"Trần ai" lật tẩy “băng "cò" khiếu kiện lừa tiền người nghèo

Trong việc "khích" cho ông Di cãi nhau với ông Tùng thì nhân chứng tên Hiệp đóng vai trò khá quan trọng. Nắm được anh này là người "lợi khẩu" nên phóng viên "phao tin" vụ việc sẽ được người của Bộ Công an điều tra... Nhân chứng Hiệp vẫn chưa biết những người mình mới tiếp xúc làm nghề gì bởi lần gặp trước đó, đồng nghiệp của phóng viên giới thiệu ỡm ờ mình là công an, còn phóng viên là anh... bán phân bón.

Sau gần 1 năm thu thập chứng cứ, phóng viên mới đến cơ quan chức năng làm việc để phanh phui nhóm “cò" khiếu kiện lợi dụng sự thật thà, bức xúc của người dân để chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng...

"Đục nước béo cò"

Để thực hiện dự án Khu công nghiệp Bắc Kinh Xáng (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), UBND huyện Lấp Vò phải thu hồi đất của hơn 100 hộ dân. Trong quy trình thu hồi đất, các ban ngành huyện Lấp Vò đã áp giá đất không sát với khung giá UBND tỉnh ban hành, đồng thời ban hành những công văn, quyết định trái pháp luật..., khiến người dân đi khiếu kiện kéo dài nhưng chính quyền sở tại không giải quyết dứt điểm. Đây là nguyên nhân và lổ hổng lớn tạo điều kiện cho một băng nhóm “cò khiếu kiện” lừa tiền người dân nghèo.

Ngày 8/4/2010, UBND huyện Lấp Vò ra quyết định cưỡng chế một số hộ dân để thu hồi đất, thực hiện dự án. Đa số những người dân bị cưỡng chế đất là nông dân, vì thiếu thông tin nên bà con bức xúc không biết làm đơn như thế nào và sẽ gửi đi đâu. Đang bức xúc thì bà con gặp được ông Nguyễn Văn Tùng (thường trú tại 790 ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện LấpVò, tỉnh Đồng Tháp).

Tùng cho bà con biết rằng mình có quen với một người “rất có thế lực” có thể giúp bà con khiếu kiện để được bồi hoàn đất đúng giá thị trường. Như nắng hạn gặp mưa rào, bà con nhận lời.

3 ngày sau, Tùng dẫn ông Nguyễn Văn Di (ngụ 175 Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Q, giới thiệu là luật sư, công tác tại Ban Bạn đọc báo Kinh tế Nông thôn (trụ sở văn phòng tại 40 Sầm Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh). Sau buổi sơ giao đầu tiên này, ông Di gợi ý bà con đưa cho ông 10 triệu đồng làm chi phí đi lại, ăn ở. Tất nhiên là bà con đáp ứng ngay mặc dầu số tiền đó họ phải vay mượn.

Sau 1 tháng, nhóm ông Di mang đơn xuống cho bà con ký và đơn được gửi đi các cơ quan chức năng. Lần gặp này, ông Di hứa sẽ giải quyết mọi việc xong trong vòng 6 tháng, nếu không xong sẽ hoàn tiền lại gấp đôi cho bà con. Với lời hứa của người “rất có thế lực” và những đơn từ viết với câu chữ rất mạch lạc, đanh thép, bà con đồng ý những yêu cầu ông Di đưa ra mà không mảy may nghi ngờ.

Cuối tháng 5/2010 bà con vay mượn thêm rồi đến tận nhà ông Tùng giao 270 triệu đồng tiền mặt. Sau đợt giao tiền này, bà con được UBND huyện mời lên làm việc và được ký vào những biên bản làm việc nên niềm tin vào ông Di càng tăng.

Tháng 6/2010, ông Di và ông Q xuống lại Lấp Vò. Lần này ông Q mang theo phương tiện tác nghiệp của báo giới và thực tế hiện trường. Kết quả của chuyến đi thực tế này là vụ việc được đăng tải trên hai tờ báo Kinh tế Nông thôn và một tờ báo khác với hai bút danh khác nhau.

