Với đà tăng trưởng rất ấn tượng, ước tính đến hết 2017 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 12 ước đạt 335,862 triệu USD. Tính chung, năm 2017 xuất khẩu mặt hàng này ước đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02 % so với cùng kỳ 2016. Đáng ngạc nhiên là XK rau quả hiện đã vượt xa một số ngành hàng chủ lực quốc gia khác như: gạo, cao su, chè, hạt điều...
2030 sẽ xuất khẩu được 7 tỷ USD
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT ngành rau quả đã có sự bứt phá trong 2 năm gần đây và đang trở thành một lợi thế cạnh tranh xuất khẩu quốc tế của Việt Nam. Dựa trên tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất trái cây trong những năm qua và tốc độ tăng trưởng về thương mại cũng như nhu cầu thế giới, Cục này dự báo đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam sẽ gấp hơn 2 lần hiện nay, đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó riêng trái cây là 6 tỷ USD và vùng ĐBSCL sẽ là chủ lực của trái cây Việt Nam.
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây được tổ chức ở Tiền Giang mới đây,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng khẳng định: sản xuất trái cây đã và đang là ngành hàng có nhiều lợi thế, tiềm năng tăng trưởng với tốc độ cao, tạo sự bứt phá trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt với sự tăng trưởng XK trong 5 năm gần đây, trái cây của Việt Nam đã cùng với các mặt hàng truyền thống khác như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu khẳng định vị thế và uy tín của nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng Doanh cho rằng, Việt Nam bước đầu đã tạo được nhiều tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành hàng trái cây như: Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và chế biến; hình thành được một số vùng sản xuất trái cây hàng hóa tập trung; phát triển ứng dụng được nhiều thành tựu KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp, rải vụ trái cây; thiết lập được mối liên kết trong sản xuất, xây dựng được một số thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng chủ lực như: thành long, vải, nhãn, xoài, bưởi… tạo lập được nền sản xuất có chứng nhận đối với một số loại trái cây. Đồng thời mở rộng được thị trường XK sang các phân khúc yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật, Úc, EU…
Người sản xuất hưởng lợi thấp
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tuy có lợi thế và tiềm năng nhưng sản xuất rau quả vẫn đang bộc lộ rất nhiều hạn chế khiến cho người sản xuất ra các sản phẩm cho ngành hàng này được hưởng lợi từ giá trị lao động mà mình bỏ ra còn tương đối thấp.
Không chỉ cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện, thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu, thiếu giống tốt mà theo Bộ này, việc tổ chức thị trường cũng còn rất nhiều bất cập, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn dựa vào thương lái khiến chi phí trung gian cao, người sản xuất được hưởng lợi rất thấp.
Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn đánh giá, sản xuất trái cây của ta quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán trong khi việc hình thành liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung vẫn còn chậm và chưa rõ nét ngành rau quả vẫn còn thiếu DN lớn tham gia xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Ngoài ra, ngành sản xuất trái cây cũng đang đối diện với 2 thách thức lớn: cạnh tranh thương mại giữa các nước và rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng cao, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ, trong đó Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất”- Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.
Để mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch XK rau quả đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó riêng trái cây là 6 tỷ USD, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam cần có những chuyển biến thực sự về đầu tư, tổ chức sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ. Ông Sơn cho rằng vấn đề sản xuất trái cây sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế ngày càng đặt ra cấp thiết.
Theo ông Sơn, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật cho người nông dân để họ có thể quản lý tốt trên đồng ruộng của mình, đảm bảo điều kiện sản xuất hướng tới chất lượng nông sản, cũng cần phải thay đổi lại công tác tổ chức sản xuất, giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, định hướng của nền sản xuất phải vươn tới nền sản xuất có chứng nhận, tất cả các hộ, tổ chức cá nhân tham gia sản xuất đều phải tiến tới được cấp chứng nhận, có như vậy mới được phép lưu thông trên thị trường. “Trước mắt để làm được việc đó, chúng ta phải hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phải tạo ra sản phẩm truyền thống lợi thế của mình để tất cả hộ dân đều tập trung vào sản xuất mặt hàng đó”- Cục trưởng Sơn cho biết.