Xây dựng hãng luật chuyên nghiệp

Trước năm 2000, phần lớn các công ty luật Việt Nam thực hiện “Outsourcing” (thuê ngoài) cho các công ty luật trong nước. Cho đến nay, sau một thập kỷ, Việt Nam đã có những hàng luật tầm cỡ và cạnh tranh sòng phẳng với các công ty luật nước ngoài như: YKVN, Vilaf Hồng Đức, Luật Việt, Indochine Counsel, Phước & Partners, Nghiêm & Chính...  

Trước năm 2000, phần lớn các công ty luật Việt Nam thực hiện “Outsourcing” (thuê ngoài) cho các công ty luật trong nước. Cho đến nay, sau một thập kỷ, Việt Nam đã có những hàng luật tầm cỡ và cạnh tranh sòng phẳng với các công ty luật nước ngoài như: YKVN, Vilaf Hồng Đức, Luật Việt, Indochine Counsel, Phước & Partners, Nghiêm & Chính...  

NHÌN THẤY CƠ HỘI TỪ KHỦNG HOẢNG

Xuất thân từ hãng luật White & Case (Mỹ), Luật sư Điều hành YKVN, Trương Nhật Quang thừa nhận: “Đôi khi khủng hoảng lại là cơ hội. Đối với YKVN chúng tôi đã nắm bắt được cơ hội từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Á châu năm 1997. Thời gian đó, nhiều công ty luật nước ngoài, điển hình như White & Case rút đi và cơ hội đã mở ra trước mắt chúng tôi”.

Xây dựng hãng luật chuyên nghiệp ảnh 1
 

Ông Quang cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nhờ kinh nghiệm làm việc mà mình học được tại White & Case, nhờ nguồn khách hàng mà White & Case để lại, YKVN đã thực sự lớn mạnh như hiện nay. Khi chúng tôi đặt vấn đề về câu chuyện chuyên nghiệp, ông bộc bạch: “Quả thực, lúc đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là làm thế nào có một công ty luật của người Việt phục vụ cho doanh nghiệp Việt. Chúng tôi ra đời vào thời điểm khó khăn về kinh tế. Hơn thế, chuyện các doanh nghiệp Việt hiểu và sử dụng dịch vụ luật là điều gì đó quá lạ lẫm, sử dụng một công ty luật Việt Nam càng lạ lẫm hơn. Do vậy lúc đầu chúng tôi chưa hề nghĩ đến sự chuyên nghiệp mà chủ yếu là ‘chạy ăn từng bữa’”.

Tuy nhiên, sau khi thoát khỏi bóng lớn White & Case, YKVN đã trở thành một hãng luật nổi tiếng khi thực hiện những giao dịch tầm cỡ như: tư vấn cho Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thuỷ Sản Việt Nam (VASEP) tiến hành chống lại việc nhập khẩu cá fi-lê đông lạnh từ Việt Nam vào Mỹ; tư vấn cho Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong giao dịch mua 4 máy bay Boeing 777; tư vấn cho Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong giao dịch mua 3 máy bay Airbus A321-231; tư vấn cho Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Malaysia, Fortis Bank, ANZ Investment Bank, và Credit Lyonnais trong giao dịch tài trợ dự án Nhà Máy Nước Thủ Đức theo hình thức BOT; tư vấn cho Chính Phủ Việt Nam và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam trong giao dịch phát hành trái phiếu Brady nhằm xử lý nợ thương mại của Việt Nam qua Câu Lạc Bộ London; tư vấn cho Procter & Gamble trong giao dịch tái cơ cấu Công Ty Procter & Gamble Vietnam...

Không chỉ có thế, năm 2010, YKVN lại một lần nữa được Tạp Chí Luật Tài Chính Quốc Tế (International Finance Law Review- IFLR) trao giải "Công Ty Luật Quốc Gia Trong Năm" (National Law Firm of the Year) của Việt Nam, đây là lần thứ 4 họ nhận giải thưởng này.

Trường hợp của Vilaf – Hồng Đức cũng tương tự. Thành lập vào năm 1993, khi mới ra đời, VILAF- Hồng Đức được sự hỗ trợ toàn diện của Clifford Chance, một hãng luật nổi tiếng của Anh. Trong chừng mực nào đó, có thể nói vào thời điểm này VILAF- Hồng Đức gần như khuất sau cái bóng của Clifford Chance. Cũng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, năm 2000, Clifford Chance đóng cửa văn phòng tại Việt Nam. Đây quả là một “cú sốc” nhưng nó cũng lại là một cơ hội.