Sau khi hai bài báo được phát hành, ông Di gửi báo biếu xuống cho bà con và không quên nhắn nhủ: Bà con cử người mang 250 triệu lên nhà ông tại TP.Hồ Chí Minh để ông lo tiếp vụ việc. Ngày 24/9/2010, bà con lại tiếp tục vay mượn để lên Sài thành đáp ứng nhu cầu cho người “rất có thế lực”.

Sau đó, ông Di và ông Q xuống Lấp Vò hai lần, mỗi lần đều có "lý do chính đáng" để lấy thêm của bà con 30 triệu đồng nữa. Tổng cộng bà con đưa cho nhóm này hơn nửa tỷ bạc nhưng tất cả những lần đưa tiền không bên nào làm biên nhận bởi bà con quá tin vào “người có thế lực”.

Chân dung ông “trưởng nhóm cò khiếu kiện” Nguyễn Văn Di
Chân dung ông “trưởng nhóm cò khiếu kiện” Nguyễn Văn Di

Thu thập chứng cứ

Sau khi lấy ngần ấy tiền, 6 tháng nhanh chóng trôi qua nhưng lời hứa của ông Di vẫn chưa thực hiện được. 6 tháng tiếp theo là những lời hứa suông và những hành vi lẩn tránh của nhóm ông Di. Bà con phải bỏ thêm chi phí để đi lên Sài Gòn gặp ông Di.

Sau những nỗ lực của bà con thì tháng 6/2011, ông Di yêu cầu bà con ký văn bản mời luật sư để khởi kiện ra tòa chứ vụ việc không thể giải quyết hành chính được. Một luật sư tại TP.Hồ Chí Minh được ông Di giới thiệu xuống với bà con và đơn khởi kiện do luật sư này làm đại diện đã được TAND huyện Lấp Vò thụ lý nhưng đến nay vẫn chưa xử (?). Về vụ kiện hành chính này, Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ theo dõi và thông tin khi phiên tòa khai mạc.

Cũng thời gian này, phóng viên được một đại lý phân bón kể lại câu chuyện vì chính chủ đại lý này đã cho những người nông dân mượn tiền để đưa cho nhóm ông Di. Thực chất của giao dịch này, người nông dân hoàn toàn không có một bằng chứng nào để tố cáo hay thưa kiện nhóm ông Di.

Để tiếp cận được nhóm ông Di nhằm thu thập chứng cứ, phóng viên đã đóng vai người nông dân. Nhưng khi tiếp cận được cả nhóm thì ông Di và luật sư Cảnh (Văn phòng Luật sư Quan Cảnh - quận 4, TP.Hồ Chí Minh) chỉ nói về mức giá đền bù, số tiền sẽ nhận được của từng hộ khi tòa mời lên hòa giải... Cuộc tiếp xúc này thất bại vì nhóm ông Di không chịu hé lộ gì về số tiền đã nhận của bà con.

Một đầu mối khác được "lần ra": Trong lần bà con giao tiền tại nhà ông Tùng có một nhân chứng tên là Hiệp, nhưng hiện nay anh này đã lên TP.Hồ Chí Minh làm ăn và không biết làm gì, ở đâu?. Sau một thời gian tích cực tìm hiểu cùng những người nông dân, phóng viên đã lần ra được số điện thoại của anh Hiệp và được anh ta nhận lời gặp mặt tại TP.Hồ Chí Minh.

Tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Bình (phường 2, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), anh Hiệp đã giữ lời và xuất hiện đúng hẹn.

Lần gặp này, anh Hiệp cung cấp thông tin khá chi tiết và chứng minh nhóm ông Di đã đi khiếu kiện giúp anh Hiệp lấy lại nhà đất tại thị trấn Lấp Vò nhưng không thành công. Sợ anh này khi vỡ chuyện thì sẽ phản cung nên chúng tôi thuyết phục anh ký vào bản tường trình để làm chứng cho bà con khi bà con đưa tiền tại nhà ông Tùng. Anh Hiệp đồng ý và biên bản này được mang ra chứng thực tại chính quyền địa phương nơi anh Hiệp đăng ký thường trú.

