Là phương tiện giao thông phổ biến…
Theo Thống kê của Dự án xây dựng chiến lược An toàn giao thông với xe máy do Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) tài trợ, tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 58.170.000 xe mô tô, xe gắn máy. Con số thống kê của Công an TP Hà Nội cho biết, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang lưu hành ở Hà Nội. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; hơn 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn hơn 50 năm. Dự tính, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm như hiện nay thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 7,3 triệu xe máy; đến năm 2030 sẽ có 7,7 triệu xe máy.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy là 7.408.124 chiếc. Trong đó, số lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.
Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng và cả nước, dẫn đến việc thu hút lượng lớn người dân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, kèm theo đó là lượng xe máy đăng ký biển số ngoại tỉnh với số lượng không nhỏ đến và lưu thông trên địa bàn thành phố. Số lượng xe máy thực tế đang lưu hành trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng từ 6,43 đến 6,96 triệu chiếc đã bao gồm các xe nội tỉnh (biển số đăng ký tại thành phố) và các xe ngoại tỉnh. Về cơ cấu các loại phương tiện, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ xe máy chiếm khoảng 93,1% số lượng phương tiện, tốc độ tăng trưởng ở mức 6,7%/năm.
Từ bức tranh ở hai thành phố lớn, có thể thấy, xe mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông phổ biến có tính linh hoạt cao, người dân thường xuyên sử dụng để đi lại. Nhưng nhiều người dân không có thói quen bảo dưỡng xe thường xuyên, cũng như chưa chú ý đến việc giữ gìn xe để đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thậm chí có nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng người dân tận dụng bằng việc mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, sửa chữa lại để sử dụng.
Nhưng cũng gây họa phổ biến cho môi trường và sức khỏe, nếu cũ
Cùng với độ lớn về tuổi thọ, những chiếc xe máy cũ này cũng có mức độ và cường độ phát thải các chất ô nhiễm không khí khi tham gia giao thông gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất này bao gồm: các hạt bụi lơ lửng, khí ô-xít các-bon (CO), hi-đrô các-bon (HC), các dạng ô-xít ni-tơ (NOx) và các chất khác. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.
Có nhiều xe máy đã quá cũ nát, nhưng vì nhiều lý do người dân vẫn sử dụng. |
Để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với khí thải xe phương tiện giao thông tại Việt Nam, các cơ quan quản lý bao gồm Bộ GTVT, Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan và các địa phương đã và đang đưa ra các giải pháp để kiểm soát khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó, đối với xe máy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam tương đương mức Euro 2 kể từ 01/7/2007; đối với xe đã qua sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 ban hành kèm theo quyết định 249/2005/QĐ-TTg… Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu, xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng mức khí thải tương đương Euro 4 cho xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trong thời gian tới.
Với xe máy đang lưu thông thì một giải pháp cần thiết để thúc đẩy giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy, đồng thời thay thế xe cũ không còn đảm bảo về an toàn giao thông và nồng độ khí thải theo quy chuẩn. Ở Hà Nội, ngày 22/07/2021, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 172/KH- UBND triển khai thực hiện thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.
Ngày 12/11/2021, chương trình “Xe sạch – Trời xanh” triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP. Hà Nội làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí đã chính thức được khởi động. Chương trình do Sở TN&MT, Sở GTVT phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải (ITST) với sự đồng hành của Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Chương trình “Xe sạch - Trời Xanh” bao gồm các hoạt động chính như: Đo kiểm khí thải cho khoảng 3.000 – 5.000 xe mô tô, xe gắn máy 5 hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, người dân Thủ đô được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí tại 8 điểm kiểm định tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông; Đối với xe máy từ 5 năm trở lên (đăng ký trước năm 2017), chủ phương tiện được tặng dầu nhớt, trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được hỗ trợ một phần chi phí bảo dưỡng tối đa không quá 200.000 VNĐ/xe để sửa chữa các bộ phận liên quan đến khí thải, các phương tiện vẫn được tiếp tục lưu hành sau khi được kiểm tra khí thải; Đối với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, thuộc 5 hãng xe trên có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ được tư vấn, hướng dẫn, nếu đáp ứng các điều kiện của chương trình sẽ nhận được các mức hỗ trợ từ các hãng xe tối đa lên đến 4 triệu đồng (khoản hỗ trợ tùy theo chính sách khuyến mại của từng hãng xe và giảm giá trực tiếp trên giá xe mới)…
Bên cạnh việc triển khai tại Hà Nội, Chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đã được tiến hành tại TP Hồ Chí Minh và sắp tới là Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ tháng 04/2020 - 06/2022 với mục tiêu hướng đến là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy tại 3 thành phố lớn cùng với các hoạt động truyền thông, khảo sát ý kiến chủ phương tiện và tham vấn các bên liên quan. Kết quả kiểm tra sẽ được sử dụng để đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, đến chất lượng không khí; đồng thời là cơ sở khoa học hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.
