Tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” việc hoàn thiện về chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết thời gian qua và đề xuất những nội dung, giải pháp mới về công tác trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị cần sớm xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó xác định rõ nội hàm tri thức theo ngành, lĩnh vực để có các chính sách phù hợp. Đặc biệt, cần coi việc xây dựng trí thức đầu ngành là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng như xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng.
Ông Đường cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo, có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới.
Đồng thời, xây dựng quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học công nghệ, nhất là trong khoa học xã hội, nhằm phát huy trí tuệ trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước và xây dựng cơ chế trao đổi, thảo luận, đối thoại, phản hồi ý kiến phản biện của trí thức.
Nhấn mạnh tới việc hoàn thiện thể chế về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cũng như thu hút và trọng dụng tài năng trẻ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị sớm xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong quản lý và chính sách khuyến khích đãi ngộ, thu hút tài năng, nhất là tài năng trẻ cống hiến cho đất nước.
“Cần đẩy mạnh hoạt động của MTTQ các cấp và các hội nghề nghiệp, hội nghề nghiệp - xã hội trong việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức hoạt động lao động sáng tạo, tham gia với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước”- ông Dĩnh nêu ý kiến.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức tiếp tục được củng cố vững chắc.
Theo ông Phùng Khánh Tài, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm triển khai các Nghị quyết và các chủ trương của Đảng về đội ngũ trí thức nói chung, của MTTQ và các tổ chức thành viên nói riêng. Coi đây là một trong những nhân tố tiềm năng, đột phá để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong điều kiện của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Cùng với đó, cần thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra.
“Cần quan tâm phát huy vai trò của trí thức là người theo tôn giáo, người dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các giai tầng trong MTTQ Việt Nam để mỗi trí thức thực sự làm nòng cốt trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Phùng Khánh Tài gợi mở.