Bí ẩn tục thờ cúng thần hổ

Xấp xỉ 30 người Sundarbans bị loài hổ đoạt mạng mỗi năm
Xấp xỉ 30 người Sundarbans bị loài hổ đoạt mạng mỗi năm
(PLO) -Mỗi năm, có chừng 30 người bị đoạt mạng bởi “Ông Ba Mươi”tại Sundarbans, nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh. Có lẽ nào dân địa phương nơi đây sùng kính chúa sơn lâm hơn nỗi kinh hoàng về loài động vật giết người này?

Lời làm chứng rợn tóc gáy

“Ngày 23/6/1984, tôi bị một vố nhớ đời” - ông Phoni Gyen ngồi trên cầu tàu dõi mắt nhìn ra con nước ròng đang chảy xiết của dòng sông Sundarbans, một quần đảo trũng nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hằng, kể chuyện về lần chạm trán đẫm máu của mình.

Mái tóc hoa râm bạc một nửa, mặt cháy nắng như dòng sông ngập rác bị hong khô dưới nắng mặt trời, như đáy sông nứt nẻ vì thiếu nước dưới ánh nắng mặt trời khốc liệt ở Bengal, Phoni Gyen kể lại: “Suốt buổi sáng hôm đó, chúng tôi dầm mình đánh cá. Lúc đang lúi húi ở bờ sông thì chúng tôi chợt nghe một tiếng động mạnh từ phía sau những bụi cây. Tôi cố gắng chạy trối chết, nhưng nhanh như điện xẹt, con quái đã chặn trước mặt tôi”. 

Một con hổ đã vồ lấy Gyen, ghìm chặt ông xuống đất. Một chân con quái đè lên ngực ông khiến nạn nhân suýt ngộp thở, đồng thời móng vuốt sắc như dao của nó cào rách mặt nạn nhân. Gyen rùng mình nhớ lại:

“Tôi chắc mẩm mình đã tận số”. Tay cầm cái que gỗ, một ai đó từ đội đánh cá của Gyen đã nhảy ra khỏi thuyền đánh cá và cố gắng đánh lạc hướng con thú ăn thịt. Lau vội mồ hôi vã ra trên mặt, Gyen khẽ khàng kể: “Con thú quắc mắt nhìn ông bạn tôi, rồi rời bỏ tôi, ngoạm lấy ông ấy và biến mất trong cánh rừng”. 

Phoni Gyen bị cọp tấn công năm 1984 trong lúc đang đánh cá ở Sundarbans
Phoni Gyen bị cọp tấn công năm 1984 trong lúc đang đánh cá ở Sundarbans 

Hổ là mối đe dọa tiềm tàng cho người dân sống ở Sundarbans, một nơi nằm giữa miền Nam xứ Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ, với một cộng đồng dựng nhà cửa trên những hòn đảo phủ dầy bóng cây đước. Khu danh thắng này đã được UNESCO công nhận và là nơi sống quần tụ của loài cọp Bengal với ước khoảng 150 “ông hùm” trong vùng. 

Chúng tôi có thể nhìn thấy rõ mồn một những vết sẹo chằng chịt ngang dọc trong số một đám nhỏ dân cư đang tập trung tại ngoại ô ngôi làng Dayapur, lối vào Sundarbans, khi nghe câu chuyện ly kỳ của ngư dân Phoni Gyen.

Ngồi bên cạnh chúng tôi là Niranjan, người đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị hùm giết hại lúc mới tròn 11 tuổi. Sát bên Niranjan là một đôi mắt ngầu đỏ của Sunil, chính ông nhìn thấy cảnh con cọp cắp bà xã từ thuyền đánh cá và mang người phụ nữ tội nghiệp vào rừng.

Theo anh Saptarshi Mondal, một hướng dẫn viên rừng Sundarbans có nhiệm vụ giúp đỡ chúng tôi khảo sát mối quan hệ kỳ lạ giữa dân địa phương và loài cọp dữ, trong khi vẫn có nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi khỏi sự tấn công của mãnh hổ, nơi đây, hiện tượng biến đổi khí hậu đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thức ăn truyền thống của loài mãnh thú. 

