Báo cáo nêu rõ quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy số lượng các vụ án mà các tòa án thụ lý tiếp tục tăng với tính chất, mức độ phức tạp, quy mô, thủ đoạn phạm tội tinh vi. "Việc xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội", báo cáo nêu. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả.
Tòa án các cấp đã trả 4.118 hồ sơ với 12.816 bị cáo yêu cầu VKS điều tra bổ sung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Hình phạt áp dụng với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Các trường hợp cho bị cáo hưởng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo báo cáo, các tòa án đã xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo với 28.035 bị cáo. Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.
Đã áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm với 8 bị can, bị cáo với tổng số tiền hơn 320 triệu đồng, ra quyết định trả lại 4 bị cáo với số tiền 120 triệu đồng tiền bảo đảm bị cáo đã đặt.
Tòa án các cấp đã tổ chức 16.663 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, qua đó giúp các thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.
Về thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, báo cáo nêu rõ tòa án các cấp tham gia phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra, hỗ trợ tích cực về hướng dẫn pháp luật, thu thập chứng cứ, tháo gỡ vướng mắc nghiệp vụ.
Từ đó thực hiện tốt công tác xét xử, kịp thời thu hồi các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.
Tòa án các cấp đã tuyên thu hồi tiền, tài sản 201 vụ với 1.011 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với số tiền và tài sản trên 16.297 tỉ đồng; có 152 vụ với 788 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 638,5 tỉ đồng...
Với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đã được tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ, đã xét xử 19 vụ; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ, đã xét xử 9 vụ và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ, đã xét xử 1 vụ.
Các tòa án đã phối hợp tốt với liên ngành tố tụng Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Như vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, vụ án chuyến bay giải cứu, vụ án xảy ra tại Cty FLC, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Cty Vạn Thịnh Phát...
Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án với nhiều bị cáo gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội, được đông đảo dư luận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá cao...
Liên quan lĩnh vực, liên ngành VKSND và TAND TP Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Theo đánh giá của VKSND Hà Nội, quá trình xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình vẫn còn có bản án, quyết định có sai sót, vi phạm về tố tụng hoặc nội dung.
VKSND Hà Nội đánh giá, có nhiều lý do dẫn đến việc hủy, sửa án. Ngoài lý do phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm thì chủ yếu là những vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ pháp luật như: Thụ lý không đúng thẩm quyền, xác định không đúng quan hệ pháp luật, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, vi phạm trong đánh giá, xác minh, thu thập chứng cứ; các vi phạm về tính án phí, lệ phí…
Trong số các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, hủy; thì vấn đề chất lượng, trình độ năng lực đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên cần được chú trọng.
Theo lãnh đạo VKSND Hà Nội, có trường hợp phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa còn chung chung, hình thức và sơ sài, chưa tổng hợp, phân tích đầy đủ tình tiết, nội dung vụ án để đưa ra nhận định, đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vụ án bị sửa, hủy do có trách nhiệm của VKS, Tòa án…
Lãnh đạo VKSND Hà Nội yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc về những thiếu sót, tồn tại trong việc thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án dân sự trong thời gian qua; yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết án dân sự phải số hóa hồ sơ vụ án và báo cáo giải quyết án bằng sơ đồ tư duy, tranh tụng tại phiên tòa thông qua hình ảnh... đảm bảo thuận lợi và hiệu quả trong công tác.