Nếu không có sự ra đi của Clifford Chance, có lẽ, Vilaf-Hồng Đức vẫn mãi làm “cái bóng” của Clifford Chance mà thôi. Và đúng thời điểm đó, nhìn thấy cơ hội Vilaf-Hồng Đức đã vươn vai lớn dậy, và họ đã đi theo một sứ mệnh: “Cùng nhau góp sức xây dựng một hãng luật mang tầm quốc tế”. Và cho đến nay Vilaf-Hồng Đức cũng đã là “tên tuổi lớn” trong các hãng luật tại Việt Nam. Và Vilaf-Hồng Đức cũng thực hiện nhiều giao dịch quan trọng như: Dự án BOT Phú Mỹ, sáp nhập Shell Petronas, Dự án Eximbank Việt Nam... Và họ cũng nhận rất nhiều danh hiệu của các tạp chí uy tín như: Legal 500, ALB, IFLR... trao tặng.

Tháng 04.2010, lần đầu tiên Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Doanh Nhân & Pháp Luật trao tặng danh hiệu “Hãng luật của năm” cho 10 tổ chức hành nghề luật sư (LS),  gồm Công ty luật TNHH Invest Consult; Công ty luật hợp danh YKVN; Công ty luật TNHH Quốc tế Việt Nam- Vilaf Hồng Đức; Công ty luật hợp danh Luật Việt; Công ty luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam; Công ty luật TNHH  SmiC; Công ty luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh - Vision & Associate; Văn phòng LS Bizlink; Công ty luật hợp danh Nghiêm và Chính; Văn phòng LS Đức Quang, như là một sự thừa nhận và vinh danh chính thức với các công ty luật đang hành nghề tại Việt Nam.

CON NGƯỜI VÀ QUY TRÌNH LÀM NÊN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Nhớ lại giai đoạn đầu mới vào nghề, Luật sư Quang chia sẻ: “Khi chúng tôi được White & Case tuyển dụng vào thực tập, họ cho chúng tôi làm những việc ‘nhỏ nhặt’ như: viết thư cho khách hàng. Lúc đầu chúng tôi nghĩ đấy là những việc ‘vô thưởng vô phạt’ nhưng dần dà chúng tôi hiểu rằng đó là những bước cơ bản để trở thành chuyên nghiệp.”

“Một hãng luật có thể gọi là chuyên nghiệp khi hãng đó xác định rõ đối tượng phục vụ (khách hàng), lĩnh vực dịch vụ (lĩnh vực chuyên môn mà mình có thể mạnh), và khi đã nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thì đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết với khách hàng”, ông Đặng Thế Đức, Luật sư Điều hành của Indochine Counsel phân tích khi chúng tôi hỏi về tính chuyên nghiệp.

Một người khác, Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Việt thì cho rằng: “Một hãng luật được xem là chuyên nghiệp khi và chỉ khi có đội ngũ nhân viên đáp ứng được một số tiêu chí sau: làm việc có kế hoạch; có tinh thần trách nhiệm đối với công việc.”

Cũng khá đồng điệu với những ý kiến trên, nhưng ông Nguyễn Gia Huy Chương, Luật sư điều hành Hãng luật Phước & Partners lại đi vào những tiêu chí hết sức cụ thể: Về tính đa dạng nhưng chuyên biệt của dịch vụ pháp lý; về chất lượng (tốc độ đồng thời với sự chính xác); tác phong hành xử, tác nghiệp của luật sư; cơ sở vật chất của hãng luật; đội ngũ luật sư, chuyên viên và nhân viên; cơ chế quản lý và phát triển nhân sự thông minh – khoa học; lương – thưởng; chính sách đào tạo; sự đánh giá – công nhận của khách hàng/ các tổ chức, hiệp hội – tạp chí nghề nghiệp – truyền thông... làm nên tính chuyên nghiệp.  

Tuy nhiên, ý kiến nổi bật nhất và được nhiều luật sư thừa nhận và chia sẻ nhất chính là: quy trình làm việc và đội ngũ nhân sự. Theo luật sư Quang, YKVN “con người chính là yếu tổ thể hiện sự chuyên nghiệp của hãng luật. Họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có kỹ năng sống tốt và đạo đức. Bên cạnh đó cần có quy trình cụ thể, chi tiết nhằm đem đến cho khách hàng sự hài lòng nhất.”

“Sự chuyên nghiệp  chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất đều phải được thiết lập đồng bộ, nhất quán, hợp lý.”, ông Cảnh, Luật Việt nói rõ thêm.  