Như vậy là tổng số tiền nhóm ông Di nhận là hơn nửa tỷ đồng nhưng chỉ mới có chứng cứ 270 triệu đồng, vì thế phóng viên phải "khích" ông Di xuống gặp ông Tùng để hai bên cãi vã nhau về việc ai đã nhận tiền, nhận tiền xong đưa cho ai và mỗi người chia được bao nhiêu?.

Trong việc "khích" cho ông Di cãi nhau với ông Tùng tại nhà ông Tùng thì nhân chứng tên Hiệp đóng một vai trò khá quan trọng. Nắm được tâm lý anh này là người rất "lợi khẩu" (có tài ăn nói) nên phóng viên phao tin vụ việc sẽ được người của Bộ Công an vào điều tra. Đến lúc này, nhân chứng Hiệp vẫn chưa biết những người mình mới tiếp xúc làm nghề gì bởi lần gặp nhau trước đó, một đồng nghiệp của phóng viên giới thiệu ỡm ờ mình là công an, còn phóng viên vẫn là anh... bán phân bón.

Thông tin ảo là người của Bộ Công an "vào cuộc" hóa ra có tác dụng thật. Qua “thần khẩu” của nhân chứng Hiệp, nhóm ông Di rúng động và ông hẹn ngày xuống gặp bà con để thương lượng trả lại tiền. Cuộc gặp diễn ra tại nhà ông Tùng. Đúng như dự đoán, cuộc cãi vả giữa ông Tùng và ông Di đã xảy ra, thậm chí rất gay gắt. Ông Di chỉ nói có nhận 250 triệu đồng của bà con đưa lên nhà mình, số còn lại ông không biết.

Trong khi đó, ông Tùng khẳng định có nhận của bà con 270 triệu đồng và đã đưa hết cho ông Di, ông Tùng chỉ được ông Di cắt lại cho 40 triệu vì đã có công kết nối. Ông Di cãi phăng lời ông Tùng, rằng ông hoàn toàn không nhận 270 triệu đồng... Cuộc cãi vã này kéo dài hơn 30 phút và được phóng viên ghi âm tất cả. Gom tất cả các file ghi âm về những buổi nói chuyện trực tiếp, qua điện thoại, phóng viên ghi ra nhiều đĩa CD lưu trữ.

Sau khi nghe đi nghe lại, kiểm chứng nhiều lần, chứng cứ đã hoàn thiện xong đầy đủ, phóng viên liên hệ thẳng với ông Di để xác minh lại lần cuối. Tiếp chúng tôi tại nhà số 175 đường Trường Chinh (phường 12, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), ông Di kể về những vụ việc mà ông giúp người dân khiếu nại nhà đất thành công. Riêng về việc của bà con Lấp Vò, ông khẳng định nay mai tòa sẽ đem ra xử và người dân sẽ được bồi thường thỏa đáng.

Khi chúng tôi cho ông Di xem đơn tố cáo của bà con gửi thì ông sượng lại và phân bua: “Tôi chỉ lấy 250 triệu, đó là tiền công của 15 hộ dân gom lại thuê luật sư. Chúng tôi đã thỏa thuận với họ, mỗi hộ 17 triệu. Tất cả là 270 triệu, nếu việc không thành thì chúng tôi sẽ trả lại cho bà con mỗi hộ 10 triệu, số còn lại là công sức tôi bấy lâu nay...”.

Nói đoạn, ông Di bốc máy điện thoại để bàn (ông Di không xài điện thoại di động, ai có việc gì cần thì liên hệ qua máy bàn đặt tại địa chỉ nói trên. Trước đó, khi gọi điện đến, chúng tôi toàn nghe giọng phụ nữ nói sẽ hẹn lại với ông Di sau vì ông rất bận), gọi cho ông Q đến làm việc với chúng tôi.

