nhận được giấy báo tử, anh trở về lưng còng rạp, hàm răng trên bị cày nát... Và lá thư 16 trang của người liệt sỹ không được con nhận cha ấy đã được lưu trong Những lá thư thời chiến đầy nước mắt và nghiệt ngã. Đó là một câu chuyện tình bên bờ sông Lam (thôn Luân Phượng, Thanh Chương, Nghệ An)...

Lê Thị Minh ( phải) và con gái Nguyễn Tuyết Mai
Bà Lê Thị Minh (phải) và con gái Nguyễn Tuyết Mai

Yêu em từ thưở bế bồng

Anh sinh năm 1934, chị sinh năm 1942, nhà chị và nhà anh cách nhau chỉ một bờ rào, hai nhà rất thân thiết nhau. Thậm chí, chị nhớ rằng, ngày bé anh từng bế bồng, tắm cho chị. Thế rồi, lớn lên, anh đi bộ đội khi chị hãy còn là trẻ con nhưng hai ông bố đã hẹn ước sẽ dựng vợ, gả chồng cho bọn trẻ.

Năm đó, cô gái bé nhỏ Lê Thị Minh mới học lớp 6 nhưng đã là một thiếu nữ xinh xắn nhất làng. Vào năm 1961, Nguyễn Trí Phước nhận được thư bố giục về cưới vợ, anh sắp xếp xin nghỉ phép 10 ngày. Thế nhưng, dù rất quý mến Phước song Minh vẫn muốn ít ra phải học hết lớp 8 rồi mới cưới. Mười ngày phép ít ỏi mau chóng sắp hết, cho tới lúc anh chuẩn bị gói ghém hành trang trở về đơn vị thì cô lặng lẽ gật đầu đồng ý dù thấy mình cũng chưa thật sự sẵn sàng.

Dù vậy, đêm tân hôn ấy,  anh phải “cầu cứu” cô em họ rồi cả cô em gái vào ở với cô dâu, còn chú rể thì mắc màn dã chiến ngủ ngoài vườn. Sau đám cưới, Phước đi học rồi đăng ký đi B nên anh phải làm đám cưới cho cha mẹ yên lòng.

Một năm sau, Phước về gặp Minh, tha thiết bày tỏ tâm nguyện muốn được có một đứa con. Anh nói: “Anh đi chuyến này không biết khi mô mới về, nỡ ra có chuyện chi không hay thì anh còn có giọt máu gửi lại...”. Và năm 1963, cô con gái đầu lòng Tuyết Mai chào đời, anh xin về chăm vợ con được 10 ngày rồi lại phải quay quả trở về đơn vị. Cho tới khi bố chồng đau rồi mất, anh cũng về nhà được thêm vài ngày nữa. Và trước khi đi B vào năm 1965, anh được về phép ba ngày. Mặc dù thời gian đó anh đã được đi học trung cấp kĩ thuật và được giữ lại trường, nhưng anh đã tình nguyện xin vào chiến trường.

Chị ngậm ngùi, là người lính cụ Hồ, hai người sống với nhau thực tế chỉ trên những lá thư chồng vợ chứ thời gian chẳng được là bao. Thế rồi ngày chị phải bồng con tiễn chồng ra trận cũng đã tới, anh day dứt: “ Anh đi có một băn khoăn, đó là em thì vẫn phải đi học, con dại, mẹ già và các em phải gánh vác, không biết em có vượt qua được hay không?”. Nói tới đây, đôi mắt chị đỏ hoe, “ Tôi rất bịn rịn, gạt nước mắt tiễn chồng và nói: Anh cứ yên tâm. Em ở lại hậu phương sẽ làm tốt và xứng đáng với trách nhiệm của người mẹ, người con, người chị, anh đi lập dược nhiều chiến công, đánh đuổi giặc Mỹ, ngày thống nhất đất nước anh về với con, với em”. Anh nói: “ Thôi thì mẹ già, con dại, em thơ- tất cả trông nhờ em”.

Dù rất bịn rịn, ra tới đầu làng, anh cứ bảo chị: “thôi em bồng con về anh mới đi được”, rồi anh rảo bước rất nhanh, nhưng chị thì cứ muốn níu anh lại, đi chậm lại để được gần nhau thêm chút nữa...

Khao khát một lần nghe con gọi “ cha”

Anh đi, gánh nặng đè lên đôi vai người vợ trẻ: vừa chăm sóc mẹ chồng đau ốm triền miên vừa lo cho ba đứa em chồng ăn học, rồi con thơ! Cánh rừng ở bên kia sông Lam cách nhà hơn chục cây số đã in đầy dấu chân của chị, cả những lúc máy bay gầm thét trên đầu. Rồi tờ giấy báo nhập học (sư phạm) đến với chị đúng ngày mẹ chồng mất!