Hướng dẫn viên Saptarshi Mondal mặt rầu rầu cho hay: “Có 2, 3 hòn đảo gì đó đang chìm dưới nước. Vì thế rất ít cỏ cho hươu nai và lợn rừng, là 2 thành phần thức ăn chính của loài cọp”. Khi con người, đặc biệt là cánh ngư dân, chọc sâu vào cánh rừng Sundarbans để đánh cá, đã vô tình trở thành “thức ăn thay thế” cho loài hổ. Những trận xung đột xuyên suốt chiều dài lịch sử đã làm nảy sinh lòng oán giận giữa dân làng với các “ông hùm”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi Gyen và các bạn có chống lại cọp dữ không thì hết thảy họ đều lúng túng. Nhìn thấy vẻ nghi ngại của chúng tôi, hướng dẫn viên Mondal ra dấu hiệu cho chúng tôi bắt chuyện với ai đó để hiểu hơn về chuyện bí ẩn này. Chúng tôi luồn sâu vào hòn đảo, quanh đó là rải rác những hồ nước, xuyên qua đồng lúa, đặt chân đến một túp lều gỗ vững chắc. Ngoài căn lều, bà Kaushalya Mondal ngồi lẻ loi trước một bếp lò nhỏ.

Rừng già Sundarbans được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO, nơi sống của 150 con hổ Bengal
Rừng già Sundarbans được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO, nơi sống của 150 con hổ Bengal  

Bí ẩn tục thờ thần hổ

Vẻ đượm buồn, người phụ nữ góa vừa thổi cơm vừa phân trần: “Ông xã tôi là ngư dân. Năm ngoái chúng tôi đánh cá cùng nhau trong một cánh rừng sâu, và bị cọp tấn công. Nó tấn công thẳng vào ông nhà, kéo ổng xuống nước rồi lôi vào rừng, chỉ trong phút chốc con quái biến mất. Tôi đứng chôn chân chả biết làm gì”. 

Vẻ thống khổ vì mất chồng biểu lộ rõ nét trên khuôn mặt của người đàn bà góa, nhưng khi chúng hỏi Kaushalya rằng bà có căm giận con hổ dữ không, thì bà nói thẳng: “Tôi không giận chúng đâu. Lỗi hoàn toàn thuộc về chúng tôi cả. Chúng tôi dám “cả gan” đi trước mặt ông hổ, mà đáng lý là phải đi vòng hướng khác. Ở đây, chúng tôi vẫn đang thờ cúng Dakshin Rai”. 

Dakshin Rai được tôn sùng là Hổ Thần, là một vị thần linh được sùng kính ở Sundarbans. Hổ thần cùng với lâm thần Bon Bibi được cho là người bảo vệ rừng già - nơi nương náu của cư dân bản địa. Trước khi vào rừng săn các sản vật, những người đi “ăn ong” và ngư dân phải làm lễ dâng cúng tại một trong nhiều ngôi miếu thần, nhằm hy vọng ra khỏi rừng bình an.

Mặc dù sự sùng kính loài hổ có gốc gác từ một sự mê tín, nhưng nó không quá lung linh mà chí ít cũng có cái để tin theo. Hướng dẫn viên Saptarshi Mondal nói chắc nịch: “Vùng Sundarbans cần phải có hổ. Nếu không rừng già sẽ không tồn tại”. 

Cái tên Sundarbans cũng xuất xứ từ loài cây Sundari đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. Là một giống cây ngập mặn mọc phổ biến trong vùng, gỗ cứng và thớ mịn của nó là một vật liệu tuyệt vời cho các sản phẩm gỗ cao cấp.

Hướng dẫn viên Saptarshi giải thích: “Nếu không có hổ và sự thực thi bảo vệ rừng của chính phủ, thì bọn “lâm tặc” sẽ đến và đốn sạch cây rừng”. Chính phủ Bangladesh quyết định bảo tồn quê hương của loài hổ Bengal, cũng  như tránh cho Sundarbans từ sự phát triển của văn minh đô thị, đồng thời làm tăng thu nhập nội tệ cho dân cư địa phương thông qua hoạt động du lịch coi hổ. 