Ngồi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ, phóng viên mới được "diện kiến" ông luật sư - nhà báo này. Thoáng nghi ngờ chúng tôi là công an nên anh ta sượng lại, nhưng khi biết chúng tôi là dân báo chí thì anh ta tỏ ra hùng hổ, chửi bà con tố cáo tầm bậy, không có chứng cứ và tuyên bố: “Tôi cũng là nhà báo, anh đến đây làm việc với tôi chỉ bằng một tờ đơn tố cáo mà không có bằng chứng thì hậu quả như thế nào chắc anh tự biết!”. Trước thái độ không thiện chí của ông Q, phóng viên lặng lẽ rút lui vì không muốn đôi co hơn thiệt.

Niềm vui chưa trọn

Ngày 20/8/2012, phóng viên liên hệ với UBND huyện Lấp Vò để làm việc. Tiếp chúng tôi là Phó Chánh Văn phòng Trần Minh Phi. Tất cả chứng cứ mà phóng viên đã thu thập trong gần 1 năm qua được vị Phó Chánh văn phòng này ghi nhận. Hôm sau, mọi việc được báo cáo lên thường trực UBND huyện.

Ngày 22/10/2012, bà con được Bí thư Huyện ủy mời lên để đối thoại. Cùng ngày, Công an huyện Lấp Vò mời bà con lên để nộp đơn tố cáo cùng các chứng cứ mà phóng viên thu thập được. Ngày 24/10/2012, bà con được công an mời lên để lấy lời khai. Lời khai của những người bị nạn khớp với những chứng cứ do phóng viên cung cấp. Ngày 26/10/2012 hai mũi trinh sát của Công an huyện Lấp Vò được tung ra, một đi bắt ông Tùng, một đi bắt ông Di.

Ông Tùng và ông Di khai nhận toàn bộ vụ việc. Ngày 21/11/2012, gia đình ông Tùng và ông Di đã nộp lại 550 triệu đồng cho Công an huyện Lấp Vò (10 triệu đồng tiền “đi lại” cho ông Di, bà con không tính đến). Sau khi củng cố hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vì số tiền tang vật lớn hơn 500 triệu đồng là vượt thẩm quyền của Công an huyện nên vụ án được chuyển lên cho Công an tỉnh thụ lý.

Đến nay, việc khiếu kiện của bà con nông dân tại huyện Lấp Vò vẫn chưa được các cấp chính quyền thụ lý giải quyết. Vụ kiện hành chính vẫn chưa được tòa án xem xét đến mặc dù thời hiệu theo thủ tục tố tụng đã hết. Còn số tiền bà con bị nhóm ông Di chiếm dụng vẫn đang là tang vật vụ án.

Những người nông dân nói: “Khi chúng tôi bị cưỡng chế, nhà không có để ở, phải che mấy túp lều tạm bợ trên đất bị thu hồi để đi khiếu nại. Không ai giải quyết, lại gặp nhóm lừa đảo nên tiền mất tật mang. Hiện số tiền đi vay đưa cho các “cò khiếu kiện” lãi mẹ đẻ lãi con đã lên đến tiền tỷ. Trước mắt chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền xem xét đến tình cảnh khó khăn của chúng tôi hiện nay để hoàn trả cho chúng tôi số tiền lừa đảo mà cơ quan chức năng thu hồi sớm ngày nào thì chúng tôi đỡ phải trả tiền lãi ngày đó”.

Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ theo dõi để thông tin tiếp vụ việc dến bạn đọc.

Ngọc Long

Tin cùng chuyên mục

[Truyện ngắn] Tim Rắn

[Truyện ngắn] Tim Rắn

(PLVN) - Lục theo bạn đến làng rắn cách nhà gần hai mươi cây số chén đặc sản. Đến quán, hả hê chọn rắn và xem đám nhân viên biểu diễn các tiết mục chế biến. Nhìn những con rắn oằn oại trong tay những tay thợ thịt chuyên nghiệp, chờ đợi chút ít trong háo hức là ngồi vào bàn....

Đọc thêm

Hệ thống phạt nguội trên QL1A bị khiếu nại phạt oan: “Phép vua” trong luật chẳng lẽ thua “lệ làng” CSGT?