Còn theo ông Đức, Indochine Counsel: “Để hình thành một hãng luật chuyên nghiệp, thì quan trọng nhất là phải xây dựng và phát triển được một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, là phần “hồn” của một hãng luật chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của một hãng luật phải được thể hiện qua tính chuyên nghiệp của từng luật sư của hãng. Ngoài khả năng chuyên môn, tính chuyên nghiệp của từng luật sư được thể hiện qua tác phong làm việc, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc độc lập, tính kỷ luật trong công việc …”

Ông Chương, công ty luật Phước & Partners cũng thừa nhận: “Từ cổ chí kim, con người là yếu tố quyết định đến mọi vấn đề, là trung tâm của sự phát triển, và của mọi thành công. Và với một hãng luật thì từ người sáng lập hoặc điều hành hãng luật đến mỗi nhân viên làm việc trong hãng luật đều là nhân tố quan trọng để làm nên tính chuyên nghiệp”.

“Thực ra, hãng luật chuyên nghiệp không nhất thiết phải thực hiện thành công các giao dịch lớn mà quan trọng là họ làm hài lòng khách hàng ngay cả khi đó là những giao dịch rất nhỏ. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ngay khi mời khách hàng dùng nước ở lần gặp gõ đầu tiên”, ông Quang, YKVN chia sẻ thêm.

CÁC HÃNG LUẬT VIỆT NAM  TRÊN ĐƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP

Ông Quang, YKVN, một người nổi tiếng trong giới hành nghề luật sư tại Việt Nam khi được hỏi về các công ty luật chuyên nghiệp cũng không có câu trả lời cụ thể: “Tôi không có nhiều thông tin. Tôi chỉ làm việc với một vài hãng do vậy cũng chưa biết thật sự năng lực của họ. YKVN của chúng tôi nếu có thể nói là chuyên nghiệp thì phải từ những năm 2004 trở lại đây mới định hình rõ nét”.

“Chắc khoảng 7 đến 10 hãng luật Việt Nam, trong chừng mực nào đó, cũng giống như P&P đã xác định được các mục tiêu và đang thực hiện các tiêu chí để trở thành hãng luật chuyên nghiệp”, ông Chương, P&P phỏng đoán.

Một điều dễ nhận thấy sự xác định về tính chuyên nghiệp của các hãng luật rất khó khi ý thức của doanh nghiệp, người dân về dịch vụ luật là chưa nhiều. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI thì: “Qua khảo sát trước đây của chúng tôi thì DN Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, ít tiền nên rất ít sử dụng dịch vụ của các hãng luật chuyên nghiệp. Chưa đến 1% DN đăng ký có sử dụng.

Doanh nghiệp Việt Nam thường hoạt động theo kiểu thị trường có gì thì kinh doanh cái đó nên biến động thường xuyên và không cần đến tư vấn chiến lược. Các doanh nghiệp chủ yếu chú trọng tới góc độ kinh tế, lợi nhuận chứ ít chú ý đến vấn đề rủi ro pháp lý. Kinh doanh chủ yếu dựa trên quan hệ, niềm tin, tư duy pháp lý chưa thể hiện rõ.”

Theo ông Đức, Indochine Counsel: “Đối với việc đánh giá một hãng luật hay cá nhân từng luật sư, khách hàng đứng ở vị trí trung tâm và tiếng nói của khách hàng là yếu tố quyết định. Đối tượng phục vụ của luật sư là khách hàng. Khách hàng ở vị trí phù hợp nhất để trả lời xem chất lượng dịch vụ, độ tin cậy, tính chuyên nghiệp, khả năng đáp ứng tới đâu yêu cầu của họ …”

Chính vì là “trung tâm” nhưng khi ý thức của họ còn ít, nhu cầu của họ chưa nhiều thì việc một hãng luật vươn đến tính chuyên nghiệp ở tầm mức nào còn cần phải có thời gian.

Từ mà ông Quang, YKVN chia sẻ với chúng tôi là “nước lên thì thuyền lên”. Ông Quang cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam còn quá nhỏ bé. Hơn thế, quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn khá hạn chế. Nếu các hãng luật muốn trở nên chuyên nghiệp thì khách hàng của họ cũng phải là những người khó tính và chuyên nghiệp.” Do vậy, thực tế năng lực và tính chuyên nghiệp ở các hãng luật Việt Nam còn khá khiêm tốn và có vẻ như đang ở thì tương lai.

“Thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, nên khó đòi hỏi một hãng luật chỉ đi sâu vào vài lĩnh vực hẹp. Indochine Counsel tập hợp các luật sư trong và ngoài nước, đã từng hành nghề tại các hãng luật trong nước lẫn nước ngoài. Luật sư muốn trở thành chuyên nghiệp thì ngoài nỗ lực và tố chất cá nhân, còn phụ thuộc vào cái nôi nơi luật sư đó trưởng thành, trong đó quan trọng nhất là loại việc được giao và người “cựu binh” kèm cặp. Chúng tôi hy vọng mình sẽ là một cái nôi như thế.”, ông Đức, Indochine Counsel chia sẻ thêm.

