Ghi nhận Công an Việt Nam đã phá án, tuy nhiên, trang Facebook có tên Rosie Đặng chia sẻ một bài viết dài nêu suy nghĩ về vụ việc:
"1. Có thể cứu được em Duyên sớm hơn từ sau khi người nhà trình báo em mất tích. Ở bên Mỹ có một bộ phận gọi là "Criminal Minds"- chuyên phân tích tâm lý tội phạm. Thường nhiệm vụ của tổ chuyên án này đấy là khi nhận được điện thoại thông báo về những trường hợp mất tích hoặc có khả năng xảy ra nguy hiểm... thì họ sẽ ngay lập tức bắt tay vào khoanh vùng và truy lùng dấu vết.
Các bộ phận bên này khá chuyên nghiệp: Nhân viên truyền thông của cảnh sát sẽ nói chuyện trấn an tinh thần người nhà, hỏi han lấy tất cả các vật dụng, ảnh của nạn nhân. Sau đó tùy vào mức độ của trưởng ban chuyên án, xem khi public thông tin có gây nguy hiểm hay sẽ giúp giải cứu nạn nhân kịp thời dựa trên nhận dạng của chính những người dân xung quanh.
Chuyên viên truyền thông nếu được cho phép của cấp trên sẽ ngay lập tức tổ chức họp báo, kêu gọi mọi người nếu ai nhìn thấy nạn nhân giống như trong hình hoặc có bất kì manh mối gì hãy gọi về số hotline.
Hàng trăm tờ báo + ti vi sẽ đưa tin liên tục. Bản thân tổ chuyên án cũng vẽ ra hồ sơ chân dung tội phạm. Ví dụ vừa vào tù ra tội, có tiền án hay đây là gây án lần đầu, thủ phạm cao bao nhiêu mét, tóc màu gì, béo hay gầy dựa trên phỏng vấn nhanh người dân và khoanh vùng hồ sơ xung quanh khu vực nạn nhân bị mất tích hoặc khu vực liên quan... Chiếc xe nạn nhân đi màu gì rồi ai có biểu hiện bất thường? Tất cả những điều này sẽ nhanh chóng được triển khai.
Mình viết thì dài nhưng họ triển khai chỉ độ 1-2 tiếng nhiều nhất khi nhận được thông báo của gia đình. Do đó mà hầu như người mất tích được tìm thấy được đưa vào viện cấp cứu kịp thời, tạo nên một cái kết có hậu.
Chưa kể mình không biết thế nào nhưng sự huy động người tình nguyện tham gia cùng tìm kiếm tại một thị trấn hoặc thành phố nào đó cực kì phổ biến. Ví dụ trong xóm A em B bị mất tích, ngay lập tức thanh niên trai tráng của xóm A đó sẽ phối hợp cùng với công an để đi tìm em B, đào bới xới lộn tất cả mọi thứ xung quanh, kể cả trong cánh rừng và đường làng.... Tận dụng sức dân là đây chứ đâu hả mọi người!
2. Gia đình nạn nhân:
Ngày hôm qua mình đọc được bài báo mẹ của em Duyên bị hàng xóm xung quanh dè bỉu vì có thông tin là có kẻ tống tiền nhưng mẹ em tiếc tiền không giao ra cho nên con mới bị giết. Thật sự những thông tin đồn thổi như thế này bởi chính hàng xóm láng giềng là quá nhẫn tâm mọi người ạ! Không giúp gì được thì thôi lại còn thêm dầu vào lửa, đồn thổi vô lương tâm, vô đạo đức.
Chưa kể, hôm trước mình đọc trên diễn đàn nhà báo, một bạn xông vào post một link lên rồi phán: Ối giời ơi, các báo đừng vô đạo đức như thế này được không? Con người ta chết rồi mà còn phải đưa tình tiết hãm hiếp vào là thế nào? Thế người sống ở lại thì biết đối mặt với điều tiếng làm sao?