Chuyên gia Bùi Danh Liên: “Việc mỗi đơn vị “đẻ” ra “luật” riêng như ví dụ nêu trên là gây khó cho dân, làm hại cho công cuộc đổi mới hành chính của đất nước”
(PLO) - Trao đổi với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, PLVN ghi nhận hầu hết các chuyên gia đều biết thực trạng “vênh” kết quả giữa kết quả “phạt nguội” vi phạm tốc độ với kết quả do thiết bị giám sát hành trình (GSHT) ghi nhận. Vấn đề nằm ở chỗ dù đang trong thời gian thử nghiệm, những mâu thuẫn phát sinh lại chưa được xử lý rốt ráo, chưa có lời giải cuối cùng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tiền lệ xấu, đẩy thiệt thòi cho dân.

Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, xử lý thế nào?

Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, xử lý thế nào?
(PLO) - Hiện nay, không ít người sử dụng lao động (NSDLĐ) nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), không đóng cho các cơ quan bảo hiểm, làm nguời lao động (NLĐ) có nguy cơ không được hưởng những khoản trợ cấp này, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của họ. Như vậy, nếu NSDLĐ không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Chung sống tối thiểu bao lâu thì mới được xin ly hôn?

Ảnh minh họa
(PLO) - “Vì trót dính “bẫy bầu” của cô ấy nên tôi buộc phải cưới cô ấy về làm vợ. Tính đến nay, chúng tôi mới chung sống với nhau được 10 tháng nhưng con của chúng tôi cũng đã 4 tháng tuổi. Quá trình chung sống, tôi đã xác định phải cố chấp nhận vì đứa con nhưng càng ngày mâu thuẫn giữa tôi và cô ấy càng trầm trọng, khó có thể dung hòa. Nay tôi muốn được ly hôn nhưng lại băn khoăn vì thời gian chúng tôi chung sống chưa lâu không biết tòa có giải quyết cho ly hôn?”, anh Vũ Đình Minh (34 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi.  

Sớm gỡ vướng mắc trong giải quyết nuôi con nuôi

Ảnh minh họa
(PLO) - Qua 6 năm triển khai Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy các thủ tục hành chính về việc nuôi con nuôi hiện nay cơ bản là phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, một số địa phương cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để có thể tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

Bản chính kết hôn không phù hợp với giấy tờ khác, xử lý thế nào?

Bản chính kết hôn không phù hợp với giấy tờ khác, xử lý thế nào?
(PLO) - Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch (hết hiệu lực 01/01/2016) có quy định về  điều chỉnh hộ tịch được áp dụng trong trường hợp điều chỉnh nội dung trong các giấy tờ, sổ hộ tịch mà không phải là Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh...

Làm thế nào để đơn phương ly hôn chồng ngoại quốc?

Hình minh họa
(PLO) -Bạn Nguyễn Bùi Trang (Hà Tĩnh) hỏi: Em muốn ly hôn chồng người Malaysia, nhưng ông xã không đồng ý. Trước đây em và chồng đăng ký kết hôn tại Singapore. Hiện em đã về Việt Nam sống một mình được 1 năm rồi. Em muốn ly hôn gấp, cần phải làm sao?.

Hồ sơ đăng ký tàu biển Việt Nam

Giấy chứng nhận đăng ký có thời hạn tàu biển Việt Nam chỉ được cấp một bản chính cho đối tượng được cấp là chủ tàu có tàu biển được đăng ký.
(PLO) - Ông Bùi Văn Bá (Kiên Giang) hỏi: Hồ sơ đăng ký có thời hạn tàu biển Việt Nam gồm những giấy tờ gì? Cách thức và nơi nộp hồ sơ, trình tự nhận và xử lý hồ sơ như thế nào?

Thẩm quyền tiếp tục hạn chế, tạm dùng qua lại cửa khẩu biên giới

Thẩm quyền tiếp tục hạn chế, tạm dùng  qua lại cửa khẩu biên giới
(PLO) - Ông Hà Quang Hanh (Ninh Bình) hỏi: Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh hoặc lý do đặc biệt khác, cơ quan nào có thẩm quyền tiếp tục hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới? Thời gian gia hạn là bao lâu?