Bi kịch trai làng "ngộ độc" tiền bán đất

Nhiều chàng trai biến thành những “công tử” sau khi làng lên phố, liền sa đà vào ăn chơi, nghiện ngập. Một số người già ở địa phương cho biết, do họ bị “ngộ độc” đồng tiền, khi mà trình độ dân trí thấp, không biết cách để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý.

Khoảng 10 năm trở lại đây, các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị mới, sân golf mọc lên đã “nuốt” rất nhiều đất nông nghiệp. Nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp một cách đáng báo động.

Tình trạng này diễn ra khiến cho nhiều người dân không còn ruộng, nhận được tiền đền bù thì đi mua sắm, xây dựng nhà cửa, thậm chí không biết tiêu gì thì mang đi đánh bạc.

Hết đất thì... đánh bạc

Khu Bồ Sơn (phường Võ Cường - TP Bắc Ninh) đã bị thu hồi đến 99% diện tích đất nông nghiệp để dành cho KCN và đô thị, phần còn lại “đầu thừa đuôi thẹo” nằm xen với nhà máy cũng không thể sản xuất được, đành để cỏ mọc. Không còn ruộng để làm nhiều người mang số tiền đền bù nướng vào cờ bạc, đỏ đen, thậm chí hút chích. 

Hết đất thì đi đánh bạc
Hết đất thì đi đánh bạc

Nhiều chàng trai cũng biến thành những “công tử” sau khi làng lên phố, liền sa đà vào ăn chơi, nghiện ngập. Một số người già ở trong khu cho biết, do họ bị “ngộ độc” đồng tiền, khi mà trình độ dân trí thấp, không biết cách để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lãm (khu Bồ Sơn - Võ Cường) lúc này vô cùng “bí” việc làm. Nhận được một khoản tiền đền bù, ông loay hoay không biết sử dụng đồng vốn đó vào việc gì cho hợp lý. Khi chia cho mỗi con một ít thì cũng là lúc các con ông tìm đến thuốc phiện và chơi lô, đề. Thật đáng tiếc, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Bồ Sơn ở có ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Một thực trạng đang diễn ra hầu khắp các nơi là: số KCN luôn tỉ lệ thuận với số nông dân thất nghiệp và sa vào tệ nạn. Ông Nguyễn Văn Luật - Trưởng khu Bồ Sơn cho biết: “Sang năm nay, chuyện đất cát ở đây mới bớt nóng bỏng, chứ năm 2010 thì kinh khủng lắm! Việc đền bù người dân kêu ca nhiều. Rồi tình trạng mất đất, người dân không có việc làm, dẫn đến cờ bạc, lô đồ, chi tiêu quá đáng, sinh ra không ít tệ nạn khác. Hiện nay, khu vẫn còn rất nhiều hộ nghèo mà không biết đi làm việc gì để có thu nhập ổn định…”

Cách đó không xa, thôn Mao Trung, xã Phượng Mao (huyện Quế Võ) cũng bị mất 100% diện tích đất nông nghiệp. Điều đáng nói là, khi dự án Khu đô thị Quế Võ, do Công ty đầu tư xây dựng Tây Hồ làm chủ dự án đã lấy đất từ năm 2004 nhưng cho đến nay vẫn “án binh bất động”. Gần 60 ha đất “bờ xôi ruộng mật” của bà con vẫn chỉ là những bãi cỏ xơ xác.

Gia đình anh Phạm Văn Chín có chín nhân khẩu. Trước đây, gia đình anh sở hữu hơn một mẫu ruộng khoán, canh tác ba vụ/năm. Số ruộng khoán cũng giúp vợ chồng anh nuôi các con ăn học và ổn định cuộc sống. Nhưng từ khi ruộng bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng, có ít tiền đền bù thì đã tiêu hết, gia đình anh lâm vào cảnh lao đao.

Anh Chín cho biết: “Nhà tôi hiện có bốn người đi làm, còn năm người không có việc, ở nhà. Tuy nhiên, do trình độ học hành của các cháu không cao nên vào làm ở công ty chỉ được một thời gian lại bị đuổi”. Cũng mất đất, nhưng gia đình anh Phạm Văn Quang lại có một nỗi lo khác. Đó là hiện nay cả gia đình sáu người đều phải đi làm thuê, công việc bấp bênh theo thời vụ, thậm chí theo ngày. Anh Quanh sợ rằng, nay mai sức khỏe yếu, không đi làm thuê được thì không biết lấy gì để sống.