Ô hay bạn ơi, thế không lẽ em bị hiếp rồi giết thì viết là em chỉ bị giết thôi để giảm nhẹ tình tiết, lừa gạt người đọc rồi giảm tội cho bọn thủ ác à? Chưa kể là nạn nhân chết đau đớn như vậy ai nghe cũng thương cảm chứ điều tiếng gì? Trời ơi, nếu ai nhẫn tâm nói về điều tiếng thế này thế khác khi em bị chết như vậy thì quả là lòng dạ độc ác chứ không phải đơn thuần là vô lương tâm đâu.
Cha mẹ em Duyên với nhận thức ở tỉnh miền cao mà đã biết trình báo khi con mất tích 2 tiếng thì chứng tỏ cha mẹ rất thương con. Mình đánh giá cao điều này. Nói thật mọi người còn chưa biết là nhiều nhà thấy con không về cứ tưởng con rẽ qua đi đâu chơi với bạn nữa cơ. Có khi để sau 1 ngày 1 đêm mới đi trình báo.
Chính ở Mỹ, nếu mọi người theo dõi các vụ án có thật được dựng lại thành phim sẽ thấy, trong trường hợp trẻ con mất tích, đôi khi các bậc cha mẹ lại tự hỏi mình: Giờ hàng ngàn người lao vào cánh rừng tìm con mình mà con mình đột nhiên xuất hiện vì đã trốn cha mẹ ở một góc nào đó thì có phải mình sẽ trở thành trò cười hay không? Nhưng thực sự không các mẹ ạ bởi vì cái viễn cảnh ấy sẽ không trở thành hiện thực bởi vì hiện thực tàn nhẫn hơn nhiều nếu chúng ta không nhanh chóng trình báo.
3. Sự ứng phó kịp thời khi xử lý các tình huống liên quan đến mất tích, án mạng
Ở Việt Nam, có lẽ điều này thật sự khó mà ngay chính ở Mỹ cũng khó chứ đâu riêng gì. Nếu mọi người theo dõi phim "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri" sẽ thấy hình ảnh người mẹ đi đòi công lý cho con.
Sau vụ con gái bị hiếp rồi giết hại dã man mà mãi cảnh sát chưa tìm ra được hung thủ, người mẹ mạnh mẽ này đã tìm đến cảnh sát trưởng rồi đi thuê tấm bảng billboard vốn dùng cho quảng cáo để ghi những dòng chữ: “Raped while dying” (Bị cưỡng hiếp khi đang hấp hối), “And still no arrests?” (Và đến giờ vẫn chưa ai bị bắt?), “How come, Chief Willoughby?” (Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?). Tất cả mong nhận được sự chú ý của dư luận để tìm kiếm kẻ sát nhân. Nếu có thời gian mọi người nên xem, vô cùng cảm động!
Tấm lòng cha mẹ bao la, cha mẹ em Duyên đã làm hết sức trong khả năng của mình!
Công an Việt Nam đã phá án là điều đáng ghi nhận. Nhưng vẫn còn đó từ "giá như": Giá như tìm được em sớm hơn?".
Bài viết của Rosie Đặng nhận khá nhiều like và bình luận. Có cư dân mạng bày tỏ đồng tình với người viết nhưng cũng có những ý kiến ngược lại: "Tớ nghĩ công an đã làm hết khả năng rồi. Và sau khi chuyện kết thúc tớ nghĩ ko có từ giá như ở đây";
"Bé Nhật Linh bị bắt cóc ở Nhật ngày 24/3, tìm thay xác ngày 26/3. Mà mãi tới 14/4 mới bắt được chính xác nghi phạm. May là camera đầy đường đó. Và án xảy ra ở thành phố mật độ 7000ng (người - PV) /km2 chứ không phải Điện Biên <100ng/km2. Em thấy tất cả mọi thứ còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, hoàn cảnh...";
"Đừng cái gì cũng lôi Mỹ vào, công an Việt Nam tìm ra thủ phạm nhanh hơn cảnh sát Mỹ đấy. Thử hỏi ở miền núi thưa người, hoang vắng thì làm sao tìm thâý người nhanh mà không huy động nhiều người, chỉ ngồi nói và phân tích khi chuyện đã xong và có kết quả thì ai chả nói hay được".