Saptarshi nhấn mạnh: “Rừng Sundarbans mang đến cho người dân xứ này nhiều lợi ích. Nó chống lại hiện tượng nước biển dâng và trở thành bức tường chống lại sóng thần và bão tố (vốn thường xuyên xảy ra) ở Vịnh Bengal”.

Bất chấp các vụ tấn công, người Sundarbans vẫn sùng kính loài hổ, tôn chúng làm thần linh
Bất chấp các vụ tấn công, người Sundarbans vẫn sùng kính loài hổ, tôn chúng làm thần linh 

Vì tôn sùng hổ thần thế nên mặc dù thấy bạn bè và người thân bị lâm nguy trước mắt mình, nhưng người Sundarbans vẫn không mảy may có tư tưởng ghét hổ. Họ biết định mệnh của mình cột chặt với loài mèo lớn: hổ bảo vệ rừng già, rừng già lại bảo vệ con người. Sau nhiều thế hệ sống chung với “chúa sơn lâm”, người dân Sundarbans hình thành niềm tin rằng không có nỗi e sợ nào trong cộng đồng vững mạnh của họ.

Khi mặt trời uể oải kéo dài vệt nắng trên các vòm cây, gần đó trên cầu tàu, ngư dân Phoni Gyen đang một mình quét dọn ngôi đền Dakshin Rai, ông được chỉ định làm người trông coi ngôi đền hổ sau khi giải nghệ từ nghề đánh cá.

Nỗi sợ ô nhiễm môi trường

Bỗng đâu một tiếng ầm vang rền phá tan khung cảnh thanh bình từ một tàu hàng khổng lồ đậu trên mặt sông Sundarbans. Những cột khói cay xè phả ra từ ống khói tàu hàng, nhuộm bầu trời một màu rạng hồng.

Cuối năm 2016, Bangladesh khởi công xây dựng nhà máy điện than lớn nhất nước này, nằm cách thượng nguồn khu rừng già Sundarbans độ 65 km. Nhà máy điện than Rampal gặp những lời chỉ trích của các tổ chức môi trường, bao gồm cả tổ chức UNESCO, cơ quan này dán nhãn “mối đe dọa nguy hiểm” cho hệ sinh thái Sundarbans.

Báo cáo chi tiết của UNESCO tuyên bố rằng ô nhiễm từ bụi than đá và nước bẩn cũng như tăng các chuyến tàu hàng và nạo vét sông, đã làm leo thang các tác động của biến đổi khí hậu trong cánh rừng già được bảo tồn và là căn nguyên gây nên “thiệt hại không thể đảo ngược”. 

TS. Punarbasu Chaudhuri, người đứng đầu khoa Khoa học môi trường tại Đại học Calcutta, cách Sundarbans khoảng 70km về phía Bắc, cũng nhất trí với tiên lượng của UNESCO, và tỏ ra lo ngại về những tác động tiềm năng rộng rãi của nhà máy điện than Rampal.

Ông cảnh báo: “Khoảng 2,5 triệu người sống phụ thuộc vào các cánh rừng ngập mặt tại Sundarbans sẽ mất nơi sinh kế. Loài hổ, các loài cây thực vật và muông thú sống trong vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu một khi hệ sinh thái nơi đây bị phá hoại vĩnh viễn”.

Nhà máy điện than đá Rampal, cách đó 65km, đang đe dọa môi trường rừng già Sundarbans
Nhà máy điện than đá Rampal, cách đó 65km, đang đe dọa môi trường rừng già Sundarbans 

Mặc dù chính phủ Bangladesh khẳng định rằng nhà máy điện than Rampal không gây ảnh hưởng nào tới tác độn của rừng già, nhưng TS Punarbasu Chaudhuri và tổ chức UNESCO cùng kết luận rằng dự án đó nên dịch chuyển xa hơn hay dừng lại hoàn toàn. 

Chúng tôi lên thuyền về lại đất liền, ngoảnh lại phía sau vẫn thấy ngư dân Phoni Gyen đang lặng lẽ bước lên các bậc tam cấp của ngôi đền. Sau lưng Gyen là bức tượng hổ thần Dakshin Rai đầy oai vệ. Sau rốt loài hổ Sundarbans dù rất hung dữ, song vẫn là người bảo vệ cho dân cư chốn này.../.

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.