Anh đi biền biệt như vậy, suốt từ năm 1965 tới năm 1967, cô mới nhận được liền một lúc hai lá thư của chồng, trong đó chỉ có một thư viết bằng mực nho là đọc được, còn lại lá thư kia đã ố và nhòe nhoẹt nước nên không thể đọc nổi.

Năm 1968, tin báo tử gửi về khi chị đang đứng lớp. Chị không tin vào sự thật, tất cả như sụp đổ. Năm đó Minh mới 22 tuổi, Tuyết Mai chưa đầy 5 tuổi. Từ đó, mẹ con chỉ biết nương dựa vào nhau. Một lần, một người bạn của anh Phước từ chiến trường trở về, trước khi hy sinh, anh đã nhờ người bạn nói lại với chị rằng: “ Anh chỉ có một giọt máu trên đời là Tuyết Mai, mong em hãy vững vàng và  dành thật nhiều tình thương cho con...”, dù anh nhắn nhủ vậy, nhưng trong tâm thức người thiếu phụ, chị nguyện sẽ là người vợ mãi mãi trọn vẹn với anh.

Thê rồi, một chiều tháng 7/1973, có người bộ đội còn trẻ nhưng lưng còng rạp, chống gậy đi trên đường đê làng Luân Phượng.  Anh gặp một ông lão và đám trẻ đang câu cá bên mương. Người bộ đội bật khóc nhận ra cha vợ: “Cha! Con là Phước đây!”. Ông lão ngỡ ngàng, cố mở to đôi mắt lèm nhèm...

Rồi cả hai ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào. Ông chỉ vào đám trẻ đang nô đùa, bảo: “Con coi trong nớ Tuyết Mai là đứa mô?”. Bằng linh cảm của một người cha, anh chạy tới ôm chầm lấy Tuyết Mai. Nhưng con bé vùng ra, bỏ chạy. Anh ngơ ngác, hụt hẫng, thẫn thờ nhìn đứa con gái ngày anh đi mẹ bồng trên tay giờ đã là cô bé 10 tuổi, hãi hùng chạy vụt đi...

Còn cô giáo Minh, hay tin chồng trở về bèn bỏ lớp sấp ngửa chạy về. Nhìn thấy anh, chị chết lặng. Chiếc xe đạp trong tay đổ sập xuống đường, cô dúi dụi vào bụi chè tàu, ngất lịm... Nguyễn Trí Phước của cô bằng xương bằng thịt vẫn còn sống. Nhưng sao lại là một hình hài thế này: khuôn mặt biến dạng, tấm lưng rắn chắc nay đã còng rạp, hàm răng trên bị cày nát...? Sau 5 năm bị biệt giam ở nhà tù Phú Quốc, anh đã bị tra tấn dã man tưởng không có ngày về.

Nhưng đối với chị, miễn rằng anh trở về, dẫu rằng hình hài không trọn vẹn nhưng chỉ có anh và chị hiểu hơn ai hết sự trở về, sự sum họp quý giá biết nhường nào. Nhưng, điều đau lònglà  đứa con gái, mầm sống anh đã gửi lại trên đời ngày nào, tưởng rằng đã không còn cơ hội gặp lại, nhất định không chịu chấp nhận người cha kì dị, không giống cha Phước trong ảnh của nó. Trong tấm hình mà mẹ gìn giữ, cha Phước của nó là một chú bộ đội đẹp trai với nụ cười hiền chứ đâu có “đáng sợ” tới vậy.

Và rồi những bữa cơm mong ước sau bao năm khắc khoải, chan đầy vị mặn của nước mắt và vị đắng của nỗi đau. Đêm, anh trằn trọc không ngủ, cứ thở dài rồi khóc với vợ: “Tưởng gặp lại sẽ được con yêu thương quấn quýt. Không ngờ...”. Chị lặng người, thương chồng nước mắt ướt đầm gối.

Và rồi, suốt một tháng bên vợ con, anh chỉ mong một lần con bé gọi mình là cha, hoặc không, nhìn mình với ánh mắt thiện cảm hơn, nhưng nhất định con bé không nghe. Nó luôn tạo khoảng cách và cau có với người bộ đội nhận là cha Phước.

