Gian lận thi cử Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình: Phụ huynh tự “đổ mực” vào đời con

Không phải hư danh, đích đến cuối cùng của đời người là làm người tử tế. (Ảnh minh họa)
Không phải hư danh, đích đến cuối cùng của đời người là làm người tử tế. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Những ngày này, khi hoa phượng đã chớm đỏ, mùa thi đang cận kề, thì những bê bối chưa từng có về gian lận thi cử mùa trước vẫn không ngừng… nóng! Dư luận vẫn đang mong đợi một sự quyết liệt tới cùng, không chỉ là thí sinh bị đuổi học, thầy cô bị khởi tố, mà chính những phụ huynh mua điểm cũng phải chịu tội! Và nữa là một lời xin lỗi của người đứng đầu ngành giáo dục, chứ không chỉ là… “đau lòng”…

Nghịch lý: người mua điểm… vô tội?

Dường như, những kẻ có tiền, coi thường pháp luật đã có thể bất chấp tất cả bởi hư danh. Và những bậc phụ huynh ấy đã cho các chàng trai, cô gái tuổi 18 bước vào đời nhìn thấy, thủ khoa cũng có thể mua được dễ dàng bằng tiền…

Các vị quan chức Sơn La, có người chưa phát ngôn, nhưng một số người đã phát ngôn thì, cùng mô típ với vị quan chức Hà Giang đã từng phát ngôn trước đây! Rằng, đều rất ngạc nhiên và không hề biết gì về chuyện con mình được nâng điểm. Và rằng: Cũng rất buồn vì ai đó nâng điểm cho con mình. 

Cuối cùng, “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, 222 thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã dần hé lộ. Một vết nhơ, một trang sử buồn có một không hai trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Trường hợp nâng điểm ít thì ba bốn điểm, nhiều thì hơn chục, nhiều nhất là gần  29,5 điểm. Một trường hợp đặc biệt “xuất sắc” là thí sinh N.H.Q. ở Hòa Bình thi hai môn Lý và Hóa chỉ được 0 điểm, nhưng được nâng thành 9 và 9,25 điểm.

Tổng điểm nâng tổ hợp 3 môn của thí sinh này lên tới 26,45 điểm để trở thành thủ khoa Trường sĩ quan Lục quân 1. Tuy nhiên, xét về số điểm nâng tuyệt đối thì Hà Giang vẫn đứng đầu, có những thí sinh của tỉnh này tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó. Tức là mức điểm được nâng gần như tuyệt đối với 3 bài thi. 

Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn Toán - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những người đầu tiên lên tiếng hoài nghi về gian lận thi cử ở Hà Giang bày tỏ: Những ai sử dụng bình phong nhân văn để phản đối việc công khai danh tính các thí sinh được nâng điểm nghĩ gì về nhân cách các thủ khoa, á khoa rởm khi những thí sinh này vẫn hãnh diện nhập trường, hãnh diện nhận phần thưởng không do năng lực của chính mình mà do tiền, do quyền của các bậc làm cha, làm mẹ?

Ai nói rằng nhiều em không biết việc cha mẹ mình làm nhưng được nâng từ 10 tới gần 27 điểm, và 29.5 điểm ba môn thì có thật sự các em không biết? Theo suy nghĩ của người dân, người tìm cách tác động để người khác phạm tội nên coi là kẻ chủ mưu và cần có chế tài xử phạt ít ra là bằng kẻ gây tội. Đã đến lúc cần khởi tố vụ án về gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình để xử phạt đúng người đúng tội. 

Dư luận cho rằng, 63 tỉnh thành là 63 người đi xe máy lưu thông trên cùng một tuyến đường. Khi gặp đèn đỏ, một số người đi đúng luật dừng xe đợi đèn xanh, nhiều người bất chấp luật pháp vượt đèn đỏ nhưng chỉ có ba người bị cảnh sát giao thông bắt được, đó là Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Dư luận cũng cho rằng, kỳ thi năm 2017 không phải không có các hiện tượng nâng điểm, sửa điểm giống như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. 

Theo thầy Vĩnh, gian trá điểm thi cũng là tham nhũng, là ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp vì vậy việc chỉ ra những kẻ phạm tội là điều cần làm dù là trong quá khứ. “Điều cuối cùng tôi muốn nói lại là, tất cả các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua cần phải cho thôi học bởi những thí sinh này vi phạm khoản Đ, Điều 118 của Luật Giáo dục.

Nhẹ hơn một chút, bài thi của các thí sinh này đã vi phạm khoản 3 điều 23 quy chế thi mà Bộ Giáo dục ban hành. Nếu xử theo luật hoặc xét theo quy chế, bài thi của các thí sinh trên đều bị hủy bỏ, các em không được công nhận tốt nghiệp thì làm sao lại vẫn được học đại học.

Việc gian dối dù chỉ một điểm về mặt nào đó đáng tội hơn việc thí sinh đem tài liệu vào phòng thi chưa sử dụng đã bị bắt, người thì bị đình chỉ thi với tội nhẹ, kẻ được học tiếp với tội nặng xem ra vô lý quá”, thầy Vĩnh nhấn mạnh.

Cha mẹ dạy con… “chạy”

Trong vụ gian lận điểm thi chấn động quốc gia này, nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể con cái học ngay cái gian lận của mẹ cha, để rồi sau này sẽ lại gian lận khi hành nghề, để mua điểm cho thế hệ thứ 3... cũng không có gì lạ. Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, có một sự thật là: Được học tiếp hay buộc phải về nhà, thì gần một năm qua các em này cũng luôn luôn “sống trong sợ hãi”, nơm nớp lo lắng, cứ mỗi ngày trôi đi là một lần thở phào.

