Xóm bệnh nhân “không có đường về”

Anh Sơn bên đứa con 17 tuổi đã phải chạy thận
Anh Sơn bên đứa con 17 tuổi đã phải chạy thận
(PLO) -Sau những lần chạy thận mệt mỏi từ bệnh viện trở về, “xóm chạy thận” ai nấy đều nằm bẹp trên giường của mình. Nhưng cũng có khi “xóm chạy thận” sum vầy bên nhau trước hành lang để trò chuyện cho vơi bớt đi nỗi buồn. 

Buồn vì xa người thân, buồn vì biết “đã đến đây là hết đường về nhà”. Họ không đủ sức lực để làm bất cứ việc gì. Bởi một cánh tay đã lắp quả cầu lọc vào bên trong, nếu sơ ý làm vỡ sẽ khiến việc chạy thận ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc lọc máu trong cơ thể.

Hai lần đám cưới con gái, ông Vinh đều không thể về tham dự dù chỉ ở cách xa mấy chục cây số. Thậm chí, lúc vợ không may qua đời vì bệnh ung thư, ông cũng không thể ở bên. Ông Vinh là một trong số hàng chục người ở “xóm chạy thận” đang hàng ngày “sống tạm” vì căn bệnh hiểm nghèo, ai cũng chuẩn bị sẵn cho ngày “ra đi” của mình.

Đám cưới con, tang vợ, đều không có mặt

Dãy nhà hai tầng cũ kỹ nằm đối diện Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) chừng 15 năm trở lại đây là “ngôi nhà” thứ hai của những bệnh nhân chạy thận. Họ tìm đến đây thuê trọ để tiện đường chạy thận tại bệnh viện.

Cũng ngần ấy năm, không biết bao bệnh nhân đến cư trú và cũng không ít người đã từ giã cuộc đời từ mái ấm này. Cứ thế kẻ đi người đến, đã biến khu nhà này mang tên “xóm chạy thận” từ lúc nào không hay.

Trong căn phòng dưới tầng một, cô gái trẻ đang lúi húi nấu cháo. Chị là Trương Thị Tâm (28 tuổi, ngụ xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), con gái của ông Trương Đình Vinh (58 tuổi). Chị Tâm buồn rầu: “Bố tôi chạy thận đã 9 năm, sức khỏe yếu nên hiện đang cấp cứu tại bệnh viện. Mẹ đã mất nên tôi phải vào chăm bố, dù ngày mai là đám cưới em gái”. 

Bệnh nhân bị suy thận mãn tính hoặc suy thận giai đoạn cuối, phải đến bệnh viện lọc máu theo định kỳ đến suốt đời
Bệnh nhân bị suy thận mãn tính hoặc suy thận giai đoạn cuối, phải đến bệnh viện lọc máu theo định kỳ đến suốt đời 

Chị Tâm chia sẻ: “Năm ngoái khi đám cưới tôi, bố cũng ốm nặng, phải cấp cứu nên không thể về tham dự. Ngày mai là đám cưới em út, lúc đầu bố cũng dự định về một ngày, nhưng rồi cha con đành phải chôn chân ở đây. Tội nghiệp, được ngày trọng đại nhất của đời con gái cũng không có bố mẹ anh chị tham dự, thôi thì đành trông chờ vào anh em họ hàng, bà con lối xóm”.

Giữa trưa, ông Vinh được các bạn cùng cảnh ngộ dìu từ bệnh viện về phòng nghỉ. Mới chỉ 58 tuổi nhưng trông ông già hẳn. “Tôi nôn nhiều, ăn vào chừng nào lại nôn ra ngần ấy, chắc cũng gần về chầu trời rồi”, ông Vinh nói đến cái chết một cách bình thản. Bởi ông cũng như bao người đang trú trong ngôi nhà này đều xác định điều đó, khi đã đến ở “xóm chạy thận”.

Ông Vinh bần thần: “Hai lần đám cưới con gái tôi đều không về tham dự được, chỉ biết nằm khóc. Cách đây hai năm, vợ tôi cũng phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà ấy chống chọi được 6 tháng thì ra đi. Điều khiến tôi trăn trở là những ngày tháng cuối đời chịu đau đớn vì bệnh tật nhưng tôi không thể ở bên bà ấy chăm sóc dù chỉ một ngày. Việc chạy thận cộng với sức khỏe yếu khiến tôi không còn sức lực”.

Ngay sát phòng ông Vinh là nơi tá túc của em Thái Bá Trường (17 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn). Đang học lớp 10 nhưng cậu thiếu niên đành phải nghỉ giữa chừng để đi chạy thận. Nhìn con trai vô tư chơi điện thoại, anh Thái Bá Sơn (44 tuổi, bố Sơn) cố giấu nước mắt:

“Năm 2014, vợ chồng tôi bỗng thấy mặt con trai sưng vù. Vội đưa đến bệnh viện thì mới biết cháu bị bệnh viêm cầu thận cấp. Gia đình đã chạy chữa khắp nơi bằng đông tây y nhưng không có kết quả. Mồng 6 Tết vừa rồi, cháu lên cơn co giật, sùi bọt mép nên chúng tôi phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Lúc này bác sỹ thông báo cháu nó bị suy thận độ 4, bắt buộc phải chạy thận”.

Từ khi con nằm viện, anh Sơn đành phải giao phó mọi công việc ở nhà cho vợ. Nhờ mọi người giới thiệu, hai cha con xin gia nhập “xóm chạy thận” để thuận tiện cho việc chữa trị. “Tôi là trụ cột trong gia đình nhưng giờ đành bỏ dở hết. Vợ tôi hiện phải nuôi hai đứa con nhỏ nữa nên không biết xoay xở tiền bạc ra sao để chữa bệnh cho cháu Trường. Nhiều khi nhìn con vô tư chơi đùa là nước mắt tôi lại trào ra. Cháu còn quá nhỏ”.