Rồi tới ngày anh trở lại trại diều dưỡng. Nỗi đau khôn nguôi khi đứa con gái nhỏ bình thản như không hề có cuộc chia ly. Về đến đơn vị, anh gửi cho vợ một lá thư dài 16 trang viết trên giấy xi măng đã lem nhòa nước mắt: “Mỗi lần ngồi chuyện trò với bầu bạn, họ kể chuỵên tình cảm về con cái của họ, em có biết anh nghĩ gì và làm gì lúc đó không?. Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi nghĩ đến con mình đối xử với mình trong những ngày qua, rồi lặng lẽ bỏ đi. Mỗi lần anh nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội mà lòng anh phải phát ghen lên vì tình cảm ấy”.  Và anh cố tỏ ra bình thản, chấp nhận sự thật phũ phàng kia.

“...Nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha, thì anh sẽ vui lòng cho con gọi anh bằng “chú bộ đội”. Để “chú bộ đội” được phép gần gũi bên “cháu Tuyết Mai” dăm ba phút cho đỡ tủi lòng... Anh đã nhận được của em hai lần thư và cả hai lần anh cũng chưa nhận được của con một chữ nào. Có lẽ con lo bận học, bận nuôi gà, chăm lợn, bận nấu ăn và cả bận chơi nữa nên nó không có thời gian để gửi thư cho cha nó. Em nói với con là cha nó đang ở xa nhà lắm. Cha nó bây giờ không như trong trí tưởng tượng của nó đâu”.

Năm 1974, anh chuyển về làm ở huyện đội Thanh Chương. Cứ thứ bảy, chủ nhật chị lại chở con ra ở với anh. Tuyết Mai vẫn không chịu nói với anh một lời. Chị có thai, nó đấm vô lưng chị: “Để đẩy em bé không phải con cha Phước ra!”. Chị dọa nó: “Không chịu gọi cha, mẹ đẻ em bé ra bắt Mai phải nghỉ học trông em rồi đi chăn dê”. Nó sợ, những lúc không có ai mới gọi “cha” lí nhí. Thế cũng đủ làm anh sung sướng khôn nguôi.

Nhưng rồi một lần, trong bữa cơm có thịt gà, anh chị nói đùa với Tuyết Mai, rằng nếu không gọi cha sẽ không được ăn thịt gà. Nào ngờ, nó thình lình hất đổ mâm cơm văng tung tóe, mắt loang loáng nước: “Răng không phải cha Phước mà cứ bắt gọi bằng cha?!”. Bữa cơm trở nên nghẹn đắng...

Sau bữa đó, anh ít nói hẳn. Vết thương cũ tái phát, anh nhập viện khi chị vừa sinh cậu con trai út mới ba ngày! Tháng 11-1975, anh ra đi khi vừa đoàn tụ với gia đình gần hai năm, mang theo nỗi đau suốt đời của người khao khát được nghe con gọi một tiếng “cha”. 

Năm đó, 33 tuổi, chị lại thêm một lần chao đảo, đớn đau tột cùng khi anh thực sự rời bỏ cuộc sống. Anh thực sự trở thành liệt sỹ. Người thiếu phụ trải qua thời xuân xanh đầy truân chuyên ấy quyết thờ chồng nuôi con và mang theo tình yêu thương sâu thẳm với người chồng chịu nhiều đớn đau về thể xác và tinh thần. Dẫu cho sau 14 năm trở thành chồng vợ, thời gian sống bên nhau theo như anh nói với chị “chúng ta sống bên nhau may ra 4 tháng là cùng...”.

Vĩ thanh

Dường như trong kí ức mỗi người, chiến tranh đã trôi qua lâu lắm rồi nhưng sự nghiệt ngã của chiến tranh vẫn còn hiện hữu đâu đó trong cuộc sống. Thời gian trôi qua, cô bé Tuyết Mai ngày nào giờ đã là hiệu trưởng trường THCS Thanh Thịnh (Thanh Chương- Ngệ An) và là mẹ của hai cậu con trai và đã thấu hiểu tình mẫu tử, phụ tử thâm sâu.

Dù không cố ý, nhưng cô bé Tuyết Mai như đã là hiện thực của truyện ngắn Chiếc lược ngà của anhà văn Nguyễn Quang Sáng nhưng nếu như trong truyện là một kết thúc có hậu, thì ngoài đời, người cha của cô đã mang theo nỗi đớn đau khắc khoải tuyệt vọng bởi  vết tích của chiến tranh đã hằn sâu lên hình hài anh. Còn cô con gái duy nhất, dẫu vô tội trong sự non nớt của mình cũng mang theo nỗi ân hận suốt một đời, dẫu cho đã quá muộn màng...

Nguyệt Thương

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.