“Người rừng” tố cáo cha
Chị Anh cho rằng, khi chị ở trên rẫy thì cha mình cũng thường xuyên ngủ lại. Ông Hải thường nằm ở chiếc võng mắc trên gốc cây trước nhà, trong khi đó chị ngủ trong nhà. Một đêm nọ chị đang ngủ trong nhà thì cha bỏ võng vào nhà cưỡng ép mình. Vì ở giữa núi đồi lại lúc đêm vắng nên không ai hay biết sự việc. Sợ cha đánh đập nên chị âm thầm chịu đựng không dám kể lại cho ai biết.
Đầu năm 2011, chị Anh sinh một bé gái trong chính ngôi nhà trên rẫy. Người đỡ đẻ không ai khác mà chính là cha mẹ của chị. Cô gái không biết lý do tại sao cha mẹ mình lại muốn giấu kín mọi chuyện mặc dù biết việc sinh đẻ trong hoàn cảnh như vậy rất nguy hiểm. Nhiều người tin rằng những lời của chị Anh là sự thật. Từ ngày sinh con, người mẹ gọi con với cái tên Núi, đó chính là nơi đứa bé được sinh ra, sống cùng mẹ.
Cuộc sống hai mẹ con cứ thế trôi đi cho đến giữa tháng 6/2012, một nhóm người đến Lỗ Dàng và chị Anh kể lại sự việc. Sau đó, mẹ con chị về thị trấn La Hai rồi được Công an huyện Đồng Xuân bố trí chỗ ăn, chỗ ở.
Bà Dung bên tấm ảnh của con gái và cháu ngoại. |
Để sớm làm sáng tỏ vụ việc, tránh gây tác động tiêu cực tới dư luận, công an huyện Đồng Xuân lập tức vào cuộc điều tra. Theo kết luận, năm 2002 ông Hải đến khu rừng Lỗ Dàng mua gom khoảng 6 ha đất rẫy để trồng trọt và chăn nuôi bò. Ông Hải cũng xây một ngôi nhà mái tôn nhỏ tại rẫy để làm nơi che mưa che nắng. Chị Anh nghỉ học sớm nên giữa năm 2004 được cha đưa lên Lỗ Dàng phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn bò. Việc chị phải ở lại trông rẫy làm cỏ chăn bò thời gian dài không được về nhà, bị cha cấm cản không cho con gái tiếp xúc với người ngoài là có thật.
Để làm sáng tỏ điểm nghi vấn ông Hải có phải là cha đứa bé như lời kể của chị Anh hay không, Công an huyện Đồng Xuân quyết định trưng cầu giám định pháp y bằng phương pháp xét nghiệm ADN. Ngày 14/6/2012, Công an huyện Đồng Xuân đã đưa hai mẹ con chị Anh đến Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng để giám định ADN. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bé gái mà chị Anh sinh ra không phải là con của ông Hải.
Công an cũng đồng thời nhận được thông tin từ các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Phú Yên về tình hình sức khỏe và tinh thần của chị Anh. Họ cho biết chị Anh nhận thức rất hạn chế, khá chậm chạp, thần kinh không bình thường. Như vậy, lời khai của chị Anh về cha đứa bé là sai sự thật.
Mẹ con cô gái khù khờ đã mất tích
Gọi cửa mãi, chúng tôi mới gặp được bà Lưu Thị Ngọc Dung (SN 1950, mẹ chị Anh). Người đàn bà khắc khổ trong cả thân người và dáng đi, ánh mắt hiện nỗi lo âu khi có người lạ tìm đến nhà. Vừa loay hoay mở hai ổ khóa, bà cho biết hơn hai năm qua, hai vợ chồng bà và các con sống trong nhục nhã, cay đắng. Mặc dù sự việc đã được làm rõ trắng đen, rằng ông Hải không biến con gái thành nô lệ tình dục, nhưng có người vẫn đồn đại ông Hải loạn luân. “Họ nói về ổng mà miệt thị chẳng khác gì nói về loài súc vật. Đứa con út của vợ chồng tôi năm ngoái học hết lớp 8 không dám đi học nữa vì xấu hổ với bạn bè”, bà nói.
Nhà vợ chồng ông Hải lúc nào cũng khóa cổng. |
Từ ngày con gái về nhà, hai ông bà biết con gái mình khờ khạo, nhận thức hạn chế, ai bảo gì cũng nghe theo nên hai người không nhắc lại chuyện cũ. Chị Anh không phải lên rẫy nữa mà chỉ ở nhà chăm sóc con gái. Hằng ngày chị Anh quanh quẩn trong nhà làm những công việc vặt như nấu cơm, quét nhà, giặt giũ. Hai mẹ con quấn quýt nhau, hết ở trong nhà lại ra vườn chơi đùa. Bà Dung chua xót: “Giận con lắm chứ, nhưng nó như vậy nên vợ chồng tôi cũng chỉ biết khóc thôi. Dù sao nó cũng là nạn nhân khi bị người ta dụ dỗ rồi bày cách đổ tội cho cha. Mọi chuyện qua rồi, tai tiếng cũng mang đủ cả rồi nên không nhắc lại nữa”.
Thời gian trôi qua, vào một ngày tháng 8/2013, khi bà Dung và cả gia đình đi gặt lúa đến trưa về nhà thì không thấy mẹ con chị Anh ở nhà. Cả nhà ngược xuôi đi tìm thì người hàng xóm cho biết sáng hôm đó chị Anh bế con gái cầm tờ một trăm nghìn đồng đi ra quán nước mua kẹo. Sau đó hai mẹ con đi ra khỏi quán rồi đi đâu chẳng rõ. Đây cũng là lần cuối cùng người dân thôn Tân Phú thấy hai mẹ con cô gái.
Bà Dung nghẹn lời vì nhớ cháu: “Hằng ngày tôi đi làm về, đứa bé vẫn chạy ra ngoài ôm tôi gọi: “Bà ngoại! Bà ngoại”. Thế mà hôm đó tôi về nhà chẳng thấy bóng dáng cháu lẫn mẹ nó đâu. Nó làm gì mà có một trăm nghìn đồng cơ chứ, đến đồng tiền mệnh giá bao nhiêu nó cũng không đọc ra nữa là. Chẳng biết ai lại cho tiền rồi nhẫn tâm dụ dỗ nó đi để rồi người ta lại đồn rằng chúng tôi đánh đập, hành hạ nó khiến nó phải bỏ nhà đi”.
Bà Nguyễn Thị Nghi (SN 1960, hàng xóm bà Dung), cho biết: “Tam Anh từ bé vốn khờ khạo chậm chạp nên từ ngày được đưa về nó cũng chỉ quanh quẩn trong nhà với con gái. Những lúc nó ra giếng giặt đồ, tôi vẫn thường hay trò chuyện với nó. Đứa nhỏ lanh lẹn, ngoan và dễ thương lắm. Ai ngờ tôi vừa khen hôm trước thì hôm sau bà ngoại nó bảo hai mẹ con đã bỏ nhà đi, đến nay không một tin tức”.