Những lợi ích có thể mong đợi từ thuốc lá mới
Tại Diễn đàn Thuốc lá & Nicotine Toàn cầu (GTNF) diễn ra từ ngày 19-21/9 vừa qua ở Seoul, Hàn Quốc TS. BS Hiroya Kumamaru, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản đã có những chia sẻ về thuốc lá làm nóng (TLLN).
Theo ông, cũng như nhiều quốc gia khác, một số người Nhật Bản tỏ ra hoài nghi về TLLN. Đó là những người không hút thuốc có bắt đầu sử dụng TLLN do nhận được thông tin là TLLN an toàn hơn thuốc lá điếu hay không; những người đã cai được thuốc lá có thể quay trở sử dụng thuốc lá với TLLN không; liệu có hiệu ứng “cửa ngõ” từ TLLN khiến giới trẻ bắt đầu sử dụng thuốc lá không…
BS Hiroya Kumamaru phát biểu tại Diễn đàn Thuốc lá & Nicotine Toàn cầu (GTNF) năm 2023. |
BS Kumamaru cho biết, đã có nhiều khảo sát trả lời cho các câu hỏi này. Trong đó, hiện tại đã có những dữ liệu quan trọng và rất thú vị được đưa ra bởi GS Polosa của Ý, cho thấy TLLN có tác dụng làm giảm đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đây là một kết quả khá khả quan.
Hay BS Naoto Yamaguchi, chuyên gia y tế công cộng tại Nhật Bản, đã đánh giá nguy cơ gây ung thư và so sánh giữa việc hút thuốc lá điếu và sử dụng TLLN. Xem xét kết quả nghiên cứu của 3 bác sĩ trước đây (BS Stephens, BS Marquette và BS Rodriguez), BS Yamaguchi nhận thấy, đối với TLLN, nguy cơ riêng về khả năng gây ung thư là khoảng 3% so với hút thuốc lá điếu đốt cháy và chúng ta có thể mong đợi tương lai tốt hơn, những lợi ích đến từ việc sử dụng TLLN thay thế cho thuốc lá điếu.
Vì vậy, BS Kumamaru cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các khảo sát, các nghiên cứu lâm sàng dài hạn… để tiếp tục đánh giá, xác nhận kết quả về lợi ích của TLLN.
Giáo sư Y khoa tại Đại học Brown (Hoa Kỳ) Jasjit S Ahluwalia phân tích về khái niệm giảm thiểu tác hại cũng giống như việc thắt dây an toàn và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ông chia sẻ, điều này cũng giống như ủng hộ việc tiêm chủng an toàn hay việc duy trì sử dụng biệt dược methadone (biệt dược giúp hỗ trợ cai nghiện heroin).
GS Ahluwalia cho biết nhóm nghiên cứu của ông quan sát thấy sự giảm thiểu đáng kể, có ý nghĩa thống kê và trên lâm sàng đối với các tác nhân gây ung thư có trong thuốc lá thế hệ mới, so với thuốc lá điếu đốt cháy. Ông ủng hộ hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá.
Đưa thuốc lá mới vào kiểm soát chặt chẽ
Như đề cập phía trên của BS Hiroya Kumamaru, GS Riccardo Polosa của Ý đã có những dữ liệu nghiên cứu quan trọng về TLLN. Ông là giáo sư Khoa nội Đại học Catania và là người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction - CoEHAR).
GS Riccardo Polosa. (Ảnh: PV) |
Mới đây, GS Polosa đã khẳng định một lần nữa rằng cai thuốc lá là tốt nhất cho sức khỏe của người hút thuốc. Nhưng ông cũng nhấn mạnh nicotine không phải nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi, các bệnh tim mạch… mà nguyên nhân thực sự là các chất tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá.
Ông phân tích, chức năng phổi của con người (từ độ tuổi 25 - 75) giảm dần theo thời gian, một người hút thuốc lá có thể tử vong trước 75 tuổi. Nhưng khi chuyển đổi sớm sang các giải pháp giảm tác hại như thuốc lá mới thì có thể cải thiện chức năng phổi (tất nhiên không thể phục hồi 100%) cũng như giảm tỷ lệ bệnh COPD và các bệnh lý khác do khói thuốc lá gây ra.
Vị GS người Ý cũng cho biết, hầu hết những người hút thuốc lá mắc COPD vẫn quyết định không cai thuốc lá điếu đốt cháy. Vì vậy, để giúp người hút cai thuốc lá, các nước châu Âu có nhiều biện pháp khác nhau như tư vấn, hỗ trợ bằng việc theo dõi, nhắc nhở, liệu pháp dược phẩm. Ngoài ra, còn có các giải pháp khác như nicotine dán, nicotine nhai, varenicline…
Tuy nhiên, các biện pháp này phần lớn không hiệu quả (cao nhất chưa đến 20% cai được thuốc lá) nên ông cho rằng có thể lựa chọn giải pháp thay thế là chuyển sang sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói (do không trực tiếp đốt cháy điếu thuốc), bởi chúng giảm thiểu được hơn 90% các độc chất tạo ra trong quá trình đốt cháy. Điều quan trọng là người hút thuốc hợp tác và đón nhận những sản phẩm không khói thay thế này.
Bởi vậy, theo GS Polosa, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp thông tin cho những người hút thuốc về các sản phẩm giảm tác hại. Điều đó sẽ làm giảm nguy cơ đến từ việc hút thuốc lá điếu đốt cháy xuống mức tối thiểu.
Đồng thời, ông lưu ý đây là những sản phẩm dành cho người hút thuốc trưởng thành trên 18 tuổi. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý của châu Âu, ông cho biết, các nước này áp dụng Chỉ thị về quản lý thuốc lá với nhiều quy định rõ ràng như không bán cho trẻ em dưới 18 tuổi, không quảng cáo thuốc lá, đánh thuế cao đối với những sản phẩm thuốc lá tạo ra tar (hắc ín, hay còn gọi là nhựa thuốc lá - PV)…
Nếu Việt Nam vẫn quan ngại về việc các sản phẩm này tác động đến giới trẻ thì phải hiểu nguyên nhân sâu xa là do thiếu kiểm soát thị trường lậu, tạo ra lỗ hổng để tội phạm buôn bán sai đối tượng. Từ đó, ông khuyến nghị, cần đưa thuốc lá mới vào kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, để chỉ được cung cấp đến đúng đối tượng, đúng mục đích và ngăn chặn triệt để việc tiếp cận đến giới trẻ theo quy định sẵn có của pháp luật.
Về sự không hiệu quả của các phương pháp cai thuốc lá hiện nay, theo GS Polosa, một lý do đáng chú ý là người hút “nghiện” hành vi cầm, rít điếu thuốc. Chính vì thế, cha đẻ của bộ câu hỏi Kagerstrom đã đổi tên bộ câu hỏi từ đánh giá hành vi phụ thuộc vào nicotine sang đánh giá hành vi phụ thuộc vào thuốc lá điếu truyền thống. Tại Trung tâm CoEHAR, hơn chục năm trước đây, GS Polosa đã cho bệnh nhân sử dụng điếu thuốc lá giả để “đáp ứng” cơn nghiện hành vi và từ đó đến nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm áp dụng công nghệ như thuốc lá mới thay thế cho thuốc lá điếu đốt cháy, để giúp mọi người cai thuốc lá.