Xử lý tiền bán đấu giá khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy thế nào?

Xử lý tiền bán đấu giá khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy thế nào?
(PLO) -Hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay được sửa đổi, bổ sung  đáp ứng kịp thời với xu hướng phát triển chung của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điều luật chưa phù hợp hoặc điều chỉnh không kịp thời với sự phát sinh của các quan hệ xã hội ngày nay; vẫn còn chồng chéo lẫn nhau giữa các văn bản luật trong cùng một ngành luật cụ thể, dẫn đến việc áp dụng pháp luật và thực thi pháp luật có phần hạn chế về tính hiệu lực và hiệu quả của nó. 

Có quan điểm cho rằng hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, đảm bảo tính hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành trên thực tế, là hoạt động tố tụng cuối cùng của vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước. Do vậy, giai đoạn nào của “Thi hành án dân sự” cũng rất quan trọng 

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến “vấn đề xử lý số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản thi hành án khi bản án, quyết định của Tòa án do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hủy” sẽ xử lý ra sao và giải quyết như thế nào cho thỏa đáng và đúng quy định pháp luật, có những quan điểm khác nhau và chưa thống nhất.

Tác giả bài viết muốn đưa ra một tình huống thực tế để chứng minh cho vấn đề này và qua đó, có ý kiến đề xuất, kiến nghị để góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn.

Đó là vụ tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn  là Ngân hàng TMCP -Y với bị đơn là ông X, được Tòa án nhân dân thành phố T(TANDTP-T) giải quyết  bằng Quyết định công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố T.

Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục đã ra Quyết định thi hành án số 1358/QĐ-CCTHADS ngày 14/8/2015 về thi hành khoản: “Buộc ông X phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP-Y,  số tiền 3,7tỷ đồng và tiếp tục trả lãi trên dư nợ gốc còn lại phát sinh theo hợp đồng tín dụng.

Nếu ông X, không trả nợ thì Ngân hàng TMCP-Y, được quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ là nhà và đất tại số 46 Lê Lợi, thành phố T theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BA709553 do UBND thành phố T”

Quá trình tổ chức thi hành án, ông X, có đủ điều kiện thi hành nhưng ông không tự nguyện thi hành án, căn cứ theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T (Chi cục THADS TP-T), đã cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp để đảm bảo cho Ngân hàng. Sau khi kê biên, xử lý tài sản theo quy định pháp luật và người mua được tài sản đã nộp đủ tiền mua trúng đấu giá.

Chi cục THADS TP-T, nhận được quyết định kháng nghị số 05/2016/KN-KDTM ngày 08/6/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc kháng nghị Giám đốc thẩm và tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 04/QDDST-KDTM ngày 05/5/2015 của TANDTP-T.

Tiếp đến, Chi cục THADS TP-T, nhận tiếp Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của TANDTP-T, để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm từ đầu. Trong thời gian này, tài sản thế chấp Ngân hàng đã kê biên, xử lý và người mua được tài sản cũng đã nộp đủ tiền nhưng chưa nhận được tài sản.

Mặc dù, Quyết định số 04/QDDST-KDTM của TANDTP-T đã bị hủy nhưng Luật thi hành án dân sự hiện hành vẫn có điều luật quy định để bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án. Đó là căn cứ theo quy định tại Điều 103 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014:

“Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác” để tiến hành các trình tự thủ tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thành, nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ theo quy định pháp luật. 

Nội dung tình huống là như thế, nhưng quan điểm khác nhau và vướng mắc là ở vấn đề, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản thi hành án có được chuyển trả cho Ngân  hàng theo án tuyên hay không? Do TAND cấp cao ra Bản án Giám đốc thẩm, hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của TANDTP-T, để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Xoay quanh vấn đề này co ba quan điểm khác nhau đều lập luận và có cơ sở như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng tài sản thế chấp đã kê biên, xử lý xong,  người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền và nhận được tài sản mua đấu giá thì số tiền thu được từ việc bán đấu giá phải chi trả cho Ngân hàng là phù hợp.

Không cần thiết phải ra Quyết định đình chỉ theo điểm d, khoản 1, Điều 50 Luật THADS mà xử lý số tiền theo Điều 27, Khoản 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ, quy định “Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá…” và chi tiền cho Ngân hàng xong thì Ngân hàng mới làm thủ tục giải chấp cho người mua trúng đấu giá được hoàn thiện hồ sơ pháp lý về giấy tờ sở hữu nhà,quyền sử dụng đất mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên là phù hợp hơn.

Quan điểm thứ 2, cho rằng Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của TANDTP-T, là căn cứ pháp lý để cơ quan thi hành án, chấp hành viên tổ chức thi hành trên thực tế nhưng đã bị Tòa án cấp cao hủy thì mọi hoạt động tố tụng dân sự bị đình chỉ, không còn căn cứ để tổ chức thi hành. Quyết định của Tòa án lúc bây giờ không còn hiệu lực mà tính hiệu lực là ở Bản án Giám đốc thẩm. Như vậy, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, căn cứ vào Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của TANDTP-T buộc phải đình chỉ và dừng lại mọi hoạt động tác nghiệp, kể cả việc việc chi trả tiền cho đương sự (trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật).

Trong trường hợp này, căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành? Do đó, việc chi trả tiền cho Ngân hàng không được thực hiện theo Điều 27, Khoản 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ như quan điểm thứ nhất đã nêu. Xử lý số tiền này bằng phương pháp gửi số tiền theo hình thức tiết kiệm có kỳ hạn và chờ đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực mới của Tòa án thì có cở sở để tổ chức thi hành là phù hợp theo quy định pháp luật hơn.

Quan điểm thứ ba, cho rằng nếu theo quan điểm thứ nhất thì bảo vệ được quyền lợi cho Ngân hàng và người mua được tài sản bán đấu giá sẽ hoàn thiện được hồ sơ chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất kịp thời. Còn quan điểm thứ 2 là thực hiện đúng theo nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự hơn. Tác giả bài viết đồng tình theo quan điểm này bỡi các lý do sau:

Thứ nhất: Khi Cơ quan THADS, nhận Bản án giám đốc thẩm của Tòa án cấp cao, hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của TANDTP-T phải áp dụng theo Điều 50, khoản 1, điểm d Luật THADS “Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này” để ra Quyết định đình chỉ thi hành là hoàn toàn đúng pháp luật.

Như vậy, quyết định của Tòa án đã bị đình chỉ không còn hiệu lực để tổ chức thi hành, mọi hoạt động tố tụng bị dừng lại chờ bản án, quyết định mới, có cơ sở pháp lý tổ chức thi hành. Còn trừ trường hợp theo khoản 2 Điều 103 là cho khoản thi hành phần giao tài sản cho người mua trúng đấu giá mà thôi, đó là điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 là nhằm thực hiện nguyên tắc bảo vệ các quyền của công dân theo Hiến pháp 2013 chính là để bảo vệ quyền của người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án đã nộp đủ số tiền.

Thứ hai: Khi Quyết định thi hành án bị đình chỉ thì không còn cơ sở pháp lý để hoạch toán thu, chi trả tiền cho đương sự được. Còn áp dụng theo quy định  Điều 27, Khoản 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ cho những vụ việc không rơi vào trường hợp bị án  hủy nêu trên. Đây cũng là vướng mắc ở pháp luật về thi hành án dân sự, chưa quy định cụ thể, rõ ràng để áp dụng vào thực tế nên vẫn còn bất cập.

  Thứ ba: Số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản vẫn gửi tiết kiệm chờ bản án, quyết định mới có hiệu lực thi hành và phòng ngừa hậu quả của vấn đề xét xử lại, có thể hợp đồng thế chấp bị hủy toàn bộ… vẫn biết rằng, nếu có thiệt hại xảy ra do bản án bị hủy thì là lỗi của cơ quan ra Bản án, quyết định đó phải chịu theo quy định pháp luật, chứ cơ quan THADS, Chấp hành viên, chỉ tổ chức thi hành đúng bản án, quyết định (Điều 2, Điều 20 Luật THADS) mà thôi.

Thứ tư: Trường hợp Ngân hàng không xóa thế chấp và người mua trúng đấu giá không hoàn thiện được hồ sơ pháp lý về sở hữu nhà ở , quyền sử dụng đất thì có thể hợp liên ngành để phối hợp xử lý tiếp theo quy chế phối hợp liên ngành, Ban chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, qua tình huống nêu trên xảy ra thực tế hiện nay khá nhiều và vẫn là vấn đề vướng mắc ở thực tiễn trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật. Hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự đã hoàn thiện cơ bản nhưng vẫn còn vướng mắc như trường hợp nêu trên.

Tác giả bài viết, rất mong sự trao đổi thông tin của độc giả, quý đồng nghiệp nhằm để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thi hành án dân sự và góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự hơn theo xu hướng phát triển chung của đất nước và chương trình cải cảnh tư pháp đến năm 2020.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.