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm hộ gia đình ở xã Phượng Mao chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng mất đất. Không công ăn việc làm, không nơi hướng nghiệp, nhiều bà con đã phải tìm cách đi nơi khác làm thuê. Nhưng, ở thôn Mao Trung, một nghịch cảnh đau lòng đang diễn ra, là rất nhiều phụ nữ mà trước đây quen tay cấy cày, thì nay sa đà vào những sới bạc. Ông Phạm Sỹ Văn - Trưởng thôn Mao Trung  buồn bã nói: “Nhiều buổi tối, có hộ gia đình chứa mấy bàn, đông lắm, đáng buồn là có khá nhiều phụ nữ tham gia…”

Cũng giống như Bắc Ninh, Hưng Yên là một trong những tỉnh mà diện tích đất nông nghiệp bị lấy nhiều nhất. Ruộng đất thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, văn hóa của những vùng quê. Nhiều xã như Trưng Trắc, Tân Quang… (huyện Văn Lâm) đã bị thu hồi đến hơn 80% ruộng đất. Nhiều thanh niên cũng sa vào cờ bạc, cho vay nặng lãi, nghiện hút, gây mất an ninh trật tự nông thôn.

Nguy cơ nghèo hóa

Các KCN, đô thị, nhà máy mọc lên là một tất yếu của sự phát triển. Nhưng mặt trái của nó là những vết thương gây cho các làng quê cũng không ít. Các đồng chí cán bộ ở Hội Nông dân hai tỉnh này cùng thể hiện chung quan điểm là, nếu cứ thu hồi đất một cách ồ ạt mà không chú trọng giải quyết việc làm cho người mất đất thì nguy cơ nghèo hóa là rất cao.

Một số ngành đã có những khảo sát, thống kê về tình trạng thất nghiệp cũng như tệ nạn xã hội ở những vùng quê mất đất và đưa ra những con số đáng ngại. Bài học về sự việc này ở khu đô thị Mỹ Đình vẫn còn nguyên giá trị, hậu quả của nó sẽ còn nhức nhối đến mãi sau này.

Không chỉ mất đất nông nghiệp, người dân ở những KCN còn bị các nhà máy “hành”. Đó là khi xây dựng cho đến lúc hoàn thành, thì hệ thống kênh mương thủy lợi của nhiều làng quê bị phá vỡ nên diện tích đất còn lại cũng khó canh tác bởi thường xuyên bị ngập úng, hoặc không đảm bảo nước tưới.

Tình trạng ô nhiêm môi trường do chính những nhà máy, xí nghiệp này gây ra cũng khiến không ít làng quê khổ sở. Điển hình như thôn Chí Trung (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên). Hàng trăm cây sấu đã bị mấy nhà máy vây quanh triệt hạ, nhiều loại cây khác cũng bị khô lá, không phát triển. Kinh khủng hơn, nhiều người bị ngạt thở, mắc bệnh đường hô hấp do khói bụi và ô nhiễm không khí gây ra.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng thôn Chí Trung bức xúc: “Cây sấu chết thì các nhà máy đền rồi, nhưng người dân tôi mắc bệnh, chết dần chết mòn thì bắt đền ai?. Ban đầu, các nhà máy này cũng cam kết giữ môi trường, nhưng ban đêm họ xả ra, không qua xử lý, khiến cho đời sống của người dân chúng tôi cơ cực vô cùng!”.

Thêm nữa, người dân ở cạnh KCN còn phải đối diện với một sự thật, là bị các công ty bỏ rơi. Đó là con cái không được đào tạo để nhận vào công ty làm việc; các công ty không thực hiện cam kết về xây dựng hạ tầng cơ sở địa phương, cam kết bảo vệ môi trường. Nhiều vùng quê bà con đã quay lưng lại với các công ty và sống trong lo lắng.

Ai cứu người dân?

Bị thu hồi đất, được đền bù và dùng vào việc xây dựng nhà cửa, mua sắm xe xịn, ăn chơi… đó là điều mà người ta dễ nhìn thấy nhất ở mỗi làng quê khi công nghiệp tràn về. Nhưng hậu quả mà nó gây ra cũng thật khủng khiếp.

Vậy, ai là người sẽ cứu dân mất đất khỏi những bi kịch của cuộc sống? PGS-TS Nguyễn Sinh Cúc (Tổng cục Thống kê) dẫn số liệu của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, ở vùng đồng bằng sông Hồng, trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm. Người mất việc làm chủ yếu là nông dân, có trình độ văn hóa, chuyên môn thấp, chưa qua đào tạo nghề phi nông nghiệp nên cơ hội tìm việc làm ngoài nông nghiệp rất khó.

Cũng theo ông Cúc, doanh nghiệp lấy đất không quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho nông dân nên kết quả thu hút lao động tại chỗ đạt được rất thấp. Tỷ lệ lao động mất đất được doanh nghiệp đào tạo ở Hà Nội là 0,01%, Hải Phòng 0%, Bắc Ninh 0%. Trong khi đó, lao động do Nhà nước đào tạo nghề cho nông dân vùng mất đất cũng không đáng kể.

Không ruộng đất, không nghề nghiệp, người dân đang bị “bần cùng”, hệ quả là tội phạm gia tăng, xã hội xuất hiện một lớp người chỉ còn biết tiêu xài và hưởng thụ. Người dân không thể bị bỏ rơi mãi. Họ cần được các cơ quan chức năng quan tâm để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập. Được như vậy, sự phát triển công nghiệp ở các làng quê mới bền vững, mới có ý nghĩa.

Phóng sự của Dung Nhi

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.