Nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thực hiện các Điều 213, 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN…, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) vừa phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức Hội nghị khảo sát tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
TS.Trần Văn Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) - cho biết, qua quá trình “va chạm” thực tiễn, cơ quan BHXH sẽ có những đóng góp cụ thể vào Dự thảo Nghị quyết, như: phân biệt, xác định thế nào là quan hệ hành chính, hình sự; phân tích khó khăn, vướng mắc của DN nếu có; phân biệt thế nào là trốn đóng, chậm đóng để cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thể vận dụng trong xử lý…
Trình bày ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Giám đốc BHXH TP HCM - dẫn chứng số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM cho biết, hiện đang có 475.000 DN đăng ký kinh doanh và hoạt động, nhưng chỉ có 97.000 DN đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Cơ quan BHXH đã rất nhiều lần vào cuộc bằng các giải pháp nhưng việc xử lý không thể triệt để do nhiều DN cố tình dùng đủ các “chiêu trò” để né tránh tham gia BHXH cho NLĐ.
Bà Dung kiến nghị TAND Tối cao cần nghiên cứu, có hướng dẫn thống nhất về quy trình chuyển giao hồ sơ, xem xét xử lý đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT từ cơ quan Trung ương (TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an), để cơ quan BHXH địa phương thuận lợi hơn và định hướng được quá trình xử lý cho phù hợp. Trước mắt, có thể xem xét xử lý đối với các đơn vị đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính từ 1 năm nhưng không chấp hành, không khắc phục…
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án TAND TP HCM - cho rằng, áp dụng pháp luật hình sự là một biện pháp mới, nên sẽ phải cân nhắc kỹ khi áp dụng.
Còn đại diện Công an TP HCM cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, chưa có văn bản hướng dẫn. Phía Công an dẫn chứng vụ việc Công ty Nam Phương mà cơ quan BHXH đề cập và cho biết “không biết là đề nghị cơ quan điều tra nào?”. Còn đại diện VKSND TP HCM lại băn khoăn về vấn đề định tội danh, về cấu thành tội phạm, như các trường hợp nhiều DN vẫn trừ tiền nhưng không khai với cơ quan BHXH như vậy là DN chiếm đoạt của cơ quan BHXH hay NLĐ…
Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng phòng Thu (BHXH TP HCM) phân tích: các trường hợp DN trốn đóng bằng hình thức không khai báo lao động, không ký HĐLĐ và không đóng BHXH, BHYT - dù NLĐ làm việc thường xuyên tại DN, đóng ít hơn so với quy định của pháp luật lao động, khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT từ lương của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH... đều có cấu thành khá rõ của tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, ông Thanh đề nghị TANDTC sớm xem xét, hoàn thiện nghị quyết hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.