Sáng 29/3, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị về công tác chuyển đổi số kết nối trực tuyến đến 9 điểm cầu các huyện, thành thị và 173 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn. Đây là năm thứ hai, Yên Bái tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trực tuyến toàn tỉnh đến cấp xã.
Năm 2021, Yên Bái đứng thứ 27/63 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia (DTI), tăng 13 bậc so với năm 2020; về chỉ số phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong công tác cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Yên Bái đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố tăng 6 bậc so với năm 2020. Bên cạnh đó, Yên Bái cũng thành lập được 1.356 Tổ Chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn với hơn 10.000 thành viên.
Trình bày về các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái nêu lên những nguyên tắc nhằm biến chuyển đổi số thành những mục tiêu rõ ràng. Trong đó, các sở ngành, địa phương phải xác định rõ mục tiêu có tính khả thi theo từng năm. Ông Tiến chia sẻ thêm, chuyển đổi số là câu chuyện chưa có tiền lệ vì thế cần phải đặt tầm nhìn lên trên kinh nghiệm và mục tiêu chuyển đổi số mà Yên Bái nhắm đến là để người dân hạnh phúc hơn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái cho hay Yên Bái là tỉnh đầu tiên ban hành một số chính sách hỗ trợ và chủ động ban hành các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, về cơ bản “con đường đi” cho quá trình chuyển đổi số được định hình. Trên cơ sở đó, năm 2023 được Yên Bái lựa chọn là năm “bứt phá trong chuyển đổi số". Từ đó, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh tới trách nhiệm của người đứng đầu, đó là phải đưa ra được đề bài để giải quyết nhằm đạt tới những mục tiêu đã định.
Đề cập đến giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số tại địa phương, ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND TP Yên Bái thông tin, thời gian tới sẽ phát động phong trào “Toàn dân sử dụng điện thoại thông minh” trên địa bàn thành phố, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số hướng tới mỗi công dân thành phố đều trở thành công dân số. Song song với đó là tăng cường xã hội hóa để hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Trí Hà, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết, Nghĩa Lộ đã thử nghiệm App Nghĩa Lộ Smart chỉ gửi tin nhắn riêng cho công dân Nghĩa Lộ, hiện không tiếp tục triển khai để dùng chung ứng dụng "Yên Bái S". Thực tế, nếu nhắn tin SMS gửi tới công dân, Thị xã phải trả cho các nhà mạng mỗi lượt tin khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Vì thế, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ đề nghị tỉnh cho chủ trương để ứng dụng "Yên Bái S" có module phân quyền cho BCĐ chuyển đổi số từng huyện, thành thị, được đưa tin nhắn Push là các thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, cảnh báo tới cán bộ, đảng viên, công dân riêng của từng địa phương để tiết giảm chi phí.
Nói về Sổ tay Đảng viên điện tử, bà Nguyễn Thị Bảy, Bí thư chi bộ An Thịnh, Thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, nhận định, chuyển đổi số trong sinh hoạt chi bộ đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực giúp đảng viên tiếp cận sớm nội dung sinh hoạt, tham gia ý kiến trực tuyến, thuận tiện trong công tác quản lý. Để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt, bà Bí thư chi bộ An Thịnh, bà Bảy đề nghị tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng đường truyền internet, tích hợp tính năng giọng đọc tài liệu tự động vào Sổ tay Đảng viên điện tử.
Hội nghị cũng ghi nhận tham luận về việc phát huy vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng, đồng thời văn phòng UBND tỉnh Yên Bái cũng nêu ra “Phương hướng phát triển, mở rộng nền tảng Công dân số YenBai-S”. Đại diện của Tập đoàn VNPT đem tới hội nghị những “Giải pháp thúc đẩy chất lượng hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến”, còn đại diện của Tập đoàn Viettel lại “Đề xuất giải pháp xây dựng chính quyền số cho tỉnh Yên Bái.”
Phát biểu kết luận, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị lãnh đạo các đơn vị phải luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung, thường xuyên, liên tục trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, xã hội, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 25/02/2023. Gắn chặt việc triển khai thực hiện Đề án 06 với công tác chuyển đổi số, trong đó thu nhận hồ sơ căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 100% công dân, làm sạch dữ liệu dân cư theo tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”.
Hội nghị cũng công bố Kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2022. Đối với khối sở ngành, Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng 1, Văn phòng UBND tỉnh xếp hạng 2, Sở Tài chính xếp hạng 3; Ban Quản lý các khu công nghiệp xếp hạng 19 về chuyển đổi số. Đối với kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của các huyện, thị xã, thành phố, thành phố Yên Bái xếp hạng 1, tiếp theo sau là huyện Văn Yên và huyện Yên Bình. Xếp cuối cùng là huyện Trạm Tấu.
Nhân dịp này, tỉnh Yên Bái đã chính thức Khai trương Hệ thống Hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Yên Bái. Đây là hệ thống hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ quan nhà nước, giúp rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian đi lại, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, công việc được triển khai đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã.