Ngợp trong tầm mắt chúng tôi là những hạt muối trắng tinh khiết, lấp lánh như pha lê, như kim cương dưới ánh mặt trời. Nghe trong gió cũng có hương vị mặn chát của hạt muối, cả nụ cười, cả làn da cũng rin rít, mặn mòi vì muối.
Tuy nhiên, trong chúng tôi cái cảm giác lãng mạn, thi vị của cánh đồng muối nhanh chóng tan nhanh khi bắt gặp gương mặt sạm đen, khắc khổ của những dì, những má đang lam lũ làm việc trên đồng muối, bất chấp cái nắng như đổ lửa. Chỉ duy nhất những nụ cười hiền hậu, thân thiện của họ khiến người đối diện cảm thấy dịu lòng. “Muối mấy năm nay rớt giá thê thảm mấy cô ơi, dẫm nắng phơi sương cả tháng trời chỉ kiếm được chừng 2 triệu bạc, chẳng bõ gì với mồ hôi công sức bỏ ra. Nhưng không làm thì thấy uổng, thương cái nghề truyền thống ngàn đời của cha ông mình đã gầy dựng lại cho mình…”- bà Năm Thuận (52 tuổi, xã Bảo Thạnh) chia sẻ.
Vựa muối Ba Tri của tỉnh Bến Tre có các xã nằm ven biển sản xuất muối gồm Tân Xuân, An Thuỷ, Tân Thuỷ, Bảo Thạnh, Bảo Thuận với tổng diện tích 853 ha. Nghề làm muối với bà con diêm dân có từ lâu đời, người dân gọi hạt muối là ngọc trời cho, chỉ việc lấy nước biển thông qua hệ thống kênh rạch nội đồng vào những ruộng muối đã chuẩn bị sẵn, phơi nắng cho nước biển lắng đọng, kết tinh thành những hạt muối trắng lấp lánh như kim cương.
Nghe đơn giản vậy nhưng làm muối là cả một quá trình vất vả “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị ruộng muối. Nếu như người miền Trung chọn cát biển thì người miền Nam lại dùng đất thịt để làm bề mặt ruộng bằng phẳng rồi dẫn nước vào ruộng muối. Sau một ngày, diêm dân sẽ tiến hành rải muối mồi để tăng mầm kết tủa, giúp muối của nước biển trong ruộng kết tinh nhanh hơn. Sau khoảng 3-4 tiếng phơi dưới nắng, muối trong ruộng bắt đầu kết tinh. Nếu thấy nước trong ruộng còn nhiều, người dân sẽ tiến hành tháo nước. Công đoạn này đòi hỏi diêm dân phải có nhiều kinh nghiệm để xác định nồng độ muối trong ruộng mà tiến hành thoát nước nhằm tăng hiệu suất kết tinh.
Khi muối kết tinh thành hạt, diêm dân dùng vun muối thành những ụ nhỏ để tiện cho việc thu gom. Sau đó, người dân sẽ dùng dây thừng buộc 2 cái ky (ky là dụng cụ được đan bằng tre, có hình dáng giống như cần xé đựng trái cây của dân miệt vườn Nam bộ, mỗi ky đựng được khoảng 25 kg) vào đòn gánh để mang muối thành phẩm về nhà.
Mấy năm gần đây, muối rớt giá thảm hại. Giá mua tại ruộng chỉ vài trăm đồng một ký, tính ra thu nhập mỗi lao động khoảng 2 triệu đồng/tháng. Do muối giá thấp, không ổn định, thu nhập không cao nên làm cho diêm dân ở Ba Tri không còn mặn mà, tha thiết với nghề truyền thống sản xuất muối. Nhiều người đã chuyển đổi ngành nghề sang đào ao nuôi tôm sú công nghiệp với mong muốn có thu nhập cao hơn cho gia đình. Một số người bỏ nghề truyền thống đi làm ăn xa vì không thể trụ lại với nghề.
Chỉ còn lại trên cánh đồng muối là những bà, những chị nặng lòng với nghề truyền thống cần mẫn sớm hôm ra ruộng. Gần đây ruộng muối cũng có chút vui khi du khách đến ngó nghiêng thăm thú. “Người ta nói muối mặn nhưng với diêm dân, muối mặn đắng, mặn chát như nước mắt, em à”- chị Năm Sương (38 tuổi, ở xã An Thủy) nói như tự sự…