Không khí trong căn phòng ẩm thấp đang chùng xuống, lại thêm tiếng một người phụ nữ thở dài: “Đã chạy thận rồi thì sớm hay muộn đều ra đi thôi. Bao nhiêu tiền bạc cũng trôi theo cả…”. Nghe vậy, anh Sơn liền ra hiệu đừng nói nữa. Bởi anh sợ tinh thần đứa con nhỏ hoảng loạn.

Người cha ấy thì thầm: “Hôm xuống viện, cháu cứ bảo tôi về quê xin nhà trường lưu ban để sang năm đi học tiếp. Bằng tuổi, các bạn được đi học, hồn nhiên chơi đùa, còn con trai tôi phải bám lấy bệnh viện mới níu được sự sống”.

Đám cưới em gái, chị Tâm và bố cũng không thể về tham dự
Đám cưới em gái, chị Tâm và bố cũng không thể về tham dự

Tình người ở xóm chạy thận

Cao tuổi nhất trong “xóm chạy thận” là cụ Đào Thị Nguyên (ngụ huyện Quỳnh Lưu). Năm nay cụ đã 87 tuổi, sức không còn được bao nhiêu nhưng đã phải chống chọi với căn bệnh suy thận gần 8 năm nay.

“Mắt mờ, tai điếc, sau 4 tiếng chạy thận từ viện trở về, mẹ tôi hết ngồi lại nằm, miệng lẩm bẩm những gì không ai nghe rõ. Và cụ không ngớt dùng tay bấu liên tục vào các móng chân của mình, ai ra vào trong phòng, cụ đều không để ý”, bà Thái Thị Hợi (61 tuổi, con cụ Nguyên) kể chuyện. 

Gần 8 năm nay, bà Hợi giao hết lại việc nhà cho chồng con để vào đây chăm mẹ và không rời nửa bước. Từ việc ăn uống, đi vệ sinh, cho đến đưa mẹ vào viện chạy thận, một tay bà Hợi làm hết. Những người con hiếu thảo này xác định dù khổ cực mấy cũng cho mẹ chạy thận đến khi bác sỹ lắc đầu.

Xóm nghèo cũng xót xa trước hoàn cảnh quá éo le của anh Thái Khắc Dần, người đàn ông đến từ một huyện miền núi Nghệ An. Mới 42 tuổi, nhưng anh đã có “thâm niên” 13 năm chạy thận. Do vậy chưa bao giờ anh Dần nghĩ đến chuyện yêu đương, lấy vợ. Hiện anh chỉ còn mẹ già 90 tuổi đang ở quê và cụ cũng đang bị bệnh ung thư phổi. Mỗi tháng tiền thuốc, sinh hoạt gần 5 triệu đồng đều trông chờ vào người thân chạy vạy, vay mượn. 

Những người sống tại “xóm chạy thận” cho biết, hàng năm trong xóm đều có người ra đi vĩnh viễn. Cứ lớp người này “ra đi” lại có lớp khác vào tá túc. Chỉ tay vào hai chiếc giường trống, anh Nguyễn Văn Đoàn (50 tuổi, ngụ huyện Thanh Chương) nói: “Năm ngoái, xóm đã tiễn hai người “một đi không trở lại”. Mới đầu năm nay, hai người trong xóm cũng đã mất. Mỗi lần nghe tin, lòng tôi lại nhói đau nhưng rồi phải bình tĩnh chuẩn bị cho sự “ra đi” của mình”. 

Sau những lần chạy thận mệt mỏi từ bệnh viện trở về, “xóm chạy thận” ai nấy đều nằm bẹp trên giường của mình. Nhưng cũng có khi “xóm chạy thận” sum vầy bên nhau trước hành lang để trò chuyện cho vơi bớt đi nỗi buồn.

Mỗi phận người ở “xóm chạy thận” là mỗi mảnh đời bất hạnh
Mỗi phận người ở “xóm chạy thận” là mỗi mảnh đời bất hạnh

Buồn vì xa người thân, buồn vì biết “đã đến đây là hết đường về nhà”. Họ không đủ sức lực để làm bất cứ việc gì. Bởi một cánh tay đã lắp quả cầu lọc vào bên trong, nếu sơ ý làm vỡ sẽ khiến việc chạy thận ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc lọc máu trong cơ thể.

Dù phải chống chọi với bệnh tật trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng những phận người nơi đây luôn yêu thương, bao bọc nhau. Hễ ai được người thân ở quê gửi xuống cho chục quả trứng gà, bó rau là họ lại san sẻ cho nhau. Hoặc có ai nằm li bì một chỗ sau khi đi lọc máu về là tất cả lại ân cần hỏi thăm, động viên. Với họ, đây giống như gia đình, người thân ruột thịt của mình.  

Chạy thận  là một phương pháp giúp điều trị bệnh thận khi chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng, không còn khả năng bài tiết nước tiểu và lọc máu. Với trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp tính, phương pháp lọc máu chỉ cần thực hiện trong thời gian ngắn để sức khỏe và thận cải thiện thì có thể dừng lại.
Với bệnh nhân bị suy thận mãn tính hoặc suy thận giai đoạn cuối, cần phải đến bệnh viện lọc máu theo định kỳ đến suốt đời. Thông thường người bệnh một tuần chạy thận nhân tạo 3 lần, đồng thời cần uống một số thuốc bổ sung như: Thuốc chống thiếu máu, thuốc hạ huyết áp, các loại vitamin...

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.