Đàn ông cũng bị... bán
Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an cho biết, giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.200 vụ, với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân. So với cùng thời gian trước tăng 11,6% tổng số vụ.
Tội phạm mua bán người (MBN) xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà đã phát hiện cả mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê hoặc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 1.032 vụ, với 2.084 bị cáo, trong đó, 3 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 152 bị cáo phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; 667 bị phạt tù từ 7 năm đến dưới 15 năm, 1.050 bị cáo phạt tù từ 7 năm trở xuống.
Cụ thể hơn về tội phạm mua bán nội tạng và mua bán đàn ông, đại tá Lê Văn Chương nêu một vụ cụ thể là năm 2011, tại Cần Thơ, lực lượng công an đã bắt 7 đối tượng do Võ Văn Tần cầm đầu lừa 75 thanh niên đưa sang Trung Quốc bán thận. Trong số những người bán thận đã có một trường hợp tử vong. Do chưa có điều luật xử lý về hành vi mua bán nội tạng nên các đối tượng chỉ bị xử lý về tội Tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép, nên hình phạt nhẹ.
Còn mua bán đàn ông, các đối tượng lừa bán cho các chủ lò gạch, bán cho các vùng hầm mỏ để lao động hoặc bán để lấy một bộ phận cơ thể. Thời gian qua đã phát hiện rất nhiều vụ buôn bán đàn ông sang Trung Quốc hoặc bán vào các vùng khai thác khoáng sản, đá quý, kim loại, đại tá Chương nói.
Theo vị đại diện của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, ước tính hàng năm nạn MBN diễn ra trên thế giới đem lại mức lợi nhuận bất hợp pháp khoảng hơn 32 tỷ USD, tuy nhiên đây là con số được tính toán từ những vụ việc được phát hiện, còn thực tế thì cao hơn nhiều.
Trước câu hỏi của báo chí rằng Việt Nam có thống kê được số lợi nhuận của nạn MBN hàng năm không, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an cho biết, đường dây, băng đảng MBN ở Việt Nam so với thế giới chưa phải là vấn đề lớn, việc thu lời từ hoạt động này chưa phải là phức tạp so với thế giới. Việt Nam đang cố gắng tiến tới có hệ thống thống kê liên quan đến tội phạm MBN một cách đầy đủ, xác thực nhất.
Đặc điểm về tội phạm MBN, thứ nhất đa số là bọn cơ hội và một số có tiền án, tiền sự về tội MBN. Thứ hai, một số là người nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty môi giới vào nước ta dưới dạng tham quan, du lịch, thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế.
Loại thứ ba là một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả những người thân trong gia đình. Một số người lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hoặc kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội.
Còn nạn nhân của tội phạm MBN chủ yếu là người dân ở những vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Bên cạnh đó là một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Cần tách rõ các tội danh
Thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là lợi dụng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân hoặc sơ hở trong thực hiện chính sách pháp luật để lừa bán ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn; các đối tượng còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em, nhất là học sinh sinh viên đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao, sau đó, đưa ra nước ngoài bán.
Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Bởi thế, tình hình hoạt động tội phạm MBN vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng (trong giai đoạn 2011 - 2015, phát hiện tăng 11,6% số vụ so với cùng kỳ thời gian trước), trong đó, nguyên nhân cơ bản là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do thông thoáng trong xuất nhập cảnh; do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh; hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực.
Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến chống loại tội phạm MBN, tiêu biểu như: Ban hành Luật Phòng chống MBN, và có hiệu lực từ năm 2012; Sửa đổi và bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 2015, với những điều khoản chi tiết hơn về các loại tội phạm liên quan đến MBN và việc tách tội danh MBN thành các tội độc lập.
“Việt Nam nên sửa đổi các quy định pháp luật để định rõ nạn nhân trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, nhằm thống nhất với tiêu chuẩn quốc tế. Các nạn nhân bị buôn bán không bị giam giữ hay buộc phải chịu trách nhiệm hành chính hay hình sự đối với sự dính líu của họ vào các hoạt động phi pháp khi sự dính líu của họ là hệ quả của hoàn cảnh bị buôn bán.
Công tác bảo vệ và các dịch vụ hỗ trợ cần được xây dựng và thiết kế để đáp ứng được những nhu cầu đặc thù của các nạn nhân bị buôn bán, bao gồm đảm bảo an toàn cho nạn nhân về thể chất, bảo mật thông tin cá nhân, tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, các hình thức chăm sóc thay thế, và các dịch vụ tái hòa nhập” - vị đại diện Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Nạn nhân của MBN cũng bao gồm cả nam giới và trẻ em trai.Ước tính mỗi năm có hàng nghìn người Việt Nam bị buôn bán cả ở trong nước và ra nước ngoài.Theo báo cáo thường niên về tội MBN của Bộ Công an năm 2015, từ năm 2011 đến năm 2015 đã có 4.495 người bị buôn bán và trung bình mỗi năm có 400-500 vụ MBN được phát hiện.Tuy nhiên, theo vị đại diện Liên hợp quốc số liệu này mới chỉ bao gồm những nạn nhân đã được xác định chính thức và con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.