Cái khó của người dân
Sau một thời gian chương trình “Xe sạch – Trời xanh” thực hiện tại Hà Nội có thể thấy vẫn chưa nhiều người dân tham gia và một trong những nguyên nhân là chủ các phương tiện cũ đa số là người có thu nhập rất thấp nên không có khả năng phụ thêm tiền để đổi xe mới cho dù được hỗ trợ. Anh N.V.T ở quận Hai Bà Trưng cho biết, dù phương tiện đã cũ, nhưng vẫn còn vận hành tốt nên gia đình chưa muốn bỏ đi, mà bán thì chẳng được bao nhiêu tiền. Vẫn biết là khi xe lưu thông thì không an toàn, cũng như lượng khí thải thải ra môi trường lớn, song do gia đình hoàn cảnh, không có tiền để mua xe mới nên vẫn sử dụng xe cũ hằng ngày.
Từ góc độ chủ đại lý kinh doanh xe máy ở quận Đống Đa, ông M.P cho báo chí “làm nghề kinh doanh xe máy nhiều năm tôi thấy phần lớn người đi xe cũ có hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ lấy đâu ra tiền để mà phụ vào đổi xe mới dù được hỗ trợ mấy triệu đồng. Nếu lựa chọn chiếc xe rẻ nhất cũng phải phụ vào gần 20 triệu đồng. Chủ trương của các sở, ngành tôi thấy rất hay nhưng cần thời gian để người dân thay đổi thói quen cũng như mức sống của họ được cải thiện lên thì họ cũng sẽ sẵn sàng bỏ chiếc xe cũ”.
Theo chương trình, mức hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới được chia làm 3 cấp: 2 triệu đồng/xe, 3 triệu đồng/xe, 4 triệu đồng/xe. Và muốn được hưởng mức hỗ trợ 2 triệu đồng thì người dân phải mua chiếc xe mới (của chính hãng xe hỗ trợ) trị giá 20 triệu đồng, mức 3 triệu phải mua xe 30 triệu đồng và hưởng 4 triệu phải mua xe 40 triệu đồng. Theo nhiều người dân, đây cũng chính là một trong những nguyên do khiến họ không mặn mà “đổi xe cũ lấy xe mới”.
Chương trình “Xe sạch – Trời xanh” triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ. |
Được biết nguồn kinh phí hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới được kêu gọi từ 5 hãng xe mà chưa có nguồn kinh phí nào khác. Trong khi đó, người dân khó khăn vẫn không thể bỏ một lúc số tiền lớn để đổi xe mới dù đã được hỗ trợ, “làm việc vận chuyển, tôi rất cần xe mới để đi lại nhưng không thể tham gia chương trình do không có đủ số tiền để đổi xe mới.
Nếu mua xe khoảng 20 triệu đồng tôi được hưởng khoảng 2 triệu đồng theo chính sách từng hãng, từng đại lý. Tuy nhiên hiện nay không có khoản vay hay có hỗ trợ thêm nên tôi vẫn khó tiếp cận chương trình. Tôi mong ban tổ chức tăng thêm tiền hỗ trợ đổi xe cũng như có các nguồn vay để người dân tham gia tích cực hơn” – như lời của ông T.V.Q một người hành nghề shipper bày tỏ.