Từ một góc nhìn khác, Ông Huỳnh, VCCI nhận định về việc hướng đến các chuẩn chuyên nghiệp: “Vướng mắc thứ nhất là quan niệm về thù lao cho luật sư. Hiện nay thù lao rất khó tính. Ở những thị trường chuyên nghiệp thù lao luật sư thường tính theo giờ và theo từng “đẳng cấp” của các luật sư . Còn ở Việt Nam thì chưa rõ, trong luật thì nói theo thỏa thuận nhưng không nói tính theo giờ hay trọn gói theo vụ.”

Từ góc nhìn của riêng mình, ông Cảnh, Luật việt đưa ra một số khó khăn: Vấn đề ngoại ngữ của các luật sư, vấn đề truyền thông và sau cùng là nhân sự. “Hiện nay, nhiều luật sư có tâm lý muốn đầu quân vào những hãng luật danh tiếng, những hãng luật “ngoại” vì thế việc ổn định vấn đề nhân sự để tạo ra một môi trường làm việc ổn định lâu dài không phải là chuyện dễ.”, ông Cảnh nói.

“Theo tôi, các hãng luật đang cần tiền để trở nên chuyên nghiệp. ở YKVN nhiều khi chúng tôi muốn đầu tư nhưng không thể đi vay được vì đó là quy định với riêng ngành luật. Một khi thị trường xuống thì rất khó khăn. Do vậy, nếu được nhà nước nên miễn thuế trong một thời gian để các hãng luật có thể đầu tư để trở nên chuyên nghiệp”, ông Quang YKVN thẳng thắn.

TỰ TIN CẠNH TRANH VỚI HÃNG LUẬT NƯỚC NGOÀI

Khi được hỏi về sự khác biệt và khả năng cạnh tranh với các hãng luật nước ngoài tại Việt Nam chúng tôi nhận thấy một sự lạc quan.

“Cách đây 10 năm vấn đề này khá rõ ràng. Tuy nhiên hiện nay, ranh giới của sự khác biệt này đang dần bị thu hẹp và có nhiều phần đã bị xóa bỏ. Nhiều hãng luật Việt Nam (chỉ do các luật sư Việt Nam thành lập và điều hành) đang được sếp ngang hàng với các hãng luật quốc tế khác đang hành nghề tại Việt Nam về cả (a) Quy mô hoạt động; (b) Loại hình dịch vụ cung cấp và đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ; (c) chất lượng đội ngũ luật sư và nhân viên; (d) cơ sở vật chất của hãng luật”, Ông Chương P&P phân tích.

Với ông Quang YKVN, chuyện cạnh tranh với các hãng luật nước ngoài bắt nguồn từ 2 lý do hết sức quan trọng: “Thứ nhất, các hãng luật nước ngoài không thể có luật sư giỏi là người Việt để có thể hiểu luật Việt Nam và văn hóa Việt Nam bằng các luật sư Việt Nam. Thứ hai, các hãng luật Việt Nam đang có trong tay những luật sư là người nước ngoài giỏi tại hãng luật của mình. Do vậy, khi cạnh tranh với các hãng luật nước ngoài ông Quang rất tự tin vào khả năng của YKVN.”

Với ông Cảnh, Luật Việt thì: “Một lẽ đương nhiên, khách hàng của những hãng luật chuyên nghiệp là những Công ty lớn, nhưng Công ty “ngoại”, những khách hàng cũng hết sức chuyên nghiệp và tiềm năng vì vậy họ đòi hỏi độ tin cậy cao và tính chuyên nghiệp của nơi cung cấp dịch vụ pháp lý mà họ cần.” Và đây cũng là một thế mạnh của Luật Việt, ông Cảnh chia sẻ.

Tất nhiên, nói gì thì nói “Việt Nam mới chỉ ở giai đọan đầu trong việc phát triển ngành dịch vụ pháp lý” thì việc so sánh với các hãng luật nước ngoài có bề dày lịch sử thì có đôi chút khập khiễng. Nhưng theo ông Đức, Indochine Counsel thì: “Nền kinh tế và các doanh nghiệp hiện đang hội nhập khá nhanh. Khách hàng của các hãng luật, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, là người cuối cùng trả lời về mức độ chuyên nghiệp của luật sư. Hãng luật trong hay ngoài nước cũng đều phấn đấu đáp ứng các yêu cầu của khách.”

Đó có lẽ là niềm tin, sự khát khao để xây dựng nên các hãng luật chuyên nghiệp đến từ những luật sư tâm huyết, và tương lai sẽ là câu trả lời chuẩn xác nhất.

ĐĂNG BÌNH – LÊ TÂN - ĐỨC TRƯỜNG

(Doanh nhân & Pháp luật số 56 ra ngày 5/9/2010)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.