Bây giờ thì các em đang đối mặt với bản án dư luận. Đẩy các học sinh ra nông nỗi này, trước hết là do bố mẹ các em. “Đa số cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm đều là quan chức, công chức, viên chức. Sau Bí thư Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm cũng được công khai như: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...”. 

Tục ngữ Tây Ban Nha có câu: “Cha mẹ là trường học vĩ đại nhất của con người”. Còn hình thành nhân cách là từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Người mẹ, người cha là người thầy đầu tiên. Các phụ huynh gian lận điểm thi có khác gì đổ mực vào cuộc đời con? Cuối cùng để lại cho con cái gì? Tiền bạc? Quyền lực? Hay để lại cho con cách làm một con người? Tiền bạc dĩ nhiên là rất cần, giàu có càng cần.

Nhưng đứa con không ra một con người thì chỉ qua đêm đánh bạc là nó nướng hết của nả của bố mẹ vào sát phạt đỏ đen. Gian lận điểm cho con cũng là cách chìa tay ra nâng bước chân con đầu tiên vào đời. Lo lót bây giờ để hướng tới một ghế ngồi quyền lực mai sau cho con. Bởi thế, nhân đạo với phụ huynh gian lận, là có tội với phụ huynh tử tế, lương thiện.

Nhân đạo với thí sinh có điểm thi gian lận là có tội với thí sinh trung thực học thực, thi thực. Bởi hạnh phúc là cái chăn hẹp, người này kéo che kín đầu thì người kia hở vai, người này che kín chân thì người kia hở mặt... 

Thực tế, kì thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi để sát hạch trình độ của học sinh, đồng thời cũng là một sự sát hạch về đạo đức của một con người. Thế nhưng cô bé làm dậy sóng dư luận với hư danh thủ khoa kép ĐH Sư phạm phát biểu ngày nhập học “Em tự tin về điểm số của mình”. Điểm của em được nâng 14,85 điểm chứ có bao nhiêu đâu. Tuy nhiên, cô bé cũng chỉ là nạn nhân của thế giới người lớn.

Nếu vụ việc không được phát hiện thì sự vùi dập ấy sẽ theo một nghĩa khác. Nó sẽ tạo ra một con người gian dối suốt hành trình còn lại, nó tước đoạt tất cả những niềm vui và niềm tự hào của một con người tử tế. 

Theo chuyên gia tâm lý Thu Hà, “Thương con như thế bằng 10 hại con”. Như cô bé kia, vì ba mẹ mà giờ đời cô tan nát, lừng danh ô nhục khi mới 19 tuổi, cả nước biết tên biết mặt, hứng chịu gạch đá rủa xả của người đời. Sống trong nước cũng khó mà đi du học thì với ô danh đó có lẽ cũng chả có trường nào tử tế ở nước ngoài dám nhận. Trong khi đó,  các nhà khoa học đã chứng minh rằng con người có đến 8 loại trí thông minh.

Mỗi con người có một thế mạnh riêng và xã hội cũng có rất nhiều loại hình lao động khác nhau để phù hợp với tất cả mọi người nếu có sức khỏe và sự chăm chỉ. Vậy nên việc cha mẹ quyết định chạy điểm cho con trong cuộc đua trí tuệ để được vào học những trường đại học danh giá là sai lầm nghiêm trọng. Chính họ đã tước mất đi mơ ước, thế mạnh của chính mỗi con em mình. Điều quan trọng, họ đã đánh mất cơ hội trưởng thành, làm người tử tế của các em…

Cuối cùng như lời họa sỹ Hoàng A Sáng nhắn nhủ các em đang miệt mài vượt đèo lấy chữ, dù thế nào, cũng hãy tin vào thiện lương: “Tôi và các em đã từng là con nhà yếm thế trên núi cao. Chúng ta yếm thế vì cha mẹ chúng ta là nông dân, anh em họ hàng chúng ta là người lao động bình thường, lại sống trên vùng cao lạc hậu và nghèo đói..!

Vì yếm thế nên chúng ta có khát vọng riêng - khát vọng vượt qua đèo, vượt qua dốc, vượt qua mọi trở ngại nhọn hơn đá tai mèo để đi tìm thế giới văn minh bằng học thuật! Và đặc biệt, chúng ta không biết gian lận, bởi cha mẹ chúng ta không nói dối, không gian lận. Vì thế một cách tự nhiên chúng ta cũng không mang theo những tính cách xấu xa đó trong tâm hồn. Điều này vô cùng quan trọng các em ạ!

Cha mẹ chúng ta nghèo nhưng chắc chắn không bao giờ dạy chúng gian dối! Tôi nghĩ đó là một đặc ân, một “lá bùa” công hiệu giúp chúng ta tồn tại, ngay thẳng và bền vững như cây nghiến trên núi cao. Kẻ gian dối có thể đang vẫn giàu có, quyền lực, thậm trí họ núp trong bóng của những vị “Phật”, họ sẽ rao giảng những điều ngọt bùi làm mềm lòng chúng ta. Nhưng rồi sự gian dối vẫn sẽ là gian dối, vẫn sẽ là xấu xa, vẫn phải đền tội!

Nhưng thời gian sẽ chứng minh rằng, người trong sáng, khát vọng trong sáng, sống trong sáng sẽ đến được với ánh sáng. Đừng sợ, đừng tuyệt vọng, các em và tôi sẽ từ người yếm thế trở thành người tử tế. Rồi đến một ngày, chúng ta sẽ đi đến đỉnh của con đèo và hát những bài ca vang lừng của núi rừng muôn thủa!”…

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.