Hội nghị kêu gọi đầu tư của Bộ GTVT đã thu hút 100 doanh nghiệp trong nước và hơn 70 doanh nghiệp quốc tế tham gia, đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Singapore…
Không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2017 – 2020, dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ đầu tư xây dựng 654km, đi qua 13 tỉnh – thành, chia thành 11 dự án thành phần; có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Theo quy định, 8 dự án PPP được lựa chọn NĐT thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. “Chúng tôi không phân biệt NĐT trong nước hay quốc tế”, ông Nhật nói.
Trước đông đảo các NĐT trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ sự hài lòng khi dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được nhiều NĐT quan tâm. “NĐT sẽ được Chính phủ và Bộ GTVT tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư”, ông Thể nói và cho rằng, tới đây sẽ còn nhiều dự án giao thông ở Việt Nam kêu gọi vốn quốc tế. “Dự án này sẽ là tiền đề để các NĐT quốc tế tiến hành các dự án tiếp theo ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Cũng theo ông Thể, 8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức công – tư (PPP) sẽ là cơ hội tốt cho các NĐT quốc tế. Bộ trưởng chứng minh, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 33 triệu ô tô, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu đi lại bằng ô tô đang rất lớn.
Đồ họa các đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. |
“Trong thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 40 triệu ô tô. Những ô tô này sẽ lưu thông trên cao tốc; đem lại hiệu quả bền vững cho NĐT BOT”, ông Thể nói và cho biết, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được cả Quốc hội, Chính phủ quan tâm, đồng thời đã bố trí nguồn vốn ngân sách 55.000 nghìn tỷ đồng, chỉ chờ lựa chọn được NĐT, nên tính khả thi của dự án rất cao. “Ngân sách bỏ vốn 50%, NĐT chỉ bỏ 50% vốn còn lại nên các bạn yên tâm về tính khả thi của dự án cũng như các thuận lợi khác”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói trước hơn 170 NĐT.
Nhà đầu tư quốc tế băn khoăn điều gì?
Tại Hội nghị, nhiều NĐT quốc tế quan tâm đến vấn đề bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ. Đây được cho là nội dung quan trọng, quyết định đến việc NĐT quốc tế đầu tư vào dự án hay không.
Liên quan đến thắc mắc về bảo lãnh doanh thu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện quy pháp luật Việt Nam chưa quy định về việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho NĐT tham gia dự án PPP. “Bảo lãnh doanh thu tối thiểu là nội dung khó. Trong dự thảo sửa đổi luật đầu tư PPP, chúng tôi có đưa vấn đề này ra bàn luận, xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, luật sửa đổi có thay đổi không thì chưa biết trước”, đại diện Bộ KH&ĐT nói.
Liên quan đến bảo lãnh tỷ giá, đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, quy định hiện nay của Việt Nam cũng không quy định bảo lãnh tỷ giá trong đầu tư PPP. “Khi xác định đầu tư, rủi ro về tỷ giá phải được NĐT tự tính trước. Thời gian qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam phát triển bền vững, tỷ giá ổn định nên NĐT hoàn toàn yên tâm về tỷ giá”, đại diện NHNN trả lời NĐT.
Trước các băn khoăn của NĐT về dự án không được bảo lãnh doanh thu cũng như tỷ giá, PLVN đã trao đổi với Chuyên gia kinh tế Ngô Hà Quân (Quỹ đầu tư Eco Capital). Theo ông Quân, mức lợi nhuận của dự án được quy định là 11,7%, bằng VNĐ. “Vì lợi nhuận được tính bằng VNĐ trong khi họ đầu tư bằng USD nên NĐT lo lắng việc VNĐ sẽ trượt giá so với giá USD. Họ mong muốn có sự bảo lãnh.
Ở nhiều nước, Chính phủ đều bảo lãnh tỷ giá và doanh thu”, ông Quân nói và cho biết, không chỉ Việt Nam kêu gọi đầu tư PPP, nhiều nước khác trong khu vực cũng gọi đầu tư theo hình thức này. Để lựa chọn đầu tư Việt Nam, họ phải cân nhắc khi so sánh tương quan với các nước khác. “Bởi vậy Bộ GTVT nên linh hoạt điều chỉnh quy định thì mới thu hút được nhiều NĐT quốc tế trong bối cảnh năng lực tham gia các dự án này của NĐT trong nước là rất hạn chế”, ông Quân nói.