Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, huyện đang tích cực triển khai kế hoạch tổ chức Festival và Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật Khèn Mông.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, chương trình biểu diễn và vinh danh dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9/2023 tại sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, với sự tham gia biểu diễn của khoảng 700 nghệ nhân, đại diện cộng đồng chủ thể di sản văn hóa nghệ thuật Khèn Mông của 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn.
Nghệ thuật Khèn Mông được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 6/2023. Ảnh: Xuân Hồng. |
UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch 171/KH-UBND về việc tổ chức Festival trình diễn khèn Mông và công bố quyết định đưa nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và thống nhất với UBND thị xã Nghĩa Lộ để ấn định thời gian tổ chức chương trình khai mạc Festival và Lễ công bố quyết định nghệ thuật Khèn Mông vào ngày liền kề sau Lễ khai mạc chương trình khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2023.
Trong khuôn khổ sự kiện, Festival Khèn Mông được thiết kế loạt chương trình “Sắc màu văn hóa dân tộc Mông” nhằm thu hút du khách như chương trình biểu diễn đường phố, tái hiện không gian văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông, trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải sáp ong, tổ chức phiên chợ vùng cao…
Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu việc tổ chức Festival và công bố quyết định nghệ thuật Khèn Mông phải thực sự hấp dẫn, tạo được điểm nhấn, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái, gắn các hoạt động lễ hội với quảng bá, giới thiệu vùng đất con người và tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh.
Trước đó, tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đối với nghệ thuật Khèn Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái.
Theo truyền thuyết của người Mông, xưa kia có gia đình gồm 6 người con trai, cha mẹ mất sớm, 6 anh em sống nương tựa vào nhau. Trong khi lao động nương rẫy, 6 anh em đã cùng nhau làm ra nhạc cụ có 6 lỗ và sáu bộ phận để 6 anh em cùng được thổi. Khi màn đêm buông xuống, 6 anh em quây quần bên nhau và cùng mang nhạc cụ ra thổi với âm thanh trầm bổng du dương rất vui tai kéo đông người trong bản tới lắng nghe và nhảy múa.
Về sau, trong số 5 người anh lớn, người thì bị giặc giết, người lên đường theo nghĩa quân khởi nghĩa, chỉ còn người em út ở lại cùng chú ruột. Thiếu vắng các anh, thiếu người thổi nhạc cụ, người em ở nhà một mình không làm sao cùng lúc cất lên cả 6 nhạc cụ như xưa. Từ đó, cậu đem nhạc cụ của 5 người anh ghép lại với nhạc cụ của mình để tạo nên nhạc cụ mới, chính là cây khèn của người Mông ngày nay.