Cái kết buồn của cặp vợ chồng nhiều lần “tái hồi Kim Trọng”

Sau hai lần kết hôn rồi lại ly hôn, cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa kiện chia tài sản
Sau hai lần kết hôn rồi lại ly hôn, cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa kiện chia tài sản
(PLO) -Phiên tòa “tranh chấp tài sản sau ly hôn” do TAND TP Huế xét xử. Đây là lần thứ 3 anh (SN 1969) và chị (SN 1975, đều ngụ tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gặp mặt tại tòa án. Hai lần trước, họ đến tòa để ly hôn. Sau 4 năm đường ai nấy đi, cả hai lại lần nữa đến tòa để tranh chấp khối tài sản sau ly hôn, mà người vợ chính là nguyên đơn khởi kiện.

Hết tan lại hợp

26 năm trước, họ đã là vợ chồng. Sống với nhau từ năm 1991, nhưng mãi đến năm 1997, họ mới ra phường đăng ký kết hôn, trở thành vợ chồng trước pháp luật. 4 năm sau ngày đăng ký kết hôn, năm 2001, họ lại kéo nhau ra tòa ly hôn. Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm của họ tan vỡ vì vợ cho rằng người chồng có tính lăng nhăng, thường xuyên bỏ bê vợ con, gia đình.

Sau ly hôn, người vợ dắt theo ba đứa con vào Nam mưu sinh. Những ngày tháng xa nhà, những cánh thư của người chồng cũ cứ tới tấp “bay” vào. Những lời ngon ngọt, thế thốt cuối cùng cũng làm dịu lại trái tim của người vợ cũ. Chị lại dẫn con quay về. Hai năm sau ngày ra tòa ly hôn, họ lại tái hợp bằng một tờ giấy đăng ký kết hôn mới.

Cứ tưởng người chồng đã thay đổi, ngờ đâu anh bị cho là vẫn “ngựa quen đường cũ”. Người chồng thường xuyên ra ngoài dây dưa với người phụ nữ khác. Lúc này chị mới chua xót nhận ra, cả hai lần đều phạm phải một sai lầm. Người đàn ông trước đây không vì vợ vì con mà chăm chút cho gia đình, sao có thể vì kết hôn lần nữa mà thay đổi tâm tính. 

4 đứa con nhỏ, xưa nay cũng mỗi mình chị gánh vác chu toàn. Thân có chồng, nhưng cũng như không, nên chẳng cần phải dây dưa níu kéo. Năm 2013, chị và chồng ly hôn lần thứ hai. Cũng như lần ly hôn trước, lần ly hôn này, cả 4 đứa con đều theo về phe mẹ. Tài sản nhà đất là 147 m2, cả hai quyết định tự thỏa thuận. Nhưng đã 4 năm trôi qua, tài sản kia vẫn chưa chia chác được, chị lần nữa kéo cả hai đến tòa, trong một phiên xét xử tranh chấp tài sản.

Đất được cho là của chung hay riêng?

Cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận, thửa đất trên là do bố mẹ người chồng để lại. Năm 2003, sau khi hai người tái hôn, người bác ruột của bị đơn cho họ một số tiền để xây nhà. Cả năm mẹ con vẫn sống trong căn nhà trên từ đó đến nay. 

Theo nguyên đơn, đất là của cha mẹ chồng để lại. Cha qua đời, anh trai chồng đứng tên. Khi các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng, người anh chia cho mỗi người em một phần đất, để xây nhà cửa, tạo dựng tổ ấm. Thời điểm vợ chồng xây nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do người anh đứng tên. Người anh viết giấy cam kết, khi nào các em muốn, người anh sẽ sang tên lại cho họ. 

Theo người phụ nữ, ngày đó người bác cho tiền để chị và chồng dựng nhà, mẹ chồng và anh em chồng cũng đồng ý cho đất (nhưng chỉ cho miệng), nên nhà đất trên là tài sản chung của vợ chồng. Chị muốn được chia một nửa tài sản, và nhận bằng tiền mặt, để mua một căn nhà nhỏ khác cho các con có chỗ chui ra chui vào.

Bị đơn phản bác, thửa đất trên là tài sản do ông bà, cha mẹ để lại. Còn căn nhà được xây nên bằng tiền của người bác ruột cho. Năm 2013, anh chị ly hôn, lúc đó cả hai không có tài sản gì, nên mới không yêu cầu chia tài sản. Theo anh, nhà đất trên thuộc quyền sở hữu của mình anh.

Tòa hỏi người phụ nữ: “Tại sao năm 2013, khi ly hôn lại không yêu cầu giải quyết về tài sản?”. “Vì lúc đó, ông ấy nói tài sản để giải quyết sau. Đứa con gái cũng khuyên “mẹ theo ý kiến của ba”. Vì vậy tôi nghĩ để hai bên tự thỏa thuận cũng được”. “Sau đó 2 bên có thỏa thuận không?”. “Tôi có gọi điện cho ông ấy, nhưng ông ấy từ chối giải quyết”. 

Tài sản chưa giải quyết được, chị hay tin chồng cũ đã bán nhà cho người ta. Cả mấy mẹ con hoảng hốt, suốt ngày như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than. Người con trai lớn quá bức xúc, lại giận bố sắp đẩy cả mấy mẹ con mình ra khỏi nhà, sống cảnh màn trời chiếu đất nên nhiều lần muốn đi tìm cha “hỏi chuyện”. Người mẹ sợ con gây họa, suốt ngày phải khuyên nhủ con trai, canh chừng nhất cử nhất động của con. Chị chỉ lo con cạn nghĩ, mà gây ra chuyện không hay. 

13 năm qua, chồng chị đã ra ngoài sống. Con trai chị cũng dò la được “tổ ấm” của cha. Nhiều đêm, thấy đã khuya mà con trai vẫn chưa về, chị vừa sốt ruột vừa lo lắng, chỉ biết ngồi nơi bậu cửa đợi bóng con, thầm cầu mong con trai không tìm đến người bố kia để “hỏi chuyện”. Chị đâm đơn khởi kiện ra tòa, là muốn pháp luật bảo vệ lợi ích cho mình và các con, cũng để con trai mình dịu xuống nỗi lòng.

Chia hay không chia?

Trong suốt phiên tòa, người chồng – giờ đã thành chồng cũ, nhất quyết khẳng định nhà đất trên là tài sản của mình. Vẻ ấm ức, chị nhiều lần bật khóc. Đứa con trai lớn nhiều lần không chịu được những lời nói lạnh lùng của cha, cũng rớt nước mắt. Đưa đôi tay lên che mắt, người thanh niên lặng lẽ rời khỏi phòng xử ra đứng ngoài hành lang, đôi mắt đỏ hoe.

Chủ tọa phiên tòa cho hay, vụ ly hôn của hai vào năm 2013, là do bà thụ lý. Năm đó, bà có mời người anh trai chồng đến tòa lấy lời khai. Chủ tọa công bố lại lời khai năm đó. Theo đó, người anh chồng thừa nhận, nhà đất mà vợ chồng em trai đang ở là do ông đứng tên, tài sản đó thuộc quyền sở hữu của vợ chồng người em. Khi nào vợ chồng người em thỏa thuận được ai là người đứng tên, ông sẽ chuyển tên. Vợ chồng em trai ly hôn, việc chia tài sản thuộc quyền của hai em, ông không có ý kiến. Nghe đến đây, bị đơn phản bác, bảo anh trai mình khai như vậy “là do sợ em dâu”.

Trái với ý kiến em chồng, người chị dâu khẳng định lời khai năm đó của chồng mình là hoàn toàn đúng sự thật, đúng với phong cách sống của chồng mình, đúng với trách nhiệm của một người làm anh. 

Bà cho biết, sau khi vợ chồng em trai ly hôn, chồng bà quyết định, hai em tính thế nào, ông đều sẽ nghe theo. Nhưng chưa đợi được hai em thống nhất, thì năm 2015 ông phát bệnh ung thư. Khi sự sống ngày càng cạn kiệt, mà tài sản người em vẫn chưa giải quyết được. Chồng bà ký giấy cho tặng nhà đất kia cho em trai. Tài sản này do vợ chồng em trai tự giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các con.

Nhìn em trai chồng nhất quyết tranh hết tài sản, mặc kệ vợ và cả 4 đứa con, bà bức xúc, giọng nói cũng trở nên nghèn nghẹn: “Làm cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái. Nếu chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến vợ con, con cái sẽ dùng ánh mắt thế nào để nhìn cha? Cả gia đình như đứng trên đống lửa vì 5 mẹ con không có đất làm nhà. Trong khi cha muốn bán nhà, ôm hết tiền. Tài sản 1 tỷ, con cái chỉ cam kết lấy 300 triệu để mua miếng đất, cất cái nhà nho nhỏ. Tôi cam kết, đây là tài sản của cô chú ấy. Nếu chú không có trách nhiệm với gia đình, cũng phải nghĩ đến con cái. Tiền bạc không làm nên con người, mà con người làm nên tiền bạc. Chú ấy hành xử cạn tình. Tôi mong tòa xét xử sao để quyền lợi của mấy mẹ con cô ấy được đảm bảo”.

Sau quá trình giằng co, người chồng chấp nhận chia 50% giá trị căn nhà. Riêng thửa đất là của cha mẹ để lại, ông không đồng ý chia cho vợ cũ. Ông cũng tuyên bố, sau này “sẽ lo cho các con”. Tòa hỏi: “Mấy chục năm qua, con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, anh đã lo gì cho các con?”. Bị đơn ấp úng một lúc lâu vẫn không tìm được câu trả lời, đành cúi đầu im lặng. Tòa phân tích, chị có tranh giành tài sản, cũng chỉ để cho các con anh.

Sau khi ly hôn, anh ra ngoài có thể tìm người phụ nữ khác, nhưng chị có gánh nặng của 4 đứa con, phải làm lụng, nuôi nấng chúng. Chị tranh giành, cũng chỉ muốn đẻ các con có chỗ để chui ra chui vào. Con gái đi lấy chồng, cũng cần có nhà mẹ để trở về sinh nở, nuôi nấng 3 tháng 10 ngày. Giờ anh lấy hết tài sản, con cái biết đi đâu về đâu?

Bị đơn lần nữa cho rằng “sẽ lo cho các con”. Vị thẩm phán nói: “Ông nói mình đang gặp khó khăn. Ông muốn được nhận tài sản để giải quyết khó khăn. Nếu vậy, còn đâu tiền để lo cho các con? Tôi thấy được phản ứng của các con đối với anh. Trừ đứa con út chưa đủ 18 tuổi, 3 đứa lớn trên 18 tuổi đều có thể tự lo, có lẽ chúng không nhận sự giúp đỡ của anh”.

Người đàn ông đưa mắt nhìn các con. Trong những đôi mắt ngập nước ấy, có sự xa lạ, ghẻ lạnh. Cuối cùng, phân vân một lúc lâu ông mới quyết định sẽ đồng ý chia cho vợ cũ 50 % giá trị nhà đất, bắt vợ cũ cam kết phải mua lại nhà cho các con ở. Phiên tòa kết thúc trong tiếng thở dài nhẹ nhõm của nhiều người.  

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.