Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam bày tỏ như trên trong Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký Hộ khẩu ở Việt Nam” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức hôm qua (16/6).
Gần 6 triệu người không có hộ khẩu
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong một cuộc khảo sát định lượng đăng ký hộ gia đình vào năm 2015 cho biết, có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (chỉ đăng ký tạm trú), trong đó 36% dân cư ở TP HCM và 18% ở Hà Nội. Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế.
Ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế, nhóm toàn cầu về Nghèo và Công bằng của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Những người đăng ký tạm trú vẫn đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận một số dịch vụ công. Trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở của thành phố, thậm chí sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của đặc điểm của cá nhân và hộ gia đình.
Ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nhập học chung là như nhau, nhưng những trẻ tạm trú dễ phải đi học tại các trường tư với chi phí cao hơn. Một số người tạm trú cũng gặp trở ngại trong việc đăng ký khám chữa bệnh ở địa phương nơi họ cư trú. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe”.
Về hệ thống đăng ký hộ khẩu hiện nay, nhiều người dân có quan điểm không thống nhất. Một số bày tỏ sự ủng hộ đối với nhiều thành tố của hệ thống này, họ cho rằng việc duy trì hệ thống này giúp đảm bảo an ninh trật tự và hạn chế di cư.
Đồng thời, đa số người dân lại cho rằng hệ thống này làm hạn chế quyền của những người không có hộ khẩu thường trú, tạo cơ hội cho tiêu cực tham nhũng. Do đó, hệ thống cần thay đổi để giảm bớt khó khăn đối với người dân. Sự ủng hộ một cách có điều kiện với hộ khẩu xuất phát từ việc hệ thống này đã ăn sâu bám rễ trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam. Phần lớn người dân nhìn nhận hệ thống hộ khẩu như một phần chức năng của chính quyền.
Tại Hà Nội, 75% số người đăng ký thường trú đồng ý, trong khi ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ 54% đồng ý về việc duy trì hộ khẩu. Một trong những động cơ chính để duy trì hệ thống hộ khẩu chặt chẽ theo ý kiến của cả người dân và nhà hoạch định chính sách là nhằm giảm tình trạng nhập cư vào các thành phố.
Các nhà quản lý địa phương đặc biệt lo ngại về các gánh nặng mà những người nhập cư mới sẽ đặt lên các dịch vụ công. Về mặt ngân sách, có những quan ngại đối với ngân sách địa phương, đặc biệt đối với vấn đề y tế và giáo dục với sự gia tăng người nhập cư.
Bất bình đẳng cơ hội cho người dân
Các rào cản mà những người tạm trú gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ và việc làm công là không công bằng. Những rào cản đó còn có tác động đối với trẻ em, chẳng hạn liên quan đến bảo hiểm y tế và giáo dục. Đây là điều đặc biệt đáng quan ngại vì chúng hạn chế khả năng di động xã hội liên thế hệ. Thứ hai, hệ thống này đang gây ra các chi phí thông qua việc gia tăng các chi phí di cư vào thành phố.
“Nghiên cứu này chỉ ra rằng hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam”- ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam”.
Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư.
Ngày nay, người dân có những quan điểm khác nhau về hệ thống hộ khẩu, và đa số đều cho rằng hệ thống này cần được nới lỏng hơn do đã hạn chế quyền lợi của người di cư và tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng như trường hợp của một lao động nữ thời vụ, phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM kể: “Tôi đã chi 2 hoặc 3 triệu đồng để có sổ tạm trú. Sau đấy họ đòi thêm 2 triệu để có “hộ khẩu” nhưng tôi không có tiền”.