Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát (NT,NDN) trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của BTVTU về việc triển khai xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.
Tỉnh phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa NT,NDN cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Đa dạng hoá các hình thức vận động hỗ trợ để cùng chung tay xóa NT,NDN trên tinh thần “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Theo số liệu rà soát của Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2025 có 538 hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, trong đó nhu cầu xây mới 323 nhà; nhu cầu sửa chữa 215 nhà.
Có 1.627 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Trong đó hộ nghèo 843 hộ (590 hộ có nhu cầu xây mới, 253 hộ có nhu cầu sửa chữa), hộ cận nghèo 784 hộ (558 hộ có nhu cầu xây mới, 226 hộ có nhu cầu sửa chữa). Mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới, 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa. Tổng số kinh phí cần vận động thực hiện NT,NDN cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh năm 2025 là hơn 83 tỷ đồng. Hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, kinh phí từ nguồn ngân sách.
* Liên quan lĩnh vực, tại Quảng Bình, theo rà soát, hiện còn 2.154 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở NT,NDN, khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ cải thiện để bảo đảm an toàn, trong đó có 1.120 hộ cần hỗ trợ xây mới, 1.034 hộ cần được cải tạo sửa chữa.
Nhằm triển khai hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo trên địa bàn, mới đây HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo đó, mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà (hộ); mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 30 triệu đồng/nhà (hộ), với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 98,22 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách tỉnh và nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024.
Về tiêu chuẩn chất lượng nhà ở sau khi hỗ trợ xây mới, sửa chữa phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, phải bảo đảm an toàn. Với hộ gia đình đang sinh sống tại nơi có mức ngập lụt thường xuyên từ 2m trở lên thì phải xây dựng được tầng 2 hoặc sàn tránh lũ, lụt cao hơn mức ngập lụt thường xuyên và diện tích tối thiểu 15m2.
Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, việc triển khai xóa NT,NDN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó Quảng Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội để phấn đấu đến cuối 2025 hoàn thành bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện. Trong đó cần hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đất đai của các hộ dân; thẩm định thiết kế mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán từng địa phương và điều kiện kinh phí theo mức quy định; tổ chức lễ phát động, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát; các lực lượng công an, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ ngày công lao động hoặc hỗ trợ hiện vật, kinh phí… giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa NT,NDN.
Các địa phương sớm thành lập Ban Chỉ đạo; căn cứ tiêu chí, rà soát lại trường hợp đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện, trên cơ sở đó xác định chính xác số hộ cần hỗ trợ... tổ chức lễ khởi công đồng loạt vào một ngày tại các xã trên địa bàn tỉnh.